Rất nhiều bất cập những trăn trở liên quan đến lĩnh vực giáo dục được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chia sẻ sáng 2/8.
Ý kiến này được nêu ra trong Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Văn hóa Giáo dục phối hợp tổ chức.
Nhận định đổi mới chương trình, đổi mới SGK là đúng đắn, song theo nguyên Phó Chủ tịch nước, việc triển khai chưa theo kịp chủ trương và còn lúng túng do chưa đánh giá đúng tình hình.
Về chủ trương xã hội hóa, bà Doan đề nghị xem lại vai trò của Nhà nước. "Ta thường hiểu đơn giản xã hội hóa là không dùng tiền của Nhà nước để đầu tư, nhưng xã hội hóa không phải chỉ gom tiền của nhà đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực nào đó, mà Nhà nước phải có định hướng", theo phân tích của nguyên Phó Chủ tịch nước.
Ngoài ra, bà cho rằng những lúng túng trong giáo dục vừa qua còn do thiếu sự chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất, thiếu tâm lý cho việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Đổi mới, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chính là chuyển phương pháp từ truyền kiến thức sang phương pháp tư duy và năng lực, cần có bước đi và sự chuẩn bị kỹ càng.
Thực tế, với học sinh hiện nay, bà Doan nêu thực tế về áp lực thi cử. "Chúng ta nói SGK mới không làm cho học sinh học tập rập khuôn, máy móc. Nhưng học sinh đi học vẫn chép bài văn mẫu, thi cử quá nặng nề. Bộ Giáo dục nói chống bệnh thành tích trong thi cử nhưng ở dưới có chống đâu, vì việc này ảnh hưởng đến bình bầu, thi đua", nguyên Phó Chủ tịch nước nói.
Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ cần bàn nhiều về định hướng, chiến lược cho giáo dục.
"Từ đông tây kim cổ đến nay, không có một quốc gia nào đi lên mà không xuất phát từ giáo dục. Bây giờ chúng ta xây những con đường cao tốc mà không để ý đến con đường tri thức, trong khi đây mới là con đường nhanh nhất để phát triển bền vững", bà Doan nói và đề nghị Quốc hội có chuyên đề bàn sâu về giáo dục.
Về phía giáo viên và nhà trường, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng phản ánh hàng loạt áp lực "đến cùng lúc", vừa phải tinh giản biên chế, vừa phải nâng cao năng lực, chuẩn hóa trình độ giáo viên. Bên cạnh đó, câu chuyện tiền lương giáo viên cũng là vấn đề trăn trở.
"Nói thật lương thế này thì ai làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, vừa tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chịu chính sách tiền lương không phù hợp. Mấy triệu bạc làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ…", theo lời nguyên Phó Chủ tịch nước.
Cho rằng sản phẩm của giáo dục không phải thể hiện kết quả ngay hôm nay mà có thể trong 10-20 năm sau, nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị phải có chính sách tiền lương riêng cho nhà giáo.