Cách tính viện phí lạc hậu ở Việt Nam

06/07/2023 07:44

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giá dịch vụ siêu âm ổ bụng là 43.900 đồng/lần. Với giá này, từ lúc mua một máy siêu âm đến khi hết khấu hao tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy, chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế.

Lời tòa soạn

Tháng 8/2022, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm chi tiền túi của người dân. Yêu cầu này tiếp tục được ông nhắc lại trong lần đi kiểm tra đột xuất các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, hồi tháng 4 vừa qua.

Thực tế, viện phí công lập thấp đang là rào cản khiến các bác sĩ các tuyến như "bó tay, bó chân", người dân bị ảnh hưởng đầu tiên. Yêu cầu phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi chỉ còn gần nửa năm nữa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực. 

VietNamNet đăng tải loạt bài viết Cách tính viện phí ở Việt Nam lạc hậu và yêu cầu bức thiết phải thay đổi.

Kỳ 1: Cách tính viện phí ở Việt Nam lạc hậu thế nào?

Ông L.T.H, 55 tuổi, thấy khó chịu, mệt mỏi, ăn uống kém, lên bệnh viện tuyến huyện khám. Sau khi tiến hành hết danh mục bác sĩ kê, gồm cả siêu âm ổ bụng, siêu âm gan cùng với giá 43.900 đồng, ông nhận kết quả sức khỏe bình thường, bác sĩ khuyên ông nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Tổng viện phí hết 300.000 đồng, BHYT thanh toán 100%.

Ba tháng sau, ông thấy mệt mỏi nặng hơn, sụt cân nhẹ, ông tự lên bệnh viện tuyến tỉnh khám. Thời gian chờ đợi lâu hơn, nhưng thời gian khám nhanh hơn, ông lại làm siêu âm, chụp thêm X-quang với giá gần 66.000 đồng, chụp cắt lớp vi tính (CT) giá hơn 630.000 đồng, vẫn không phát hiện bất thường. Tổng chi phí hơn 1 triệu đồng. Vì chỉ khám ngoại trú, BHYT không thanh toán, buộc ông phải bỏ tiền túi.

Ông tự lên khám ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) sau gần nửa năm có dấu hiệu mệt mỏi, bác sĩ phát hiện ông có khối u ác tính ở gan 3cm, nhờ chụp CT bằng máy hiện đại. U đã to, bác sĩ phải phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp.

Nếu chỉ tính các loại dịch vụ kỹ thuật (như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT) để tìm ra "thủ phạm" khiến ông H. mệt mỏi, sụt cân, số tiền túi phải bỏ ra là hơn 2,5 triệu đồng.

Có thể tóm tắt quá trình khám để phát hiện ra bệnh của ông như sau:

Địa điểmChi phíSố tiền bệnh nhân chi trảSố tiền BHYT chi trả
Lần 1Bệnh viện tuyến huyện300.000 đồng0 đồng300.000 đồng
Lần 2Bệnh viện tuyến tỉnhHơn 1 triệu đồngHơn 1 triệu đồng0 đồng
Lần 3Bệnh viện tuyến trung ương2,5 triệu đồng (chỉ tính phí dịch vụ kỹ thuật)2,5 triệu đồng0 đồng

Ông H. chưa từng nghĩ chi phí điều trị ung thư lại như “gió vào nhà trống” như vậy. Tìm nhiều cách để có thể được hưởng BHYT 100% khi điều trị ở trung ương, nhưng các loại thuốc đắt tiền không có trong danh mục BHYT chi trả cũng đủ khiến ông kiệt quệ. Tiền tích lũy, thậm chí nhà ông phải bán cả mảnh đất nhỏ ở quê vốn dành để phòng chạy việc cho con trai lớn.

Người dân đăng ký khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Cũng gặp triệu chứng tương tự, một bệnh nhân khác dù có mua BHYT nhưng chọn khám ở bệnh viện tư, giá khám một lần là 600.000 đồng. Sau khi siêu âm với giá 400.000 đồng, chụp CT gần 2 triệu đồng, bác sĩ phát hiện khối u gan 7 mm, chỉ cần đốt sóng cao tần nhanh gọn, tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân ra viện sớm.

