Hoa hồng - miếng mồi thơm
Khoảng một tuần qua, TEMU trở thành từ khoá được tìm kiếm và bàn luận rần rần trên các nền tảng internet. Với công cụ Google, từ khoá TEMU trả lại hàng triệu kết quả, từ những phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về tính pháp lý của sàn đến các diễn đàn cập nhật cách thức sử dụng, các trang web của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thời trang, đồ gia dụng, vận chuyển, logistics… cũng tham gia bàn về TEMU.
Xem thêm: Cận cảnh TEMU – Bài 2: Kiểm soát chất lượng và quản lý thuế như thế nào?
Hàng loạt hội nhóm có tên gọi gắn với TEMU được thành lập trên Facebook với số lượng thành viên đạt hàng trăm nghìn người và ngày càng tăng thêm. Youtube xuất hiện dày đặc những video giới thiệu, nhận định, hướng dẫn đăng ký tài khoản… Với TikTok, clip ngắn dạy cách kiếm tiền từ tiếp thị liên kết của TEMU cũng tràn lan, thu hút nhiều bình luận và chia sẻ.
Mặc dù sàn thương mại điện tử này chưa được cấp phép tại Việt Nam nhưng trang chủ của TEMU đã chạy Banner “Mừng khai trương - Tiết kiệm lớn” bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Những đơn hàng đầu tiên đã được giao đến tận tay người tiêu dùng, nhiều tài khoản đăng tải thông tin “khoe” mua hàng với giá… miễn phí, thời gian vận chuyển nhanh chóng chỉ 5-7 ngày.
Điểm nhấn quan trọng nhất tạo ra sức hút từ cộng đồng mạng trong những ngày qua là chiến dịch tiếp thị liên kết đầy mật ngọt của TEMU. Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) là hình thức quảng bá sản phẩm nhận hoa hồng dựa trên một đường dẫn (link). Khi đơn hàng được thực hiện thành công thông qua đường dẫn này (kèm một mã riêng trỏ đến sản phẩm cụ thể của TEMU), thì người chia sẻ đường dẫn sẽ nhận được hoa hồng dựa trên giá trị đơn hàng. (Tại Việt Nam hiện nay, Accesstrade là mạng lưới dẫn đầu trong tiếp thị liên kết).
Các bước trên TEMU được thực hiện khá đơn giản. Người tiêu dùng chỉ cần truy cập website hoặc tải ứng dụng để đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc email, sau đó chuyển sang trang tiếp thị liên kết, lặp lại quy trình xác nhận một lần nữa là nhận ngay 50.000 đồng vào ví trên hệ thống của sàn thương mại điện tử này.
Để nhận thêm 150.000 đồng, người dùng bắt buộc phải chia sẻ một đoạn văn bản do hệ thống TEMU cung cấp, chứa hai đường dẫn dẫn tới trang temu.com. Trong đó, đường dẫn đầu tiên cho người dùng mới nhận gói giảm giá 1,5 triệu đồng với điều kiện bắt buộc phải tải ứng dụng về điện thoại; đường dẫn thứ hai chuyển về lại trang tiếp thị liên kết.
Tại đây, TEMU tiếp tục đưa ra “miếng bánh ngon” để tăng lượt truy cập website cũng như tải ứng dụng, là: hoa hồng từ 10-30% và thưởng thêm 150.000 đồng nếu giới thiệu người tải ứng dụng và phát sinh đơn hàng thành công. Tuy nhiên, nhiều thông tin khác về điều kiện nhận thưởng và hoa hồng bị ẩn đi trong chữ “chi tiết” kèm theo bên dưới.
Với chiến thuật này, chỉ trong vài ngày triển khai từ 22/10 - nay, TEMU đã thu hút hơn 100.000 lượt tải, cài đặt và đăng ký tài khoản tại Việt Nam từ hai kho Appstore và Google Play. Tiếp nối sau đó là vô số bài đăng kèm đường dẫn tiếp thị liên kết trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, X (Twiter cũ)… cùng những thư, tin nhắn được gửi đến email, số điện thoại như hướng dẫn của nền tảng này.
Cơn sốt mang tên TEMU vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi 30% hoa hồng là con số rất béo bở dẫu cho Bộ Công thương đã ra cảnh báo: “Các sàn thương mại như Temu, Shein và 1688 đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động. Người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch trên các nền tảng này khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử”.
Giá rẻ không nguồn gốc càn quét thị trường
TEMU là một nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên quốc gia thuộc sở hữu của Tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. TEMU âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam từ vài tháng trước, hiện tại đã có phiên bản tiếng Việt khá hoàn chỉnh cùng Trung Quốc, Anh và Pháp.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, ngày 24/10, TEMU đã có văn bản về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam gửi đến đơn vị này. Cũng trong khoảng thời gian trên, Temu bắt đầu chạy nhiều chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng internet để tiếp cận người dùng, đặc biệt với loạt thông báo "mừng khai trương giảm giá đến 90%", miễn phí giao hàng và hoàn trả trong 90 ngày.
