Biển Đông: Mỹ làm 'nóng' vấn đề trong tiếp xúc cấp cao, Trung Quốc tập trận rầm rộ

Vy Anh| 30/05/2022 19:07

Vấn đề Biển Đông được nhắc đến thường xuyên trong các hoạt động đối ngoại gần đây của Mỹ với các đồng minh, đối tác. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập trận tại vùng biển quan trọng này.

Biển Đông
Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. (Nguồn: Chinamil.com.cn)

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) vừa đăng thông báo mới cho thấy Trung Quốc sẽ tiến hành thêm 2 cuộc tập trận ở Biển Đông, vài ngày sau khi thông báo về 2 cuộc tập trận ở vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam.

Cụ thể, một thông báo được đăng trên website của MSA ngày 30/5 nói rằng tập trận bắn pháo sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 31/5-2/6. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm ở vùng biển phía đông nam tỉnh Quảng Đông.

Một thông báo khác được đăng trên website của MSA ngày 29/5 nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ 8 giờ đến 12 giờ ngày 1/6. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở phía Đông Bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với một loạt cảnh báo từ Mỹ và các nước đồng minh, đối tác về tham vọng hàng hải.

Gần đây nhất, trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Á, thăm hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, tham dự thượng đỉnh nhóm Bộ tứ, vấn đề an ninh hàng hải được chú trọng và tập trung thảo luận.

Cụ thể, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí hợp tác nhằm tăng cường năng lực ngăn chặn để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, phản đối mạnh mẽ mọi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực tại Biển Hoa Đông cũng như những chủ trương bất hợp pháp của Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển đảo, hoạt động quân sự hóa như san lấp, hành vi mang tính đe dọa tại Biển Đông, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải, hàng không.

Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ cũng nêu rõ: “Chúng tôi sẽ ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, để đương đầu với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên quy tắc, trong đó bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26/5 đã có bài phát biểu làm rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong một loạt vấn đề bao gồm tự do hàng hải và hàng không.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Gần 6 năm trước, một tòa án quốc tế đã tuyên rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

Chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không, điều đã tạo điều kiện cho khu vực phát triển thịnh vượng trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi sẽ tiếp tục các chuyến tàu và chuyến bay ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Bên cạnh đó, chính quyền mới ở Philippines cũng đã tỏ rõ lập trường đối với vấn đề Biển Đông.

Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr ngày 26/5 cho biết, ông sẽ duy trì phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan), trong đó bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống đắc cử Marcos khẳng định sẽ không để Bắc Kinh “chà đạp” lên những quyền hàng hải của Manila.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông: Mỹ làm 'nóng' vấn đề trong tiếp xúc cấp cao, Trung Quốc tập trận rầm rộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO