Liên tiếp ngộ độc
Thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Nam, hiện trên tuyến tỉnh có 403 cơ sở dịch vụ ăn uống, tuyến huyện có gần 8.000 cơ sở, tuyến xã có 5163 cơ sở thức ăn đường phố. Đối với các cơ sở sản xuất, tuyến tỉnh có 192 cơ sở.
Trong năm 2022, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc, 21 nạn nhân, không có người chết. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 9 vụ ngộ độc, hơn 200 nạn nhân, làm 1 người chết, hàng chục người nguy kịch.
Cơ quan Y tế tỉnh nhận định, đa số các vụ ngộ độc có nguồn gốc từ thức ăn đường phố, như vụ 16 học sinh Tiểu học xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn ra trước cổng trường mua kem ống ăn, sau đó có biểu hiện nôn mửa, phải nhập viện (tháng 4.2023).
Hoặc là thức ăn tự chế biến không đảm bảo an toàn, như vụ 18 em học sinh trường tiểu học xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn uống trà sữa, trái cây lắc do một phụ huynh tự chế biến tại nhà, mang đến. Sau đó, có các triệu chứng đau đầu, nôn mửa kèm theo đau bụng (tháng 3.2023).
Vụ ngộ độc làm 1 người chết và nhiều người khác nguy kịch cũng xảy ra trong tháng 3.2023, sau khi nhiều người ăn món cá chép ủ chua lên men ở huyện Phước Sơn. Đây là món truyền thống của người Giẻ Triêng. Trong quá trình chế biến không an toàn đã làm nảy sinh độc tố Botulinum - chất độc cực mạnh, gây chết người với hàm lượng rất nhỏ.
“Còn vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Hội An với gần 150 nạn nhân (tính đến tối ngày 15.9) là lần đầu tiên xảy ra ngộ độc ở cơ sở này” – bà Lê Thị Hồng Cẩm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho hay.
Tổn hại nghiêm trọng hình ảnh Hội An
Đáng chú ý, vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì Phượng cũng là lần đầu tiên 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện trở lên (TP. Hội An) xảy ra ngộ độc lên tới hàng trăm nạn nhân.
Cơ sở này là thương hiệu hơn 30 năm tuổi, từng xuất hiện trên truyền hình quốc tế và được nhiều du khách ưa chuộng; được UBND TP Hội An cấp giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo biên bản của cơ quan chức năng, ngày 11.9, tiệm bánh mì Phượng bán ra hơn 1.920 ổ bánh mì, ngày 12.9, bán 1.700 ổ. Với giá bán từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng 1 ổ, ước tính doanh thu bánh mì Phượng không dưới 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Thế nhưng, cơ sở này cũng có những vi phạm rất sơ đẳng như: Khu vực sơ chế, dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt); tủ lạnh, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa được vệ sinh; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy)... Đặc biệt là lưu mẫu chưa đủ số lượng món ăn trong 1 ngày.
Trả lời Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, bánh mì Phượng là thương hiệu gắn với Hội An, nên khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn, hình ảnh Hội An cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
“Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt, không thể vì thế đánh giá ẩm thực đường phố Hội An không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” – ông Sơn nói.“Vụ việc như một lời cảnh tỉnh đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống tại phố cổ. Chúng tôi sẽ đánh giá lại công tác kiểm tra ATVSTP trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hàng quán, hộ kinh doanh thức ăn đường phố nhằm giảm thiểu tối đa các sự việc tương tự” – ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế Quảng Nam, trong số gần 150 nạn nhân ngộ độc nghi do ăn bánh mì Phượng có nhiều trẻ em và 33 người nước ngoài, sức khỏe nạn nhân hiện tương đối ổn định. Theo thẩm quyền của Sở thì mức xử phạt hành chính chủ cơ sở vi phạm (nếu có) tối đa là 50 triệu đồng; đình chỉ/thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn, cho đến khi khắc phục.