Hàng hoá trên TEMU lên đến hơn 32 danh mục với hàng trăm loại khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là các mặt hàng thời trang nam nữ, thiết bị điện tử, dụng cụ nhà bếp, đồ chơi trẻ em, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Theo ghi nhận trên website của TEMU, bộ 6 hộp bảo quản thực phẩm nhựa giảm đến 72%, từ hơn 551.000 đồng xuống còn 152.000 đồng là Top một bán chạy với hơn 60.000 sản phẩm được giao.
Bộ 6 hộp nhựa được cung cấp bởi Play X. Nhà cung cấp này có tất cả 46 sản phẩm trên TEMU, chủ yếu là các vật dụng gia đình như: miếng thay thế cây lau nhà, bông rửa chén nylon, thảm tắm bùn chống trượt, lọ đựng gia vị bằng thuỷ tinh, móc treo quần áo… Giá sau khuyến mãi sập sàn dao động từ 19.000 đồng – 213.000 đồng. Tuy nhiên, Play X không có thông tin doanh nghiệp, không có câu chuyện thương hiệu, không nêu địa chỉ và mù mờ nguồn gốc, xuất xứ lẫn chất lượng sản phẩm.
Một sản phẩm bán chạy khác thuộc danh mục thời trang là ba lô đa năng dung tích lớn cho nam nữ đi bộ đường dài, cắm trại, có ngăn giày và cổng sạc USB, túi laptop cho nam… đã bán ra 54.000 sản phẩm sau khi giảm 58%, từ hơn 1,1 triệu đồng còn 455.000 đồng. Ba lô được cung cấp bởi Original Quality Bags, thông tin nhà bán hàng chỉ vỏn vẹn: “được thành lập cách đây 1 năm”.
Sau khi đăng ký tài khoản, phóng viên thử đặt một sản phẩm đèn bàn bảo vệ mắt hơn 142.000 đồng. Sản phầm này đang giảm giá 72% so với giá gốc 519.000 đồng. Đèn được bán bởi Feel Home Lighting Lamps – chỉ giới thiệu là nhà cung cấp bán chạy Top 2 trong các sản phẩm cùng danh mục với 126.000 chiếc được giao. Ở phần thanh toán, TEMU đưa ra hai phương thức: Apple Pay (hoặc Google Pay) và Thẻ Visa, JSCB…. TEMU trừ tiền trước sau đó mới xử lý đơn hàng.
Đơn hàng được vận chuyển bởi Công ty TNHH BEST Express Việt Nam - thuộc Tập đoàn BEST Inc được thành lập vào năm 2007, tự giới thiệu là nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng thông minh cùng dịch vụ logistics hàng đầu tại Trung Quốc và Đông Nam Á. Ngoài ra, tại Việt Nam, đối tác vận chuyển của TEMU còn có Công ty TNHH NIN SING LOGISTICS – NINJAVAN. Đơn hàng miễn phí vận chuyển nhưng ghi chú: “ưu đãi có thời hạn”, dự kiến được giao từ ngày 3/11 – 5/11, khách hàng sẽ nhận thêm 25.000 đồng nếu TEMU giao trễ.
TEMU tự giới thiệu kết nối người tiêu dùng với hàng triệu đối tác kinh doanh hàng hóa, nhà sản xuất và thương hiệu với giá cả phải chăng nhưng lại không cung cấp thông tin chi tiết các đối tác để người dùng có thể kiểm chứng thương hiệu, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng hàng hoá. Vì thế không loại trừ khả năng các mặt hàng trên sàn phần lớn đến từ công xưởng của thế giới Trung Quốc – nơi đang xảy ra tình trạng “giảm phát”.
Nhiều nước cảnh giác với TEMU
Trước cơn lốc hàng giá rẻ của Temu, nhiều nước trên thế giới có động thái dè chừng. Giữa tháng 10/2024, Indonesia yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng Temu, nhằm ngăn người dùng tải xuống, dù chính quyền chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này.
Lý do được đưa ra là mô hình của TEMU "cạnh tranh không lành mạnh" và Indonesia cần bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, nước này cũng tuyên bố sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào của TEMU vào thương mại điện tử nước.
Tại Thái Lan,nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp kêu gọi cấm Temu vì lo ngại rằng sản phẩm giá rẻ có thể tàn phá chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh. Chính phủ nước này đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo rằng TEMU tuân thủ luật pháp địa phương và nộp thuế phù hợp.
Các nước phương Tây cũng tìm cách siết hoạt động của TEMU trước nguy cơ hàng giá rẻ và kém chất lượng đổ bộ. Hiệp hội bán lẻ (HDE) của Đức vận động chính phủ "đảm bảo cạnh tranh công bằng cho tất cả thành phần trên thị trường". Các cơ quan khác cũng đề nghị kiểm soát hải quan chặt chẽ và xóa bỏ giới hạn miễn thuế. Chính phủ Đức cũng soạn thảo các quy định mới trước mối lo của những sàn thương mại điện tử như Temu, Shein.
Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố rằng Temu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. TEMU cũng đối mặt với khả năng chính phủ Mỹ thay đổi các quy định về thuế và kiểm tra các kiện hàng dưới 800 USD….