Rụng tóc nửa năm và chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Theo nhiều chuyên gia, rụng tóc sau khi khỏi COVID-19 là di chứng nhiều người gặp phải. Một khảo sát ở Hoa Kỳ cho thấy trong 6 tháng xảy ra đại dịch COVID-19, số người đến khám vì rụng tóc tăng gấp 3 so với 6 tháng trước khi dịch bệnh xảy ra.
Tại Việt Nam, nhiều người thấy rụng tóc rõ rệt từ 2-3 tháng sau khi nhiễm COVID-19. Với một số người, tóc có thể bung ra khi gội đầu hoặc chải tóc, một số khác không tác động đến tóc cũng bị rụng.
Khỏi COVID-19 đã được 4 tháng, nhưng chị Nguyễn Hoàng Mỹ Duyên (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục bị rụng tóc, dù đã đổi dầu gội, cân bằng chế độ ăn uống, thậm chí sử dụng thuốc kích mọc tóc cũng không mang lại hiệu quả.
"Trước kia, tóc tôi chắc khỏe và dày, rất ít khi bị rụng, nếu có chỉ loáng thoáng vài sợi khi gội đầu. Nhưng nhiều tháng nay, tóc rụng cả khi chải đầu, ngủ dậy tóc vương đầy gối, rơi rụng cả ở sàn nhà. Chưa bao giờ tôi bị rụng tóc nhiều đến mức thấy lo lắng, mất ngủ như vậy" - chị Duyên hoang mang.
Stress vì rụng tóc đã nửa năm nay, chị Lê Thị Hà (34 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải thốt lên: "Tóc rụng nhiều hơn cả khi mới sinh em bé xong". Trước khi mắc COVID-19, chị Hà dành nhiều thời gian cho việc gội đầu, dưỡng tóc, sấy tóc. Nhưng nay, tất cả chỉ gói gọn trong 10 phút, bởi tóc rụng quá nhiều.
"Từ trước đến nay, chưa thời gian nào tóc tôi rụng nhiều đến như vậy. Gội đầu xong, tóc có khi rụng thành từng nắm, thậm chí ngồi không tóc cũng rụng. Tôi đã áp dụng mọi phương pháp, sử dụng cả thuốc kích mọc tóc nhưng không có hiệu quả, thật sự rất lo lắng” - chị Hà buồn bã.
Cách xử trí tình trạng rụng tóc hiệu quả, khoa học
Trao đổi với Lao Động về vấn đề rụng tóc hậu COVID-19, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 - thành viên hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà đã phân tích về tình trạng rụng tóc do COVID-19.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc sớm và nhiều như mắc COVID-19 bị sốt cao, mệt mỏi; liên quan đến phản ứng miễn dịch - suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng viêm nhiễm, ngứa da đầu gây gãi nhiều dẫn đến gãy tóc.
Bên cạnh đó, do cách ly lâu, quá lo lắng gây áp lực lớn, không có ai chia sẻ động viên, cơ thể sẽ sinh ra các hormone chống stress gây hại cho hệ lông tóc móng (co thắt mạch, khít lỗ chân lông làm giảm nuôi dưỡng tóc). Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác, rối loạn tiêu hóa gây chán ăn, dẫn đến giảm chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tóc.
Có thể một số thuốc điều trị COVID-19 cũng gây rụng tóc như thuốc chống đông enoxaparin. Đặc biệt, vệ sinh da đầu kém do quan niệm sai về vấn đề kiêng kỵ tắm, gội sẽ gây ngứa và viêm nhiễm, nấm da đầu gây đứt gãy chân tóc.
Để xử trí các vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, mọi người nên thay đổi lại lối sống phù hợp. Theo đó, tập luyện thể dục nhẹ nhàng giúp máu lưu thông, tăng giãn lỗ chân lông và toát mồ hôi giúp tăng nuôi dưỡng hệ lông tóc móng.
Bên cạnh đó, cần tắm và gội đầu một cách khoa học. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30-35 độ C; tắm và gội đầu cách ngày (giúp tinh thần thoải mái lạc quan); tắm và gội nhanh trong khoảng 10 phút; sấy khô tóc bằng tốc độ gió vừa và sấy nóng ở khoảng cách đủ ấm.
Đồng thời, xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung protein, bổ sung sắt, vitamin E, D, C, B12, kẽm, acid folic, vitamin B1. Tránh sử dụng các loại dầu gội đầu có độ PH không phù hợp, có tính chất tẩy rửa. Đặc biệt, giai đoạn hồi phục cần hạn chế các thủ thuật như nhuộm tóc, uốn, sấy, hấp, không buộc tóc quá chặt.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường cũng đưa ra lời khuyên, người bệnh nên giảm căng thẳng, lo âu không cần thiết. Nếu rụng tóc kéo dài hơn 06 tháng hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng khác thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.