1. Vai trò của canxi
Canxi giúp trẻ:
- Cao lớn, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
- Giúp hệ thần kinh khỏe mạnh.
- Duy trì hệ thống xương, răng chắc chắn.
Nếu thiếu canxi, trẻ sẽ bị còi xương, răng mọc chậm, ức lõm, ngủ trằn trọc không ngon, hay giật mình… Thiếu canxi còn khiến trẻ mệt mỏi, hay cáu gắt, ra nhiều mồ hôi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, trí não của trẻ nếu để tình trạng thiếu canxi kéo dài.
Tuy nhiên, nếu thừa canxi có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như:
- Xương bị cốt hóa sớm, khó đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.
- Tăng nồng độ canxi trong máu, gây mệt mỏi, trầm cảm, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nguy hiểm hơn là nếu bổ sung canxi quá nhiều có thể gây rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp…
- Làm cản trở việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác (sắt, kẽm…) khiến trẻ chậm lớn, còi cọc…
2. Có nên bổ sung canxi để trẻ cao lớn?
Nhiều người cho rằng canxi có vai trò quan trọng với hệ thống xương, răng của trẻ do đó muốn trẻ cao lớn nên bổ sung canxi thường xuyên. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, vì việc trẻ cao lớn phụ thuộc nhiều yếu tố: Gen di truyền, giới tính, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, tình trạng sức khỏe…
Trẻ đã được hấp thụ canxi từ chế độ ăn uống hàng ngày. Một số trường hợp trẻ có thể cần bổ sung do cơ thể không hấp thụ đủ lượng canxi từ thực phẩm hoặc mắc một số bệnh lý.
Chỉ bổ sung canxi khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Ở trẻ nhỏ: Khó ngủ, khi ngủ ra nhiều mồ hôi, tóc rụng vành khăn, răng mọc chậm, chậm phát triển vận động...
- Với trẻ lớn hơn: Mỏi chân, đau nhiều vào ban đêm, khó đi vào giấc ngủ, ra nhiều mồ hôi…
- Những trẻ phát triển chiều cao quá nhanh, những trẻ quá bụ bẫm/thừa cân - béo phì.
- Trẻ sinh non tháng, trẻ không có sữa mẹ, ăn sữa quá ít.
- Trẻ không ăn sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm cá, hải sản, rau xanh…
3. Nên bổ sung canxi thế nào?
Có 2 nguồn cung cấp canxi cho cơ thể: Thực phẩm hoặc thuốc bổ sung.
- Canxi từ thực phẩm: Nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ canxi và các dưỡng chất khác giúp tăng chiều cao cho trẻ. Canxi từ thực phẩm an toàn, không làm mất cân bằng nồng độ canxi trong cơ thể.
Các loại thực phẩm nên ăn: Sữa, các chế phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng, thịt bò, cá, tôm, gan, rau xanh, khoai tây, đậu, táo, chuối, các loại hạt...
- Thuốc bổ sung: Với những trẻ có chế độ ăn nghèo nàn, thiếu dưỡng chất có thể cần bổ sung canxi qua đường uống.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc bổ sung canxi với các hàm lượng khác nhau. Do đó, bổ sung loại nào, bổ sung ra sao cần có ý kiến của bác sĩ, bởi việc tự ý bổ sung canxi có thể khiến trẻ bị thừa canxi gây những hệ lụy khó lường cho trẻ.
4. Trẻ cần bao nhiêu canxi là đủ?
Với mỗi độ tuổi, trẻ lại cần lượng canxi khác nhau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 300mg canxi/ ngày.
-Trẻ 7 tháng đến 12 tháng tuổi: 400mg canxi/ ngày.
-Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 500mg canxi/ngày.
-Trẻ từ 4 đến 6 tuổi: 600mg canxi/ngày.
-Trẻ từ 7 đến 9 tuổi: 700mg canxi/ ngày.
-Trẻ từ 10 tuổi: 1000mg canxi/ ngày.
-Trẻ trên 11 tuổi-18 tuổi: 1200mg canxi/ ngày.
5. Làm thế nào bổ sung canxi an toàn?
Để đảm bảo bổ sung canxi an toàn cần lưu ý:
- Chỉ cho trẻ dùng thuốc bổ sung canxi khi có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định.
- Đúng thời điểm: Buổi sáng, sau bữa ăn từ 30-60 phút.
- Kết hợp với vitamin D: Bổ sung canxi cần kết hợp với vitamin D để giúp trẻ tăng khả năng hấp thu canxi tốt hơn. Có thể cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm từ 15-30 phút hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin D như trứng, sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi…
- Cho trẻ vận động ngoài trời khi uống canxi để hấp thụ canxi tốt nhất.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống canxi khi đói.
- Không uống canxi kèm với sữa.