Tối 13/11, Bộ Ngoại giao dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cho biết những ngày qua, tình hình an ninh tại một số bang miền Bắc Myanmar có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là khu vực có đông công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã xây dựng các phương án bảo hộ công dân.
Đồng thời, cơ quan này chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị phía Myanmar có phương án hỗ trợ, bảo đảm an ninh, an toàn và sinh hoạt, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Myanmar đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân tại khu vực.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam nếu không thật sự cần thiết, không nên đến hoặc tránh đến khu vực bang Shan, bang Kayin và bang Rakkaine, Myanmar.
Nếu đang ở các khu vực trên, người dân cần nhanh chóng có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ 3 hoặc về Việt Nam; thường xuyên theo dõi những thông tin của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) để phản ứng kịp thời.
Trong trường hợp khẩn cấp, công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998.
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; +84 965 41 11 18. Email: baohocongdan@gmail.com.
Trước đó trả lời báo chí vào chiều 9/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng của Myanmar đã đưa hàng trăm công dân nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, từ các tụ điểm sòng bạc lừa đảo ở khu vực biên giới phía Bắc Myanmar.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định 166 công dân Việt Nam trong số công dân nước ngoài được giải cứu. Những người này đã được đưa về khu vực an toàn tại khu vực biên giới phía Bắc Myanmar, giáp với biên giới Trung Quốc.
"Khu vực này, cùng với một số khu vực cũng như bang khác tại Myanmar, trong đó có bang Kayin đang xảy ra giao tranh, gây khó khăn cho việc tiếp cận và bảo hộ công dân", bà Hằng thông tin.
Vùng biên giới Myanmar là nơi cư trú của nhiều nhóm vũ trang sắc tộc đã xung đột với chính quyền trong nhiều thập kỷ để giành quyền khai thác tài nguyên.
Từ cuối tháng 10, liên minh 3 lực lượng nổi dậy đã tiến hành tấn công quân đội Myamnar tại bang Shan ở phía đông bắc, giáp ranh với Trung Quốc, giành được một số thị trấn, khiến ít nhất 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa theo số liệu Liên Hợp Quốc, cắt đứt các tuyến đường thương mại.
Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên chấm dứt xung đột.
Liên minh nổi dậy cho biết họ tới nay đã chiếm giữ hơn 100 tiền đồn quân đội. Các thị trấn ở vùng Sagaing thuộc miền trung Myanmar và nằm về phía tây bang Shan cũng bị tấn công.