Chiêu mạo danh, lừa đảo trên mạng: Hàng loạt bệnh viện lớn trở thành nạn nhân

21/07/2023 14:10

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và rất nhiều cơ sở y tế khác đang phải đối mặt với tình trạng bị mạo danh trên mạng xã hội.

Lời tòa soạn

Mạo danh bệnh viện và bác sĩ trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ. Các hình thức lừa đảo thời đại 4.0 lấy người bệnh là mục tiêu trục lợi ngày càng tinh vi hơn, từ việc sử dụng hình ảnh bác sĩ bán thực phẩm chức năng, hay gọi điện cho phụ huynh để báo "con cấp cứu ở Chợ Rẫy", cho đến lập hàng loạt Fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu "lập lờ". Thiệt hại không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, tính mạng người bệnh, người dân.

Trong khi chờ đợi sự quyết liệt và phương thức quản lý hiệu quả hơn từ cơ quan chức năng, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài về Mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên không gian mạng, góp phần cảnh báo đến quý độc giả và người dân trước những chiêu trò ngày càng tinh vi trên mạng xã hội. 

Ngay sau khi VietNamNet đăng tải bài viết “Cò bệnh viện” online, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cũng gửi đi cảnh báo về việc tái diễn nạn mạo danh thương hiệu, bác sĩ để trục lợi, lừa đảo người bệnh.

Bệnh viện trở thành nạn nhân

Bệnh viện Quân y 175 cho hay thủ đoạn của các Fanpage giả mạo đang tinh vi hơn khi ngang nhiên sao chép và đăng tải lại nội dung từ Fanpage chính thức của bệnh viện. Nội dung đăng lại bao gồm các bài đăng, logo, ảnh bìa hoặc lợi dụng danh tiếng của bác sĩ để giả mạo, gây nhầm lẫn, trục lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định các hành vi trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng dịch vụ và ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cũng phát đi cảnh báo khi mạng xã hội xuất hiện video nhân vật tự xưng là bác sĩ, giới thiệu sách Minh triết trong ăn uống của người phương Đông "có thể chữa bệnh". Sau đó, tài khoản này dẫn dắt, quảng cáo để bán thực phẩm chức năng.

Bệnh viện này khẳng định việc mạo danh để trục lợi như trên tạo những tư tưởng sai sự thật, lệch lạc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nhân viên y tế cũng không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện.

Trước đó, cơ sở y tế này cũng từng nhiều lần phát đi cảnh báo về việc bị mạo danh trên mạng xã hội để quảng cáo khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ.

Hình ảnh trong video nhân vật tự xưng là bác sĩ Bệnh viện 108. Ảnh: BVCC

Là "nạn nhân" thường xuyên của chiêu mạo danh trên mạng xã hội, có lẽ phải kể đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Những năm qua, hàng loạt Fanpage có chèn cụm từ “Chợ Rẫy” xuất hiện rầm rộ, chủ yếu trong mảng thẩm mỹ. Hậu quả là, người bệnh hiểu nhầm các cơ sở thẩm mỹ có chữ “Chợ Rẫy” trong tên gọi đều do bác sĩ Chợ Rẫy phụ trách hoặc bệnh viện liên kết. Từ đó, đồng ý lựa chọn thực hiện dịch vụ.

Bệnh viện Chợ Rẫy rất nhiều lần khẳng định đây là tình trạng mạo danh bệnh viện để trục lợi. Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi đơn khẩn cấp đến Công an TP.HCM khi phát hiện một công ty lập ra các Fanpage và tài khoản Facebook giả mạo thương hiệu bệnh viện, vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp.

Tại thời điểm đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng gửi đơn đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư của TP.HCM và Cần Thơ để giải quyết. Kết quả, công ty bị phản ánh đã buộc phải đổi tên.

Bệnh viện này cũng nghiêm cấm cán bộ, công nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng sử dụng thương hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy đi làm ăn, hợp tác bên ngoài. Quyết liệt như thế, nhưng đến nay, Facebook vẫn tràn ngập các tài khoản mạo danh có cụm từ "Chợ Rẫy".

Bệnh viện Chợ Rẫy là nạn nhân thường xuyên của chiêu trò mạo danh trên không gian mạng. Ảnh: Thế Sơn.

Có quy định xử phạt sao vẫn ngang nhiên vi phạm? 

Phó giáo sư, bác sĩ Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, bức xúc vì đã chứng kiến rất nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này. Ông cho rằng nếu một tài khoản Facebook đăng tin thất thiệt liên quan đến chính sách sẽ bị phạt 7,5 triệu đồng. Vậy nhưng việc xử lý này chưa thấy áp dụng với các Fanpage giả mạo thương hiệu bệnh viện. Trong khi đó, khi tên tuổi của bệnh viện càng lớn, nguy cơ rơi vào bẫy mạo danh trên mạng xã hội lại càng nhiều.

“Ai quản lý thông tin trên Facebook? Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế quản lý như thế nào? Tôi cho rằng phải có đội ngũ IT, theo dõi sát và phát hiện các trang giả mạo này. Không thể để tình trạng trách nhiệm không thuộc về ai”, bác sĩ Hùng nói.

Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết quy định của Bộ Y tế nêu rõ các bác sĩ không được phép tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thực phẩm chức năng trên mạng là giả mạo.

Cũng theo luật sư Hùng, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác. Việc mạo danh người khác để quảng cáo trên Facebook là vi phạm Luật Công nghệ thông tin.

Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nếu tổ chức vi phạm, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhiều bệnh viện liên tục phát đi cảnh báo tình trạng bị mạo danh trên mạng. Ảnh: BVCC. 

Ở mức độ vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định, các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60-80 triệu đồng.

“Các sản phẩm, dịch vụ như khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, hóa chất và chế phẩm sử dụng trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm... thuộc nhóm quảng cáo có điều kiện, phải qua kiểm định nội dung mới được đưa ra quảng cáo, tránh đưa thông tin quá mức về chất lượng sản phẩm”, luật sư Hùng nói.

Dấu hiệu mạo danh bác sĩ và bệnh viện để trục lợi

Giống như nhiều bệnh viện, Bộ Y tế cũng chỉ có thể đưa ra các cảnh báo về chiêu trò, dấu hiệu bất thường của tình trạng mạo danh bác sĩ, bệnh viện trục lợi. Từ đó, giúp người bệnh nhận diện nguy cơ bị lừa trên không gian mạng. 

Dù muốn hay không, người dân bắt buộc phải thông thái hơn để tránh rơi vào những chiếc bẫy tinh vi trên Facebook. Sau một cú click chuột, người bệnh có thể không chỉ tổn hại về tiền bạc mà còn là sức khoẻ và tính mạng. 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chiêu mạo danh, lừa đảo trên mạng: Hàng loạt bệnh viện lớn trở thành nạn nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO