Các eo biển chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ

17/01/2024 09:25

Là tuyến đường bắt buộc giữa Biển Đen và Địa Trung Hải, các eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí quan trọng đối với hoạt động thương mại quốc tế, với khoảng 40.000 lượt tàu đi qua mỗi năm. Bên cạnh đó, những eo biển này còn có vị trí chiến lược quân sự nhờ vào Công ước Montreux năm 1936.

Vai trò cân bằng quyền lực

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở ngã ba châu Á, châu Âu và Trung Đông, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ năm 1952, đồng thời là nơi đặt căn cứ của Lực lượng Không quân Mỹ cũng như hỗ trợ các chiến dịch của NATO. Vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ còn được củng cố nhờ Công ước Montreux năm 1936 về quản lý eo biển Dardanelles và Bosphorus.

Theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép các tàu thương mại qua lại eo biển Dardanelles và Bosphorus miễn phí trừ khi có chiến tranh hoặc khi bị một thế lực bên ngoài đe dọa. Công ước cũng bắt buộc hạn chế đáng kể đối với tàu hải quân các quốc gia không thuộc Biển Đen (chủ yếu của NATO) ngay cả trong thời bình. Theo Công ước, không một quốc gia nào có thể cho hơn 9 tàu hải quân có tải trọng đến 15.000 tấn lưu thông vào Biển Đen; không một nhóm quốc gia duyên hải nào ngoài khu vực có thể đưa tàu hải quân có tải trọng hơn 45.000 tấn vào Biển Đen; các con tàu này không được phép hoạt động quá 21 ngày tại Biển Đen.

Trang mạng slate.fr cho biết, Công ước Montreux đã giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vai trò “cân bằng quyền lực” giữa Nga và phương Tây. “Lực lượng tàu của NATO không thể tiến vào Biển Đen với số lượng lớn, điều này bảo vệ lợi ích của Nga, trong khi Hạm đội Biển Đen của Nga không thể đầu tư đáng kể vào Địa Trung Hải, do đó xoa dịu những lo ngại của phương Tây. Công ước này đã hình thành cách tiếp cận truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ về sự cân bằng giữa các cường quốc", chuyên gia Arnaud Peyronnet của tổ chức Quan sát chiến lược Địa Trung Hải và Trung Đông cho biết.

Một tàu container từ Biển Đen đến eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-8-2023. Ảnh: AFP 

Theo những số liệu được ông Peyronnet đưa ra, thời gian hiện diện ở Biển Đen theo Công ước Montreux đã tăng từ 21 ngày lên 80 ngày (năm 2020) và 120 ngày (năm 2021). Điều này khiến Moscow quan ngại khi cho rằng phương Tây đang tìm cách bao vây “sân sau” chiến lược của Nga. Tuy nhiên, đến ngày 1-3-2022, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tất cả hoạt động giao thông quân sự của hải quân các nước. Theo quy định của Công ước, chỉ các tàu chiến của các bên tham chiến đã rời căn cứ mới có quyền quay trở lại căn cứ của chúng qua eo biển Bosphorus khi xung đột xảy ra trong khu vực.

Tuyến đường biển lớn thứ hai thế giới

Theo trang informare.it, khoảng 40.000 tàu đi qua eo biển Bosphorus mỗi năm (năm 2022 là 35.146 tàu), khiến eo biển này trở thành tuyến đường biển được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau eo biển Malacca (64.000 tàu trong năm 2023) thuộc sở hữu của Indonesia và đứng trước kênh đào Suez (24.820 tàu vào năm 2022).

Nhưng xét về khối lượng hàng hóa, Biển Đen “chỉ chiếm 4,5% thương mại hàng hải toàn cầu, tương đương 11 tỷ tấn hàng vào năm 2022”, Paul Tourret, Giám đốc Viện Thương mại Kinh tế Hàng hải (Isemar) của Pháp cho biết. Tiến sĩ địa lý này nhấn mạnh, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên hai trụ cột, bao gồm: Ngũ cốc từ Nga và Ukraine; hydrocarbon của Nga. Dù các nước phương Tây ban hành lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga nhưng quyết định trên không ngăn cản việc Moscow vận chuyển dầu mỏ sang các nước khác. Ông Paul Tourret giải thích: “Để xuất khẩu “vàng đen”, các tàu chở dầu của Nga buộc phải đi qua Biển Đen và hai eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi đến Hy Lạp, tàu chuyển hướng tới Trung Quốc và Ấn Độ qua kênh đào Suez, từ đó vận chuyển hàng hóa dọc đường cho các đối tác ở châu Phi”.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng kênh đào Istanbul nhằm “giảm tải” cho hai eo biển Bosphorus và Dardanelles. Với chi phí ước tính 15 tỷ USD, kênh đào Istanbul dài khoảng 45km, rộng 150m và sâu 25m. Con kênh nhân tạo được khởi công năm 2021, bắt đầu ở cuối phía Bắc của hồ Küçükçekmece ở phía Tây thành phố Istanbul, tiến về phía Bắc đến đập Sazlıdere và cuối cùng nối với Biển Đen. Điều này sẽ cho phép các tàu container di chuyển giữa Biển Aegean và Biển Đen mà không cần đi qua một phần eo biển được Công ước Montreux quy định.

Kênh đào Istanbul được chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả là một trong những “dự án điên rồ” của ông. Dự án phù hợp với những nỗ lực xây dựng đường cao tốc, cầu và sân bay quy mô lớn nhằm định hình thời kỳ cầm quyền của ông Erdogan.

PHƯƠNG VŨ

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Các eo biển chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO