Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành Bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp”, do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa tổ chức.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài sản của ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng 9,1%/năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng 6,5%; tổng vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỷ đồng, tăng 10,8%.
Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam vừa trải qua một năm 2023 với những biến cố liên quan đến hàng loạt khách hàng bị tư vấn sai hoặc thiếu thông tin. Dù vậy, tính đến cuối năm 2023, ngành BHNT tại Việt Nam đang có hơn 12 triệu hợp đồng bảo hiểm.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh BHNT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm lấy lại niềm tin từ khách hàng. Cải tiến sản phẩm sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân; cải tiến quy trình nghiệp vụ giúp thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm. Giải quyết các quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng. Nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn nâng cao trải nghiệm khách hàng để mang lại giá trị gia tăng về sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm;…
Ông Dũng lấy ví dụ, trước đây nhiều khách hàng phàn nàn không được tư vấn đầy đủ. Đến nay các doanh nghiệp đã có quy định chặt chẽ về welcome call (cuộc gọi chào mừng). Thực chất là cuộc gọi kiểm tra và xác nhận thông tin khách hàng khi phát hành hợp đồng.
“Trước đây có những trường hợp công ty bảo hiểm gọi điện năm lần bảy lượt cho khách hàng nhưng không được, và sau đó họ sẽ bỏ qua. Nhưng quy định mới bây giờ doanh nghiệp phải gọi bằng được cho khách hàng, 100% cuộc gọi welcome call phải được thực hiện và có sự xác nhận của khách hàng”, ông Dũng nói.
Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định kể từ 1/7/2024, doanh nghiệp phải thực hiện ghi âm bắt buộc một số nội dung trong quá trình tư vấn đối với sản phẩm BHNT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động thực hiện ghi âm quá trình tư vấn cho khách hàng từ giữa năm 2023.
Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam, chia sẻ doanh nghiệp bắt buộc phải có sự thay đổi, phải thực hiện chiến lược mạnh mẽ hơn để thị trường bảo hiểm ngày càng trở nên minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Từ vai trò là người mua bảo hiểm nhân thọ cho đến vai trò người tư vấn pháp lý cho chính công ty bảo hiểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, với sự thay đổi về nhận thức và hành lang pháp lý, cũng như quy trình làm việc của các doanh nghiệp, chắc chắn quy mô doanh số của BHNT sắp tới sẽ tăng cao hơn, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chất lượng sẽ thay đổi một cách cơ bản, rõ ràng.
“Đấy sẽ là tương lai phát triển bền vững của ngành bảo hiểm”, luật sư Đức nói.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam, cho rằng những khó khăn nhất cũng đã xảy ra, có thể quý I và quý II/2024 chưa phục hồi mạnh nhưng chắc chắn thị trường sẽ phục hồi và phát triển.