Chữa cháy và thoát nạn trong khoảng "thời gian vàng"
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an, khi xảy ra cháy, người dân sống tại các công trình như chung cư, nhà ở cao tầng, chung cư mini... nếu có kỹ năng PCCC tốt, đúng... có thể xử lý ngay được vụ cháy khi lửa mới bùng phát.
"Thực tế cho thấy rằng, để có thể xử lý tốt các tình huống cháy nổ, lực lượng tại chỗ như bảo vệ tòa nhà phải là những người có sức khỏe, những người có kỹ năng, là những người được học, có kiến thức về việc đảm bảo an toàn PCCC cho tòa nhà đó", Đại tá Khương nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi xảy ra cháy, người dân phải biết xử lý tình huống trong "thời gian vàng" (khoảng 5 phút đầu tiên kể từ khi xảy ra cháy). Bởi vì sau thời gian đó, đám cháy sẽ phát triển thành đám cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản về PCCC tại các căn hộ gia đình cũng như các công trình chung cư gồm:
Thứ nhất là không được đặt các vật dụng cản trở lối thoát hiểm, hành lang, cầu thang, lối ra thoát nạn.
Thứ hai là người dân không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn, không được mở cửa này. Vì khi cháy nếu cửa mở, khói lửa sẽ tràn vào đây, người dân không thể tiếp cận nơi thoát nạn được.
Thứ ba là không được sử dụng thang máy để thoát nạn. Vì khi cháy thang máy sẽ mất điện. Nếu thang máy thông minh nó sẽ tự đi xuống tầng 1 nhưng trong tình huống đang cháy lớn ở tầng 1 thì đây sẽ là thảm họa. Còn nếu thang máy dừng giữa chừng thì giếng thang máy sẽ thành giếng lửa, người bị nạn sẽ không thoát được.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, để có thể ứng phó với các vụ cháy, nổ, tránh gây hậu quả nghiêm trọng, người dân cũng cần trang bị những kiến thức về PCCC như kiến thức sử dụng bình chữa cháy. Đây là phương tiện cần có cho mỗi gia đình, chung cư và các cơ sở.
Cùng với đó là kỹ năng di chuyển thoát nạn. Khi cháy, người dân cần có khăn ẩm để tránh ngạt khói, khi người dân băng qua lửa thì cần dùng khăn, chăn dày thấm nước để che chắn, di chuyển qua khu vực cháy.
Tiếp đó là sự bình tĩnh để suy xét, khoảng cách di chuyển tới nơi an toàn, phán đoán vị trí cháy…
"Khi ra ngoài căn hộ của mình, nếu phát hiện cháy, người dân cần dùng ngay các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa, tiếp đó là mở cửa thông báo cho người tầng trên, tầng dưới hỗ trợ chữa cháy.
Trong trường hợp cháy quá lớn, người dân phải di chuyển ngay ra khỏi căn hộ, sau đó đóng cửa phòng, hô hoán người khác nhấn chuông báo cháy, hô hoán mọi người thoát nạn", Đại tá Khương chia sẻ.
Cũng theo Đại tá Khương, trong tình huống nghe thấy chuông báo cháy, người dân nên kiểm tra tay nắm cửa, nếu nóng thì bên ngoài đang cháy lớn, sau đó người dân cần hé cửa ra để quan sát bên ngoài. Nếu bên ngoài không có khói, hoặc khói nhẹ thì người dân cần chuẩn bị khăn ướt, mặt nạ thở để sẵn sàng thoát nạn.
Ngoài ra, nếu trong buồng thang thoát nạn có khói, người gặp nạn tìm khu vực thoát nạn khác. Nếu như lối thoát nạn khác cũng đã tràn đầy khói và lửa thì người dân nên trở lại chính căn hộ của mình và thông báo cho hàng xóm.
Sau đó người dân đóng chặt cửa, dùng khăn, chăn ướt chèn kín cửa để ngăn khói không vào được và dùng mọi cách ngắt điện trong căn hộ, xả nước ra khắp phòng để ngăn cháy. Đó sẽ là thời gian lực lượng PCCC sẽ tới công trình để cứu nạn, dập lửa. Sau đó người dân ra ngoài ban công, ô cửa để hô hoán, vẫy tay, hít thở.
Ngoài ra nếu ta thấy cháy, người gặp nạn cần lập tức tháo hết rèm ra khỏi cửa sổ để ngăn cháy lan vào phòng… Sử dụng mọi biện pháp để thông báo cho lực lượng chức năng.
"Tôi khẳng định, kỹ năng PCCC là kỹ năng sống, có kỹ năng đó thì chúng ta sẽ giảm khả năng bị thiệt mạng mà còn có thể giúp người thân, hàng xóm thoát nạn. Mọi người cần bồi dưỡng các kỹ năng đó để giúp ích cho chính bản thân và cộng đồng", Đại tá Khương nhấn mạnh.
Nhảy khỏi tòa chung cư đang cháy - giải pháp cuối cùng?
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, một số trường hợp người dân nhảy khỏi tầng cao tòa chung cư mini để thoát nạn, ông đánh giá rằng "đây là giải pháp thoát nạn cuối cùng".
Đại tá Khương lấy ví dụ, khi lửa sau lưng rồi thì đây sẽ là giải pháp cuối cùng của người dân, và giải pháp này sẽ được hỗ trợ bởi cảnh sát PCCC bằng các loại đệm hơi đặt phía dưới.
"Trong các trường hợp khẩn cấp tại công trình chung cư, nhà cao tầng thì chúng tôi đều sử dụng biện pháp đặt đệm hơi để giúp người dân thoát nạn an toàn. Còn đối với các nhà dân trong khu vực xen kẹt thì hàng xóm phải là người hỗ trợ những người gặp nạn", lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin.
Đại tá Nguyễn Minh Khương hướng dẫn, lúc này rất cần sự hỗ trợ của những người dân sống xung quanh vụ cháy. Hàng xóm có thể mang chăn bông, đệm ra đặt tại các khu vực trống, cao, để giúp người bị nạn có thể nhảy xuống đó, tránh được những chấn thương. Hoặc hàng xóm dùng các loạt kìm, xà beng… để cắt khóa, cửa sắt cứu người.
"Đây cũng là một trong những nội dung của Tổ liên gia an toàn PCCC mà chúng tôi đang xây dựng và triển khai trên toàn quốc", lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin thêm.
Đêm 12/9 rạng sáng ngày 13/9 vừa qua, vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Vụ cháy gây hậu quả thảm khốc khiến cả nước bàng hoàng, đồng thời gây mối lo thường trực cho những người đang sống trong các tòa chung cư, chung cư mini. Vậy người dân cần làm gì khi xảy ra cháy, họ cần trang bị những kiến thức như nào?, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã có những giải đáp.