Ngày 17-5, trở lại Việt Nam sau 1 năm công bố thành lập trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại Việt Nam, TS Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận Cloud Optics (Kết nối quang đám mây) của Công ty Marvell Technology Inc (Mỹ), đã giới thiệu 1 trong những mẫu chip mà Marvell Việt Nam tham gia thiết kế và phát triển - những con chip mang dấu ấn chất xám Việt.
Đây là con chip chuyên về bộ điều khiển cho lưu trữ dữ liệu (storage controller), được thiết kế và sản xuất với công nghệ 7 nano. Con chip nhỏ xíu chỉ 0.3 x 0.3 cm nhưng có đến 300 cổng kết nối, 200 triệu transistor, giúp tăng trưởng trao đổi dữ liệu nhanh nhất có thể trong bộ điều khiển và thiết bị lưu trữ.
Ngoại trừ công đoạn đầu tiên là kiến trúc hệ thống, các kỹ sư Marvell Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các công đoạn như thiết kế (design), kiểm tra thiết kế, giai đoạn GDSII (chuyển đổi từ định dạng thiết kế sang sản xuất)… của con chip này.
Hiện nay, đội ngũ kỹ sư Marvell Việt Nam đã tham gia trực tiếp vào rất nhiều sản phẩm tiên tiến nhất của Marvell. Điển hình là tham gia thiết kế, mô phỏng, kiểm thử và phần mềm cho sản phẩm Nova 2, là sản phẩm hiện đại nhất và đầu tiên trên thế giới cung cấp kết nối tốc độ cao 1.6 terabyte/giây.
TS Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho rằng các kỹ sư của Marvell Việt Nam được tham gia vào hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau và được làm với những công nghệ mới nhất, thậm chí là những dự án 3 và 2 nano.
"Các kỹ sư Việt Nam có thể làm việc ở hầu hết các giai đoạn, từ giai đoạn kiến trúc, thiết kế, kiểm tra, chuyển đổi từ giai đoạn thiết kế sang giai đoạn sản xuất, giai đoạn kiểm thử sau đó. Các bạn đã làm việc rất hiệu quả với các nhóm khác trên toàn thế giới như nhóm ở Mỹ, Israel, Singapore… Đây là một minh chứng cụ thể cho thấy kỹ sư Việt Nam có hoàn toàn khả năng làm việc tốt ở những dự án tốt nhất, đa dạng nhất và những công nghệ mới nhất trong ngành vi mạch bán dẫn" - TS Đạm nhận xét.
Trong một năm qua, Marvell Việt Nam đã tăng tốc tuyển dụng, mở rộng đội ngũ kỹ sư tới 30%, từ gần 300 kỹ sư vào năm 2023 lên gần 400 kỹ sư ở thời điểm hiện tại. Theo kế hoạch, công ty sẽ tăng trưởng khoảng 20%/năm về quy mô nhân sự, hướng tới cột mốc 500 kỹ sư trong tương lai không xa.
TS Đạm đánh giá các sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam có nền tảng kỹ thuật (STEM) rất tốt nên sau khi được tuyển vào Marvell và được đào tạo khoảng 6-12 tháng đã có thể hoàn thành tốt công việc được giao.
Hiện nay, do công nghiệp bán dẫn vi mạch ở Việt Nam còn khá non trẻ nên vẫn còn thiếu những kỹ sư có kinh nghiệm, có tầm nhìn và tiềm năng lớn, có thể quản lý được dự án, đảm nhiệm được khâu kiến trúc - khâu rất quan trọng trong ngành vi mạch bán dẫn.
"Chúng ta cần nhiều thời gian và cần phải làm việc với các trường đại học, các viện nghiên cứu và Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh việc đào tạo ở các trường đại học, từ đó xây dựng được một nguồn cung cấp nhân lực kỹ sư có kinh nghiệm trong những năm sau này" – TS Đạm bày tỏ.
Marvell vừa mở văn phòng mới tại Đà Nẵng để mở rộng địa điểm làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty này dự kiến mở văn phòng mới tại TP HCM trong năm tới, khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.