Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 là nâng cao năng lực số trên ba lĩnh vực trọng yếu: hạ tầng số, chính quyền số và kinh tế số, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh, Bình Phước phấn đấu trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP, với 80% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Chính quyền số cũng là một trọng tâm, với mục tiêu số hóa hoàn toàn dữ liệu quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, xử lý ít nhất 90% hồ sơ trực tuyến.
Để hỗ trợ nền tảng này, Bình Phước cũng đang tích cực đầu tư vào hạ tầng số, đảm bảo 100% khu dân cư có kết nối Internet băng thông rộng và triển khai mạng 5G tại các trung tâm huyện và khu công nghiệp.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đào tạo kỹ năng số cho ít nhất 70% dân số trong độ tuổi lao động và xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
Trong những năm qua, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số như: vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 với giải pháp “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước”, Giải thưởng ASOCIO 2024 về chính quyền số xuất sắc từ Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, các mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh tại các hợp tác xã thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực.
Việc ứng dụng công nghệ đã giúp giảm thiểu chi phí điện năng khoảng 30%, tiết kiệm 25% nhân công vận hành và giảm 90% sự cố liên quan đến hệ thống tưới tiêu tự động.
Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thúc đẩy doanh nghiệp và hợp tác xã chuyển đổi số
Bình Phước đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ trang trại thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 844 tỷ đồng cho các dự án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó thúc đẩy hiện đại hóa hành chính, dịch vụ công trực tuyến và xây dựng địa phương thông minh.
Tỉnh cũng đã triển khai hàng loạt mô hình thí điểm chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và hợp tác xã. Các mô hình này không chỉ giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp họ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn thông qua các sàn thương mại điện tử.
Tính đến nay, hơn 28 hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường trực tuyến cho sản phẩm từ các hợp tác xã tại Bình Phước đã đạt hơn 1,1 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch lên tới 236.744 tỷ đồng.
Một trong những điểm nổi bật của chuyển đổi số tại Bình Phước là trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc số hóa các sản phẩm OCOP.
Tính đến tháng 9/2024, tỉnh đã có 136 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 5 sao. Việc áp dụng công nghệ số như số hóa dữ liệu, bản đồ hóa cơ sở canh tác, xây dựng nhật ký sản xuất giúp các sản phẩm này dễ dàng được truy xuất nguồn gốc qua QRCode, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Song song với thúc đẩy doanh nghiệp và hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 và IoT trong sản xuất kinh doanh, Bình Phước cũng khuyến khích họ tham gia các sàn thương mại điện tử phổ biến (Sendo, Shopee, Lazada, Tiki) để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.