Câu chuyện về một gia đình họ Phạm ở Trung Quốc đang khiến nhiều bậc cha mẹ nước này phải suy nghĩ lại về cách dạy con. Vợ chồng nhà họ Phạm chỉ là lao động bình thường. Trong khi người chồng là công nhân xây dựng thì người vợ nấu ăn cho công nhân ở công trường. Ngoài thời gian nấu cơm, người vợ sẽ đi làm thêm một số công việc vặt kiếm thu nhập.
Cặp vợ chồng này có một cậu con trai năm nay 16 tuổi, khá đẹp trai. Dù gia đình chẳng hề khá giả nhưng vợ chồng họ Phạm lại rất chịu chi cho cậu con trai duy nhất. Kiếm được bao nhiêu tiền, cả hai đều đầu tư hết cho con, chẳng ngại mua cho con những bộ đồ đắt đỏ, còn mình chỉ mặc quần áo cũ, sờn bạc.
Chính vì vậy, bạn bè cùng lớp đều cho rằng cậu con trai ắt hẳn là công tử nhà giàu.
Vợ chồng nhà họ Phạm rất chiều con. (Ảnh minh họa)
Vào dịp sinh nhật 16 tuổi, vợ chồng họ Phạm tính mua cho con trai một bộ đồ mới. Tuy nhiên cậu con trai tỏ ra không vui, kêu mình không thiếu quần áo mặc. Cậu bảo bố mẹ vào ngày sinh nhật, các bạn cùng lớp đều mở tiệc đãi bạn bè và cậu cũng muốn có một bữa tiệc tương tự. Cậu xin bố mẹ cho mình 1.500 NDT (khoảng 4,9 triệu đồng) để dẫn các bạn đi ăn một bữa. Đối với gia đình nghèo như nhà họ Phạm, "vung" bằng đấy tiền cho một bữa ăn là quá lớn.
Tuy nhiên vì chiều con mà sau đó, người mẹ vẫn cắn răng, cắt giảm chi tiêu để đưa tiền cho con. Vào ngày cậu con trai đi ăn uống linh đình với bạn bè thì bố mẹ ở nhà ăn cơm trắng với rau dưa. Cậu con trai cũng chẳng hề mảy may để ý xem bố mẹ ăn uống như nào.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, chính sự chiều chuộng quá mức của vợ chồng nhà họ Phạm đã khiến cậu con trai trở nên ích kỷ, phù phiếm.
Thực chất không chỉ gia đình này mà nhiều gia đình khác cũng đang áp dụng một kiểu nuôi dạy con đầy sai lầm, đó là: Nuôi dạy con theo kiểu "giàu có giả dối". Đó là kiểu cho con sống sung sướng trong vật chất, bất chấp việc mình phải nợ nần, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Những gia đình này hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa của việc "nuôi con kiểu giàu" theo nghĩa đen, tức là cho con thỏa thuê trong vật chất. Trong khi đó, "nuôi con kiểu giàu" đúng cách phải là cho con giàu về tinh thần, về trải nghiệm, kiến thức,...
Hậu quả của sự "nuôi dạy giàu có giả dối" là gì?
Cha mẹ cho đi bất chấp tình hình tài chính gia đình có thể là sự "đầu độc" đối với trẻ. Nó cho phép trẻ yên tâm tận hưởng tất cả những gì của cha mẹ mà không học được cách biết ơn và hài lòng, cũng không biết cảm thông với sự khó khăn của cha mẹ.
Đồng thời, sự chiều chuộng vô lối còn có thể sinh ra những thói xấu phù phiếm, lười biếng, ích kỷ và thiếu hiểu biết. Nhiều người ở độ tuổi trưởng thành nhưng khi chìa tay ra xin tiền bố mẹ cũng không bao giờ đỏ mặt, bởi nghĩ đó là điều cha mẹ phải làm.
Chẳng hạn như một vụ việc xảy ra ở Giang Tô, Trung Quốc. Một thanh niên 26 tuổi xin tiền cha già không được thì nằm vật ra giường, dọa uống thuốc độc tự tử. Người cha sau đó phải báo cảnh sát đến thuyết phục. Thế nhưng người con không hiểu ra còn liên tục chửi thề khiến cảnh sát phải quát: "Anh đã 26 tuổi, không phải 6 tuổi!".
Không có gì sai khi đùm bọc, cho con sống sung sướng; nhưng cũng cần để trẻ hiểu rằng thế giới của người lớn không hề dễ dàng. Trong quá trình lớn lên, vật chất càng dồi dào thì tinh thần càng kiệt quệ, khi tinh thần cạn kiệt thì tốc độ tạo ra vật chất đương nhiên sẽ dừng lại.
Ngược lại, cho trẻ sự trưởng thành thực sự, để chúng hiểu được những khó khăn gian khổ, dạy chúng biết trân trọng quà cáp, của cải, hướng dẫn chúng sống cần cù, chăm chỉ mới là món quà tốt nhất.
Một ngày nào đó, đứa trẻ sẽ trở thành một người lớn độc lập và bước ra thế giới. Những bộ quần áo sang trọng và những món ăn ngon mà bố mẹ cho không thể đi theo con suốt đời, mà chính sự kiên cường, tự lập mới giúp con vượt qua những khó khăn và hoạn nạn trong cuộc sống.
Loại "của cải" này là thứ quý giá nhất nhưng cũng khó trao tặng nhất, bởi nó cần sự giáo dục và rèn luyện ngày đêm của cha mẹ.
Theo Phụ nữ mới