Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất nhiều hành vi bị nghiêm cấm, lần đầu tại Việt Nam, điển hình như: "tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của ôtô", "thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm".
Theo các chuyên gia, việc bổ sung các quy định này vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng tua công-tơ-mét diễn ra khá phổ biến hiện nay đồng thời giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.
Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an.
“Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định chế tài đối với hành vi thay đổi chỉ số báo quãng đường trên đồng hồ odo (tua công-tơ-mét) ô tô, thay thế phụ tùng để đưa xe đi kiểm định, do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt”, ông Quyền nói.
Theo ông, quản lý được km xe chạy sẽ quản lý những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chất lượng phương tiện. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào lại là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý. Bởi hiện nay, nhiều trường hợp xe cũ bị tua công- tơ-mét để nâng giá trị xe nhưng không có cách nào phát hiện.
Cũng đồng tình với đề xuất này, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, đề xuất bổ sung quy định tua công-tơ-mét là hành vi bị nghiêm cấm giúp nâng cao nhận thức đối với người dân.
Đặc biệt, quy định này cũng có tác dụng răn đe với các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô khi biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu thực hiện sẽ bị xử lý. Do đó, vị này kiến nghị, bên cạnh việc có chế tài xử lý đối với người có nhu cầu tua công-tơ-mét cũng cần xây dựng chế tài đối với các cơ sở thực hiện hành vi này.
Hiện các trung tâm đăng kiểm cũng ghi lại số km xe chạy của các phương tiện vào kiểm định nhưng thao tác này không nằm trong quy định bắt buộc và chưa có hệ thống phần mềm lưu trữ để liên thông.
Anh Nguyễn Văn Thành (thợ sửa xe ô tô) cho biết, việc tua công-tơ-mét thường xảy ra với những xe cũ mà chủ phương tiện muốn bán. Thao tác này tương đối đơn giản nên hầu hết các gara sửa chữa ô tô nhận thực hiện với mức phí từ 300 - 500 nghìn đồng mà không hề bị kiểm soát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù rất dễ thực hiện nhưng để xác định chính xác xe có tua công-tơ-mét hay không lại không hề dễ dàng. Bởi, hiện nay khi ô tô đi kiểm định, các trung tâm đăng kiểm vẫn ghi lại chỉ số đo quãng đường xe chạy trên công-tơ-mét của xe tại thời điểm đó. Tuy nhiên, dữ liệu này chưa được cập nhật lưu trữ trên phần mềm nên việc kiểm tra không dễ.
Đây cũng chỉ là dữ liệu tham khảo, không đánh giá chính xác số km xe chạy. Bởi theo ông Trần Quốc Hoan, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29.03V, nếu tua số km thấp hơn so với chỉ số ghi lại từ lần đăng kiểm trước có thể xác định được.
Nhưng nếu cố tình tua về chỉ số nhỉnh hơn vài chục đến trăm km so với lần đăng kiểm trước thì không thể khẳng định xe đó có tua đồng hồ.
“Chủ xe có thể viện cớ xe ít đi”, ông Hoan nói và đề xuất nhà sản xuất, cơ sở lắp ráp nên nghiên cứu thiết lập hàng rào bảo mật cho đồng hồ công-tơ-mét sao cho khi có can thiệp, phá vỡ hàng rào này lập tức có cảnh báo trên thiết bị.
Hoặc thiết kế tem dán bảo mật, con người muốn can thiệp buộc phải bóc tem này. Khi đó, khi đó, người dùng cũng như lực lượng chức năng kiểm tra sẽ dễ dàng phát hiện hành vi can thiệp tua công-tơ-mét của xe. Từ đó làm căn cứ để xử phạt những người thực hiện hành vi này.