Tỷ lệ bao phủ BHYT ở Việt Nam rất cao, với hơn 91,1 triệu người tham gia, tương đương hơn 92% tổng dân số. Những người ở vào tình huống của ông H. phần lớn có BHYT, thường thuộc nhóm thu nhập trung bình gần 6 triệu đồng/tháng ở thành phố và 3,86 triệu đồng ở nông thôn, theo số liệu Tổng cục Thống kê vào giữa năm 2022. Họ cũng có thể khám dịch vụ ở bệnh viện công (không lựa chọn khám theo yêu cầu), giá cũng rẻ bằng giá BHYT, nhưng không được BHYT chi trả.

CHÊNH LỆCH GIÁ VIỆN PHÍ

Hiện tất cả bệnh viện công lập trên toàn quốc đang áp mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 13 và Thông tư 14 được Bộ Y tế ban hành năm 2019. Mức giá này chênh lệch khá nhiều so với bệnh viện bán công, chưa nói đến các bệnh viện hay phòng khám tư nhân.

Đơn cử như giá khám tại bệnh viện bán công trên địa bàn Hà Nội từ 150.000-450.000 đồng (tùy chuyên khoa), thì giá khám theo quy định tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức…) được chi trả đồng hạng mọi khoa: 38.700 đồng.

Hầu hết bệnh viện tư, phòng khám tư thu một lượt siêu âm 2D với giá từ 120.000-200.000 đồng, trong khi bệnh viện công có giá 43.900 đồng. Một lượt nội soi tai mũi họng của bệnh viện bán công có giá 350.000 đồng, trong khi giá các bệnh viện hạng I (như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Bệnh nhiệt đới Trung ương...) có giá 104.000 đồng.

Nhìn vào bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh ở bệnh viện công, nhiều người băn khoăn làm thế nào để thầy thuốc có thể cứu chữa cho bệnh nhân và bệnh viện vẫn duy trì hoạt động được?

VIỆN PHÍ BỆNH VIỆN CÔNG ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho hay nguồn thu của bệnh viện từ nhiều yếu tố:

- Thứ nhất: Viện phí, chiếm trên 80% tổng nguồn thu, gồm cả nguồn do BHYT chi trả và người dân chi trả.

- Thứ hai: Các dịch vụ khác, như dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ dinh dưỡng, trông xe, đào tạo, nghiên cứu… Riêng với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân này chỉ chiếm 5-10% tổng bệnh nhân ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, tuyến huyện hầu như không có.

- Thứ ba: Nguồn hỗ trợ, viện trợ và các nguồn đầu tư khác của bệnh viện.

Riêng với viện phí, rất nhiều bệnh viện từ tất cả các tuyến và thầy thuốc phàn nàn viện phí đang rất thấp, lạc hậu so với giá hiện nay, nhất là trong bối cảnh giá vật tư y tế đang tăng từ 5-10%.

vienphi-930.jpeg
Nhiều thầy thuốc phàn nàn viện phí đang rất thấp, lạc hậu so với giá hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện giá khám chữa bệnh đang chỉ mới được tính 2 trên 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc men, sinh phẩm, máu, hóa chất, vật liệu, dụng cụ...); tiền lương, tiền công. Hai yếu tố chi phí quản lý, chi phí khấu hao thiết bị và tài sản cố định chưa được tính.

Trong đó, chi phí quản lý, quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi năm 2023), gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, tài sản cố định, bảo vệ môi trường, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, lãi vay (nếu có)…

GIÁ KHÁM MỘT LẦN 38.700 ĐỒNG, TIỀN CÔNG BÁC SĨ LÀ BAO NHIÊU?

Theo Thông tư 13, 14/2019, một lần khám bác sĩ, tiến sĩ, chuyên gia, ở bệnh viện hạng Đặc biệt, hạng I, có giá 38.700 đồng.

