'Chiếc hộp kể chuyện' ở bảo tàng

20/08/2024 10:30

Dự án "Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM" là minh chứng cho sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ mới

Đầu tháng 9-2024, dự án "Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM" sẽ đi vào hoạt động, tạo ra bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên nền tảng VR/AR/MR/hướng dẫn viên ảo, giúp du khách có trải nghiệm mới lạ, sâu sắc.

Tương tác với các hiện vật

Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP HCM, Tạp chí Du lịch Việt Nam (Vietnam Travel), Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) và Công ty Cổ phần Meta Art đã ký kết hợp tác thực hiện dự án "Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM" địa chỉ tại số 1 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP HCM.

“Chiếc hộp kể chuyện” đã từng được khai trương ở 2 bảo tàng tại TP HCM  là Bảo tàng TP HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trước đó.  Trong ảnh: “Chiếc hộp kể chuyện” của Bảo tàng TP HCMẢnh: BẢO TÀNG TP HCM
“Chiếc hộp kể chuyện” đã từng được khai trương ở 2 bảo tàng tại TP HCM là Bảo tàng TP HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trước đó. Trong ảnh: “Chiếc hộp kể chuyện” của Bảo tàng TP HCM.(Ảnh: BẢO TÀNG TP HCM)

Dự án sẽ xây dựng một bảo tàng ảo bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại và công nghệ Photogrammetry để thu thập dữ liệu từ hiện vật và công trình thực tế. Từ đó chuyển thành mô hình 3D trong không gian máy tính. Với cách làm này sẽ cho phép khách tham quan trải nghiệm thông qua các thiết bị di động, máy tính hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng. Du khách sẽ có cơ hội tương tác với các hiện vật trong không gian ba chiều, dễ dàng truy cập thông tin chi tiết và đắm chìm trong không gian âm thanh, hình ảnh sống động. Điều này không chỉ mở rộng đối tượng khán giả mà còn tạo cơ hội cho những người không thể hoặc gặp khó khăn khi tham quan bảo tàng truyền thống.

Ông Nguyễn Long Hưng, Điều hành dự án số hóa các hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, cho biết bên cạnh những ưu điểm như vừa kể trên, dự án số hóa này còn góp phần giáo dục và truyền đạt văn hóa, lịch sử và nghệ thuật đến mọi người, cung cấp môi trường học tập tương tác về các tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa và sự kiện lịch sử.

"Đây là bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên nền tảng hướng dẫn viên ảo. Công nghệ VR (Virtual Reality) cho phép du khách trải nghiệm không gian bảo tàng ảo khi đeo kính VR3D hoặc thông qua các thiết bị di động và màn hình tương tác có kết nối internet" - PGS-TS Võ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học HUTECH, thông tin.

Nhiều chuyển động tích cực

ThS Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, kỳ vọng dự án sẽ thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đưa TP HCM trở thành đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.

PGS-TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, nhìn nhận: "Tận dụng sức mạnh của công nghệ số trong công tác bảo tàng vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn dù ảo nhưng phải làm sao có được sự sinh động như thật khi thưởng lãm".

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cho biết từ năm 1997, bảo tàng đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý. Trong những năm gần đây, bảo tàng đã tích cực, chủ động đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật; ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, thu hút khách tham quan. Năm 2021 sau khi trưng bày ảo 3D chuyên đề "Bảo vật quốc gia" giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng.

Trong cuộc đua chuyển đổi số, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có nhiều chuyển động tích cực. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết các hướng dẫn viên du lịch thường phản ánh họ thấy khó khăn khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điều này một phần do hệ thống thông tin quá ít, phần khác là do sự khuyết kiến thức nền về nghệ thuật, dẫn đến tâm lý e ngại, không muốn đưa các đoàn khách du lịch đến bảo tàng.

Cần kết hợp âm nhạc và lời bình

NSND Trần Minh Ngọc góp ý, dự án số hóa bảo tàng sẽ hấp dẫn hơn khi kết hợp âm nhạc và lời bình để tăng cảm xúc của du khách. Do vậy cần lưu tâm yếu tố này. Nhạc nền cần phù hợp theo bối cảnh lịch sử của không gian trưng bày sẽ giúp khách tham quan như được quay ngược thời gian, đắm chìm trong không gian của những năm tháng xưa cũ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Chiếc hộp kể chuyện' ở bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO