Chiếc ghế Navy-biểu tượng của Hải quân Mỹ

26/08/2023 16:41

Được thiết kế vào những năm 1940 cho Hải quân Mỹ, chiếc ghế Navy từng là biểu tượng trong làng thiết kế.

Tháng 8-1942, ba tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Mỹ đã bị phá hủy bởi đạn pháo và ngư lôi của quân đội Nhật Bản trong trận chiến trên đảo Savo thuộc Quần đảo Solomon. Ngọn lửa lan nhanh đã thiêu rụi toàn bộ trang thiết bị trên tàu.

Để ngăn chặn sự cố tương tự có thể lặp lại, Hải quân Mỹ cấm sử dụng bất kỳ vật liệu dễ cháy nào trên tàu. Từ sàn tàu đến áo phao, mọi thứ đều phải chống cháy. Các thủy thủ được yêu cầu chỉ mang theo những thứ tối thiểu bên mình. Đồ nội thất trên tàu cũng phải tôn trọng các quy tắc tương tự.

Chiếc ghế Navy có hình dáng thiết kế đơn giản. Ảnh: Slate.fr

Vào thời điểm đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Hải quân Mỹ, kỹ sư trẻ Wilton Dinges đã quyết định chế tạo một chiếc ghế có khả năng chịu được nước, chống ăn mòn, chống cháy nhưng đủ nhẹ (khoảng 3 kg), thuận tiện khi sử dụng.

Chiếc ghế được làm bằng nhôm tái chế, một vật liệu rẻ tiền, không có từ tính và không thu hút sự chú ý của radar đối phương. Theo đó, nhôm được uốn cong, hàn lại sau đó được gia cố bằng một loạt phương pháp xử lý đặc biệt để nhôm bền hơn thép gấp ba lần.

Ghế ngồi tiện dụng, chân thon với ba thanh chắn ở phía sau, nhờ đó nó trở thành chiếc ghế đa năng, hội tụ đủ tiêu chí cần thiết nhưng không hề có lỗi về thẩm mĩ. Đặc biệt, mỗi chiếc ghế có thể chịu được tải trọng 750 kg.

Để chứng tỏ chiếc ghế đặc biệt bền, trước sự chứng kiến của các sĩ quan hải quân, kỹ sư Dinges đã ném ghế từ trên tầng 8 của khách sạn Chicago xuống đất. Chiếc ghế rơi xuống an toàn mà không có một vết xước. Nhờ đó, kỹ sư Dinges đã nhận được hợp đồng béo bở với Hải quân Mỹ.

Quảng cáo ghế của công ty Emeco từ những năm 1950. Ảnh: Slate.fr

Năm 1944, Công ty Máy và Thiết bị Điện (Emeco) được thành lập để sản xuất hàng loạt mẫu ghế “1006”-những mẫu ghế đầu tiên được trang bị cho tàu ngầm tại nhà máy Hanover ở bang Pennsylvania.

Để nâng cao tinh thần của quân đội cũng như khuyến khích binh lính sử dụng ghế đúng mục đích, một câu chuyện được lan truyền rằng chiếc ghế rỗng nổi tiếng trên được đúc vừa với mông của ngôi sao Hollywood Betty Grable. Tấm áp phích in hình nữ diễn viên trong bộ đồ bơi tạo dáng bên chiếc ghế là tấm áp phích phổ biến nhất thời kỳ đó và đã bán được 5 triệu bản. Nếu những người lính thủy đánh bộ không thể chụp ảnh với diễn viên mà mình yêu thích, họ có thể mang tấm hình của Betty Grable bên mình.

Hai năm sau, sau khi vượt qua các cơn bão, các cuộc tấn công liều chết và hai vụ thử hạt nhân ở Quần đảo Bikini, chiếc ghế “1006”, có tên gọi khác là “Navy” (Hải quân), đã chứng tỏ được tầm quan trọng của mình. Công ty Emeco sau đó được mời tham gia trang bị hàng trăm nghìn ghế nhôm cho tàu tuần dương, tàu sân bay và tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Mỗi chiếc ghế Navy đều được chế tạo thông qua một quy trình 77 bước và rất nghiêm ngặt.

Công ty Emeco bảo đảm tuổi thọ sử dụng của ghế Navy là 150 năm. Do đó, “Navy” hay “1006”, được sản xuất tại Mỹ, hội tụ đủ các yếu tố để khơi dậy niềm tự hào dân tộc ngay cả khi chiến tranh kết thúc.

Sức quyến rũ của ghế “1006” cũng lan sang các nơi khác. Emeco được mời trang bị ghế cho các bệnh viện, nhà tù, đồn cảnh sát, thậm chí là quán bar và căng tin. Năm 1955, có tới 200.000 chiếc ghế Navy được xuất xưởng.

Ghế Hudson của nhà thiết kế Starck lấy từ phiên bản ghế Navy. Ảnh: Slate.fr

Đầu những năm 1970, công việc làm ăn của công ty Emeco bắt đầu chững lại và đi xuống. Việc phi quân sự hóa đã khiến đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá thành tương đối cao khiến ghế Navy trở nên kém hấp dẫn so với loại ghế rẻ tiền thời đó. Năm 1979, Jay Buchbinder-chủ một nhà máy sản xuất đồ nội thất đã mua lại công ty Emeco, sau đó chuyển giao cho con trai là Gregg Buchbinder tiếp quản.

Nỗ lực khám phá các loại vật liệu khác (chẳng hạn như ván ép) của Emeco đều không thành công. Gregg Buchbinder nhớ lại: “Năm 1997, tôi nghe thấy một người quản lý nghe điện thoại và hét lên: “Không, tôi không gửi ghế, hãy gửi tiền trước!”. Tôi hỏi anh ta: Ai ở đầu dây bên kia?. “Ai đó tên là Armani”-anh ta trả lời. Sau đó, Giorgio Armani đã đặt hàng những chiếc ghế “1006” cho cửa hàng của ông ta”.

Năm 2000, nhà thiết kế Philippe Starck đã cải biến ghế Navy thành ghế Hudson để trang bị cho khách sạn cùng tên. Theo tờ Thời báo New York, Philippe Starck đã biến ghế Navy thành “một chiếc ghế thời trang cao cấp dành cho những người theo phong cách hipster”. Hipster là phong cách thời trang phá cách, không xuôi theo xu hướng nào nhưng cách phối đồ lại vô cùng độc đáo và sáng tạo, phù hợp với những người theo chủ nghĩa cá nhân, sống phóng khoáng.

“Navy 111”-chiếc ghế đầu tiên được làm từ chai nhựa đã qua sử dụng. Ảnh: Slate.fr

Lấy cảm hứng từ chiếc ghế Navy, những chiếc ghế tương tự cũng lần lượt ra đời. Hãng Coca-Cola đã cho ra mắt “ghế Navy 111”. Đây là chiếc ghế đầu tiên được làm từ chai nhựa đã qua sử dụng. Kể từ khi ra mắt vào năm 2010, “ghế Navy 111” đã giúp tái chế hàng chục triệu chai nhựa.

Trong khi đó, chiếc ghế Navy cũng có tiếng tăm trong điện ảnh khi xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình. Không có cảnh thẩm vấn trong loạt phim trinh thám Mỹ mà không có sự xuất hiện của ghế Navy. Năm 2001, ghế Navy đã lọt vào bộ sưu tập của MoMA ở New York cho dù nó vẫn giữ hình dáng rất đơn giản.

PHƯƠNG LINH (theo Slate.fr)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chiếc ghế Navy-biểu tượng của Hải quân Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO