Ngôi chợ độc nhất ở Sài Gòn
Tiếng gọi là chợ Miên (Campuchia) nhưng tên gọi thật của nó là chợ Lê Hồng Phong.
Muốn vào chợ Miên phải đi bằng 2 ngã. Đi từ hẻm 374 hoặc hẻm 382 Lê Hồng Phong hay từ đường Hồ Thị Kỷ (P.1 Q.10 TP.HCM) thẳng vào. Nằm trong con hẻm dài xuyên qua khu dân cư rộng lớn, chợ có hàng trăm gian hàng bán đủ các mặt hàng thực phẩm và nhiều món ăn của khắp mọi miền đất nước.
Chợ Lê Hồng Phong nhìn từ gian hàng Tư Xê
Sắc thái Miên trong ngôi chợ rất dễ tìm thấy. Nổi bật nhất là 2 gian hàng, sạp khô Hai Nhỏ và Tư Xê bún num bo chóc. Hàng hóa được người bán trưng bày rất bắt mắt. Những con khô, những tô bún, những trái chuối nướng, ly chè đậm chất Miên dễ dàng đập vào mắt những ai dạo chợ.
Chủ của 2 gian hàng này đều có nhà gần chợ. Bà con tiểu thương trong chợ đều xác nhận, họ là những người có gốc gác từng sinh sống nhiều năm ở Nam Vang (Phnom Pênh) trở về đây buôn bán những mặt hàng đặc trưng được nhập từ xứ chùa Tháp.
Điều ấn tượng, khi tiếp xúc dù không mua hàng những người bán tại 2 gian hàng này rất lịch sự, vui vẻ giải thích những thắc mắc mà chúng tôi nêu ra…
Món bún với nước dùng đậm đà, chỉ có ở chợ Miên
Các món chè đặc trưng của xứ Chùa tháp rất đông thực khách
Chị Ngô Thị Xinh, 50 tuổi của gian hàng Tư Xê kể lại: "năm ấy tôi còn rất nhỏ theo gia đình trở về Sài Gòn. Sau này mới biết, thời điểm này tướng Lon Nol làm đảo chính lật đổ vương triều Sihanouk. Sau khi lên cầm quyền, Lon Nol mở nhiều cuộc tàn sát nhắm vào người Việt. Chính quyền Lon Nol sát hại hàng nghìn người Việt ngay tại Phnôm Pênh. Lon Nol còn ban luật chỉ cho phép người gốc Việt đi lại từ 7 giờ sáng đến 11 giờ sáng. Một số nghề phổ thông bị cấm đoán khiến sinh hoạt của cộng đồng người Việt bị tê liệt. Lon Nol còn ra lệnh thiết lập một số trại tập trung cho người dân gốc Việt, giam giữ hơn 30.000 người sau tăng lên đến 90.000. Họ bị ép hồi hương. Con số người chết do cáp-duồn (chặt đầu) có thể lên đến 3.000-4.000 người, sau đó thả trôi sông xuôi dòng Bassac về Việt Nam.
Chúng tôi nằm trong số những người hồi hương. về khu vực này mua nhà trú ngụ. Rồi lập chợ. Ban đầu chợ còn nhỏ bán buôn ít, sau đó lớn dần thành chợ Miên, buôn bán những mặt hàng chỉ ở Campuchia mới có".
Hiện nay, chợ Miên được "khoác áo" mới là chợ Lê Hồng Phong. Hàng trăm gian hàng, sạp chợ được phát triển với nhiều ngành hàng phong phú đa dạng. Những người bán hàng gốc Campuchia vẫn còn nhưng co cụm lại với những mặt hàng thực phẩm và những món ăn dân dã đặc trưng...
Khám phá "đặc sản" ở chợ Miên
Chúng tôi gọi một tô bún num bo chóc. Không lâu, anh chạy bàn mang đến. Tôi hỏi anh, num bo chóc có nghĩa là gì ? Anh cho biết, từ này không thể phiên dịch ra tiếng Việt, chỉ hiểu đây là món bún cá vì được chế biến bằng cá lóc.
Khô cá sấy và lap xưởng treo thanh từng chùm Các loại tôm, cá khô...đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia) thông qua chợ Miên đến với người tiêu dùng TPHCM
Hương thơm từ tô bún bốc lên. Những khúc cá lóc đã lấy hết xương nằm trên lớp bún chìm trong nước lèo ngọt ngào và thanh khiết. Hương vị lạ. Không giống bún cá Nha Trang. Không có mùi vị của bún nước lèo Sóc Trăng nhưng bún num bo choc ngon và lạ miệng.
Chợ đang đông. Lượng người đổ về càng lúc càng nhiều. Quầy bán chuối nướng của chị phụ nữ trung niên tỏa khói. Nơi đây có bánh chuối nướng, bánh chuối hấp và bánh bò thốt nốt. Tất cả đều là những món ăn mang đậm sắc thái Campuchia. Đặc biệt là thốt nốt. Đây là một loại cây họ cau, dùng dể làm đường mà chỉ Campuchia mới có. Nước thốt nốt được lấy từ ngọn cây rồi nấu cho cô đặc lại thành những thỏi đường vàng rực. Đường thốt nốt không ngọt đậm như đường mía mà dịu hơn và thanh hơn.
Không chỉ có bánh bò thốt nốt, khách đến chợ có thể thưởng thức món chè của "Cô Có" với những loại chè bình dân nhưng đậm nét Campuchia. Chè ở đây được nấu bằng đường thốt nốt. Nhìn những thau, những son chè ở gian hàng Cô Có ít ai cưỡng được. Hai người ở gian hàng này múc liền tay không ngưng nghỉ...
Đến chợ Miên, không thể không ghé lại các gian hàng bán các loại khô. Những miếng khô tra được treo thành hàng rất đẹp. Bên cạnh đó còn có các loại khô lóc, khô sặc, khô sửu được trưng bày rất hấp dẫn.
Đa số những người bán hàng Miên tại chợ đều thuộc vào thế hệ thứ 2. Lớp người trước, những người trở về từ Nam Vang đến nay đã quá già, có người đã không còn. Gần 50 năm rồi.
Chị bán hàng ở gian hàng Hai Nhỏ cho biết, mẹ chị kể lại lúc đầu khi mới hình thành chợ chỉ lèo tèo vài người bán chủ yếu phục vụ cho người Campuchia sống tại Saigon. Dần dà, khách người Việt ủng hộ càng lúc càng đông. Chợ lớn dần, phát triển đến ngày nay. “Hiện nay, chúng tôi là thế hệ thứ 2. Chúng tôi nhập hàng thẳng từ Campuchia để phục vụ cho khách hàng. Khi chúng tôi có mặt nơi đây, gặp một khách hàng mua khô tra được vị này cho biết, khô tra của Miên có mùi vị khác khô tra của mình. Vì thế, không thể lẫn vào đâu được” – người bán hàng khô nói
Chúng tôi rời khỏi nơi đây mang theo những hình ảnh đẹp, những lời nói ngọt ngào, cung cách chào mời thân thiện và chân tình của những người bán hàng chân chất - đặc trưng ở vùng đất trãi dài sông Mê Kông dồi dào sản vật...
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 09/08/2016
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/am-thuc/cho-mien-doc-dao-giua-long-sai-gon-320097.html