Nhiều bạn trẻ chọn cách tiết kiệm chi tiêu, mua vàng phòng thân và tích lũy để lập gia đình |
“Cây ATM” của cả nhà
“Gửi cho mẹ 3 triệu. Tháng này mắc 4 đám cưới, với mới kêu thợ vệ sinh máy lạnh hết 300.000 đồng, kẹt quá”. Nguyễn Định (29 tuổi, Đồng Nai) nhận tin nhắn lúc hơn 8g tối, khi mới về tới cửa phòng trọ ở TPHCM, sau một ngày làm việc mệt nhoài.
Mỗi lần nghe tiếng chuông báo tin nhắn của ứng dụng Zalo, Định cho biết, tim anh đập thình thịch vì “một là tin nhắn hối việc của sếp, hai là liên quan tiền nong của người thân”.
Anh nói thêm: “Người ta nhận tin nhắn là háo hức xem có phải người yêu nhắn không, còn tôi thì nhiều lúc chỉ muốn tắt điện thoại”.
Ra trường rồi đi làm gần chục năm, tài sản của chàng trai sắp bước vào tuổi 30 vỏn vẹn chỉ là chiếc xe máy mua trả góp, mấy chỉ vàng và một ít tiền tiết kiệm phòng thân.
Với mức lương văn phòng dao động từ 13-14 triệu đồng/tháng, Định nói mình lẽ ra đã dư nhiều tiền hơn, nếu không nặng gánh gia đình. Anh kể, mỗi tháng, ngoài tiền biếu cha mẹ, anh còn “thầu” luôn phần tiền điện nước của gia đình ở quê, mỗi tháng khoảng 600.000-700.000 đồng. Đã vậy, cứ 1, 2 tuần là anh nhận cuộc gọi, tin nhắn của cha mẹ kêu gửi thêm tiền, chi cho những khoản đột xuất như đám tiệc, sửa chữa và mua mới đồ gia dụng.
Ba mẹ Định ở quê vẫn còn khỏe mạnh, có cơ sở buôn bán có đồng ra đồng vào, nhưng vẫn muốn con gửi tiền về. Có lần, anh tế nhị đề cập chuyện này và nhận được câu trả lời đại ý là ba mẹ sợ anh ở thành phố chi xài hoang phí, thà gửi về ba mẹ giữ giùm cho chắc.
“Tôi thấy mình như một cây ATM vậy. Tiền lương mỗi tháng bị rút một phần lớn lo cho gia đình. Tôi ở trọ, phòng không dám gắn máy lạnh, những tháng nóng nực, phải đóng cả triệu đồng tiền điện cho nhà ở quê, nhưng chẳng biết làm sao, gia đình mà”.
Gánh nặng gia đình vô tình làm anh hình thành thói quen tiết kiệm chi phí sinh hoạt, trong đó có chi phí cho xã giao, hẹn hò. Có lẽ vì vậy mà đến nay anh vẫn chưa có mối tình nào, dự định kết hôn càng xa vời hơn. “Tình phí thấy vậy chứ tốn lắm. 1 tuần ít nhất cũng vài lần hẹn hò, ăn uống, trà sữa. Chia đôi thì mang tiếng tính toán với bạn gái, còn bao hết thì tôi không kham nổi” - Định trần tình.
Còn Nguyễn Ngân (26 tuổi, TPHCM) từng bị người yêu giận vì không đi chơi Tây Bắc dịp cuối năm ngoái. Cô cho biết, tổng chi phí chuyến đi dự tính là hơn 10 triệu đồng, kế hoạch được lên từ tháng Bảy nên mỗi tháng cô nhín ra một chút tiền để dành. Thế nhưng đến sát ngày chuẩn bị đặt vé máy bay thì cô nhận được cuộc gọi của mẹ “mượn gấp” 15 triệu đồng để xoay tiền cho mấy đầu hụi ở quê. Ngoài ra, hiện Ngân cũng đang nuôi em gái đang là sinh viên năm thứ ba đại học. Vì trước khi em gái đi học, ba cô từng tuyên bố “con gái thì chỉ nuôi một đứa thôi, đứa lớn đi làm rồi thì phải có trách nhiệm nuôi đứa nhỏ”.
Tết năm nay, Ngân bước sang tuổi 27, người yêu lớn hơn 1 tuổi và là con trai một của gia đình có 3 chị em. Cô cho biết, ba mẹ người yêu hối 2 đứa cưới từ lâu, nhưng cô vẫn do dự, ráng khi nào em gái ra trường mới an tâm đi lấy chồng”.
Tết rồi, Thành Nam (28 tuổi, quê Tiền Giang) được vợ chồng anh trai ngỏ ý “mượn tạm” số tiền tiết kiệm của anh để làm nhà. “Lúc đó, tôi đang có 2 sổ tiết kiệm, mỗi quyển 100 triệu đồng. Người nhà cứ thấy tôi có việc làm ở thành phố, lại chưa vợ con nên rất tự nhiên hỏi mượn, không nghĩ là chính vì những khoản nợ không có thời hạn thu hồi ấy mà ngày lấy vợ của tôi cứ ngày một xa” - Nam cười buồn nói.
Ảnh minh họa |
Đừng rơi vào thế kẹt giữa gia đình lớn - gia đình nhỏ
Ông Nguyễn Tấn Lộc - chuyên gia tài chính, tác giả sách Kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng trong cho vay và xử lý nợ, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - cho rằng: các bạn trẻ rơi vào thế kẹt trong nghĩa vụ với gia đình lớn cần biết quản lý chi tiêu cẩn trọng và kiên định. Để làm được điều đó, cần tổ chức tài chính cá nhân bằng cách tách bạch rõ ràng phần tiền để dành (cho những dự định cá nhân, chẳng hạn như lập gia đình) và phần tiền sử dụng cho các mục đích khác (giúp đỡ ba mẹ, anh chị em).
Về việc cho mượn tiền, ông Lộc nhấn mạnh rằng, chỉ nên giúp đỡ trong những hoàn cảnh khó khăn thực sự, chẳng hạn như bệnh tật, tai nạn, biến cố bất ngờ; ngoài ra, hãy từ chối các yêu cầu mượn tiền cho mục đích mua sắm không cần thiết. Ông cũng cảnh báo, có nhiều trường hợp người cho vay đã mất cả tiền lẫn mối quan hệ thân thiết vì người vay không thể trả nợ, đặc biệt khi họ vay tiền theo kiểu “vay đầu này, đắp đầu kia”.
“Các bạn trẻ đang muốn xây dựng gia đình và tự lập có thể cùng nhau mở một tài khoản tiết kiệm chung để dễ kiểm soát tài chính và có lý do chính đáng để từ chối những yêu cầu mượn tiền từ người khác” - ông Lộc nói. Ngoài ra, ông cho rằng, nên thẳng thắn chia sẻ về tình trạng tài chính và khả năng của mình với người dự định kết hôn. Điều này giúp tránh những mâu thuẫn không đáng có về sau, khi bạn đời có thể trách móc hoặc tỏ thái độ khó chịu.
Thành Vũ