Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc nghiên cứu nhằm tìm ra những yếu tố trong cuộc sống gia đình làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ em. Họ đã giành 75 năm để theo dõi quá trình trưởng thành của những đứa trẻ tham gia nghiên cứu và đưa ra những kết luận bất ngờ.
Theo đó, các chuyên gia cho biết trí thông minh của trẻ em có liên quan đến hành vi của cha mẹ. Nhiều cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái nhưng họ không biết rằng chính những hành động tưởng vô hại của bản thân lại làm giảm IQ của con.
Dưới đây là 4 hành vi được các chuyên gia đến từ Đại học Harvard nêu ra:
"Dán nhãn" tiêu cực cho con
Trong cuộc sống, nhiều bậc làm cha mẹ thường vô tình nói ra những lời nói làm tổn thương đến con cái. Bao nhiêu lần các bậc làm cha mẹ quan sát thấy một điều gì đó không thuận với mắt mình và kết tội con bằng những tính từ rất tiêu cực như: nghịch, phá, hư,... thậm chí còn so sánh con mình với người khác.
Trên thực tế, đôi khi những lời nói của các bậc phụ huynh chỉ là vô tình, nhưng lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm chí của trẻ. Khi một đứa trẻ nghe được những điều tiêu cực của cha mẹ nói về mình, chúng sẽ cho rằng bản thân thua kém người khác, dần dẫn đến tâm lý thiếu tự tin, rụt rè. Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải thường xuyên khuyến khích, ủng hộ con, tránh nói những từ ngữ tiêu cực hay so sánh con với bất kỳ ai. Các bậc phụ huynh phải tin tưởng vào khả năng của con mình và không được tùy tiện gán cho con những dán mác tiêu cực.
Không cho con vui chơi
Đối với trẻ em, vui chơi là phương pháp học tập tốt nhất, nhanh nhất và rất quan trọng đối với sự phát triển của chúng. Vui chơi phù hợp có thể rèn luyện khả năng tập trung và kỹ năng xã hội của trẻ, vì vậy cha mẹ nên cho con không gian vui chơi hợp lý.
Nhưng hiện nay nhiều bậc làm cha mẹ lại giới hạn thời gian vui chơi của con cái, mà gò bó chúng trong những căn phòng bí bách, thậm chí là dành toàn bộ thời gian để học tập. Trên thực tế, làm sao một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện khi không được vui chơi và phát triển các kỹ năng xã hội học từ môi trường bên ngoài. Theo các chuyên gia, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em hiện nay gặp vấn đề về tâm lý khi bước vào bậc THCS, THPT.
Thường xuyên ngắt lời con
Hành vi thứ 3 mà nhiều cha mẹ hay làm có thể ảnh hưởng đến sự thông minh của con, đó chính là ngắt lời chúng. Trong quá trình hòa hợp với con, một số bậc cha mẹ sẽ vô thức ngắt lời hoặc không đủ kiên nhẫn để nghe con nói. Theo các chuyên gia Harvard, đây những hành vi này sẽ vô tình ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con trẻ.
Theo đó, nếu cha mẹ thường xuyên ngắt lời con, chúng sẽ mất hứng thú nói chuyện và trở nên rụt rè, sống khép kín hơn vì cảm thấy không được lắng nghe. Lâu ngày, hành vi này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thậm chí là cả sự tiếp thu của trẻ.
Chưa hết, việc thường xuyên ngắt lời con khi đang học sẽ ảnh hưởng đến khả năng tư duy và sự tập trung của trẻ, có thể làm kết quả học tập ngày càng kém đi. Vì vậy, cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe con, tôn trọng những ý kiến của con để kịp thời thấu hiểu cũng như giúp con tự tin hơn trong việc chia sẻ và thể hiện quan điểm.
Kìm nén cảm xúc của con
Hành vi thứ 4 của bố mẹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái chính là kìm nén cảm xúc của trẻ quá mức.
Việc không cho con thể hiện cảm xúc có thể tác động đến tâm lý của trẻ. Những cảm xúc tiêu cực bị tích tụ theo thời gian sẽ khiến con trở nên lầm lì, ương bướng, còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và nhận thức của con. Là cha mẹ, chúng ta nên giúp trẻ nhận biết cảm xúc, thể hiện cảm xúc và cả làm chủ cảm xúc của mình.
Theo Người đưa tin