Theo bác sĩ Cấp, các khoản chi phí trực tiếp trong 1 lần khám bệnh bao gồm: Chi phí cho vật tư tiêu hao (bông, băng, cồn, gạc), trang bị phòng hộ (mũ, áo, khẩu trang, găng tay…), điện nước, vệ sinh môi trường (lau dọn nhà cửa, xử lý chất thải,… ) còn chi phí tiền công, tiền lương bao gồm chi phí trả lương cho bác sĩ, y tá phục vụ ca khám bệnh đó.

Ông Cấp lấy ví dụ: Giả sử tiền công, tiền lương trung bình của bác sĩ khám bệnh là 200.000 đồng/ngày. Với quy định hiện hành một thầy thuốc khám mỗi ngày không quá 65 bệnh nhân, tiền công tiền lương của bác sĩ cấu phần trong giá 1 ca khám bệnh sẽ chỉ khoảng 3.000 đồng.

Siêu âm cho thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Võ Thu 

Tương tự, chi phí một lần siêu âm là 43.900 đồng, một lần chụp X-quang số hóa 1 phim có giá 65.400 đồng. Cấu phần tạo nên con số này gồm các chi phí trực tiếp như: Chi phí quần áo, mũ, khẩu trang, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế sử dụng trong quá trình thực hiện siêu âm, chụp X-quang; chi phí điện, nước, xử lý chất thải y tế, giặt là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng...; chi phí vệ sinh, vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt, bàn, ghế, giường, tủ, đèn chiếu sáng…

Ngoài ra có chi phí tiền lương, phụ cấp của kỹ thuật viên chụp, bác sĩ đọc kết quả chụp, bác sĩ siêu âm, điều dưỡng hỗ trợ...

Các khoản chi phí trực tiếp và tiền công, tiền lương tính trong cơ cấu giá khám bệnh qua nhiều năm cũng trở lên lạc hậu. Đơn cử, chi phí trực tiếp như điện nước, vệ sinh môi trường thường xây dựng trên mức tiêu hao của bệnh nhân đến khám bệnh, nhưng thực tế mỗi người bệnh đến khám sẽ có một vài người nhà đi cùng và những người này vẫn phải đi vệ sinh, sử dụng điện nước, quạt, điều hòa,...

Tiền công tiền lương trước đây chỉ tính trên số bác sĩ, y tá khám bệnh nhân nhưng trong nhiều năm qua Bộ Y tế hướng dẫn thêm nhiều nhiều dịch vụ gián tiếp phục vụ khám chữa bệnh như công nghệ thông tin, công tác xã hội hay chăm sóc khách hàng, hỗ trợ bệnh nhân..., phần chi trả lương cho các nhân viên này hiện chưa được cấu thành đầy đủ trong cơ cấu tiền công tiền lương trong giá khám bệnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay giá dịch vụ siêu âm ổ bụng đang được chi trả với giá 43.900 đồng/lần, dù đã được điều chỉnh nhưng mức giá này được xây dựng gần 10 năm trước và chỉ tính một phần viện phí.

"Với giá này, từ lúc mua một máy siêu âm đến lúc máy hết khấu hao thì tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy siêu âm, chứ chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế" - PGS Cơ nói.

Giá dịch vụ y tế được ấn định lần đầu từ năm 1995 trong Thông tư liên tịch số 14/TTLB  của Liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐTBXH - Ban Vật giá Chính phủ, chỉ nhằm thu một phần viện phí, phần còn lại do Ngân sách nhà nước cấp theo giường bệnh kế hoạch được giao. Hiện nay, hầu hết bệnh viện trong toàn quốc không còn nhận được ngân sách nhà nước cấp theo giường bệnh được giao như những năm 1995.

Trong gần 30 năm qua, thu nhập bình quân đầu người của nước ta tăng gấp khoảng 14 lần, nhưng giá viện phí hiện tại so với khung giá thu một phần viện phí ban hành theo năm 1995 thì đa số giá dịch vụ tăng từ 4-10 lần.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách tính viện phí lạc hậu ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO