Chồng chị Thuận vốn nghiêm khắc, lại gia trưởng nên anh không chấp nhận chuyện con ra ngoài sống tự do. "Sẵn nhà cửa, cơm lo tận miệng nhưng lại muốn tách khỏi bố mẹ thì chỉ nhằm mục đích vô tổ chức, vô kỉ luật.
Con cái tìm đường thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ là bất trị", với cách nghĩ áp đặt này, chồng chị Thuận "đóng sống" cho con trai tội "quay lưng với gia đình".
Chị Thuận kể, hôm con xin bố mẹ đồng ý và ủng hộ nguyện vọng của mình để được trải nghiệm sự độc lập, tập lo cho bản thân, tức thì bị bố nổi trận lôi đình. Hai bố con ban đầu là tranh luận và bảo vệ quan điểm cá nhân, dần dà thành cãi nhau to.
Con thì gân cổ phản biện, bố thì gầm lên quát tháo. Không giữ được bình tĩnh khi con lớn tiếng lên án "bố ấu trĩ, sống trong kỉ nguyên số mà bảo thủ, lạc hậu", chồng chị Thuận đã bạt tai con. Thằng bé tức giận bỏ về phòng. Từ hôm ấy, suốt 3 tuần "chiến tranh lạnh" giữa hai bố con.
Bị "kẹt giữa hai làn đạn" là chồng và con, chị Thuận rơi vào thế khó xử, đành giữ thái độ trung lập, quan tâm đến cả hai, không thể hiện đứng về bên nào. Ủng hộ con thì sẽ bị chồng giận, còn ủng hộ chồng thì chị thấy mình thật không công bằng với con.
Thực lòng, trước mưu cầu của con, chị Thuận thấy điều đó hết sức bình thường và chính đáng, chẳng có gì là "nổi loạn" như chồng nghĩ. Thậm chí, chị còn thấy suy nghĩ và hành động của con là sự cần thiết đối với các chàng trai hiện đại.
Điều này sẽ giúp con sớm trưởng thành, có kinh nghiệm tổ chức cuộc sống trước khi bước vào hôn nhân.
Trước đây, chồng chị Thuận sống phụ thuộc vào bố mẹ nên lấy vợ rồi vợ chồng chị vẫn sống cùng bố mẹ hơn 5 năm mới ra ở riêng. Lúc hai vợ chồng sống cùng bố mẹ, nhất cử nhất động, cái gì anh cũng phụ thuộc vào ý kiến của bố mẹ, đến mua thêm cái tủ để đồ khi có con, mua thêm cái tivi để trong phòng mình cũng phải được sự đồng ý của bố mẹ mới dám mua.
Chị Thuận hiểu cảm giác sống phụ thuộc vào sự cho phép của người khác bức bối thế nào nên trong thâm tâm, rất muốn con trai mình sau này quyết đoán, tự tin, chịu trách nhiệm và có kế hoạch tổ chức cuộc sống rõ ràng. Ủng hộ mong muốn của con hay im lặng trước sự gia trưởng của chồng? - câu hỏi ấy khiến chị Thuận suy nghĩ nhiều.
Không thể chịu được không khí căng thẳng trong nhà cùng sự lạnh nhạt hai bố con dành cho nhau, những lúc anh chưa về, chị tranh thủ trò chuyện với con, phân tích cho con hiểu rằng, bố làm thế cũng chỉ vì muốn những điều tốt nhất cho con, muốn con không vất vả, va vấp cuộc sống.
Lúc anh "hạ hỏa", chị lại rủ rỉ tâm tình, hy vọng giúp anh có cái nhìn thoáng hơn, đúng hơn về giới trẻ, trong đó có con trai anh.
Cuối cùng, để vừa thỏa mãn mong ước của con, vừa để chồng yên tâm, chị Thuận bàn và khuyên con đi du học. Thời gian hơn 2 năm học thạc sĩ ở nước ngoài, con vừa đạt được mục tiêu về bằng cấp, lại có cơ hội trải nghiệm cuộc sống độc lập.
Và điều thuận nhất, phương án con đi du học nhất định được bố đồng ý vì bố luôn muốn con thành công, chinh phục tri thức…
Hôm tiễn thằng bé ra sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn hai bố con ôm nhau thật chặt, bố dặn dò con trai đủ thứ, chị Thuận quay sang ôm cô con gái, cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và ấm áp.
Theo Phụ Nữ Việt Nam