Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Thùy Linh thăm khám cho người bệnh. |
Gia tăng người trẻ mắc đái tháo đường type 1
Ghi nhận tại khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương gần đây cho thấy, tình trạng người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường type 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên.
Đa số các trường hợp này đều đã được phát hiện và điều trị tại địa phương. Tuy nhiên, do chưa hiểu đúng về bệnh, thiếu kiến thức trong quá trình điều trị và sử dụng thuốc nên nhiều trường hợp không đạt mục tiêu điều trị dẫn tới nhiều biến chứng có thể gặp phải ở những người bệnh này chỉ sau vài năm.
2 tuần trước, bệnh nhân L.N.B, nữ, 25 tuổi (Yên Mỹ, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao. Bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường type 1 trước đó và dùng thuốc theo đơn của bệnh viện tuyến cơ sở. Tuy nhiên, dạo gần đây trong quá trình theo dõi đường huyết tại nhà, bệnh nhân thấy đường huyết tăng cao, bệnh nhân mệt mỏi nên đã tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Tạ Thùy Linh, Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế cho biết: khi tiếp nhận, bệnh nhân B. có chỉ số đường huyết cao 14,4 mmol/L, HbA1c 12,1% và bệnh nhân có thể trạng gầy (cao 1,41m và cân nặng 30kg).
Sau khi được khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã có biến chứng mắt, biến chứng thận và biến chứng thần kinh do đái tháo đường type 1.
Bác sĩ Linh nhận định đây là một trường hợp bệnh nhân kiểm soát đường máu kém do chưa tuân thủ về dinh dưỡng và điều trị cũng như chưa có kiến thức về đái tháo đường type 1. Bệnh nhân cần được nhanh chóng kiểm soát đường máu nhằm điều trị và dự phòng các biến chứng.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân B. được kiểm soát đường huyết tốt (đường máu lúc đói dao động 5-8 mml/L, đường máu sau ăn 6-10 mmol/L) và đã tăng 1kg.
Một bệnh nhân khác cũng đã được điều trị tại khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế cách đây 1 tháng là bệnh nhân nam, 13 tuổi cũng với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đang điều trị theo đơn của bệnh viện tuyến cơ sở.
Bệnh nhân này cũng không tuân thủ điều trị và dinh dưỡng; nguyên nhân do bệnh nhân nhỏ tuổi, chưa có những kiến thức về bệnh dẫn đến việc điều trị không hiệu quả và gây ra những biến chứng.
Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 1
Khác với đái tháo đường type 2, đái tháo đường type 1 thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có nhiều trường hợp là trẻ em.
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1, insulin đặc biệt quan trọng, nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiều biến chứng mạn tính khác của đái tháo đường type 1 cũng có thể xảy ra như các biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa; các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết.
Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường type 1 là tiêm sai insulin. Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh cũng dẫn đến hạ đường huyết.
Người bệnh cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng: Kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn; tê bì, dị cảm hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân; có vấn đề về thị lực; vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân; tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu; các triệu chứng cho thấy đường huyết quá thấp: đói, mệt mỏi, run tay, đổ mồ hôi, khó chịu, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt; chỉ số đường huyết dưới 70mg/dL (3.9 mmol/L); các triệu chứng cho thấy đường huyết quá cao: khát nước, khô da, mệt mỏi, tiểu nhiều, gầy sút cân.
Cần lưu ý dinh dưỡng phù hợp
Trong điều trị đái tháo đường type 1, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng như lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp ít gây tăng đường huyết và có lợi ích đến các biến chứng của bệnh. Trường hợp bệnh nhân đái tháo đường type 1 ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh.
Để có một chế độ ăn phù hợp, bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng. Theo đó, bệnh nhân cần ăn số lượng tinh bột vừa phải và dựa theo nguyên tắc thay thế lượng tinh bột tương đương; hạn chế các loại thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh như bánh mỳ trắng, bánh bông lan, xôi nếp, nước ngọt, bánh kẹo ngọt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đủ rau xanh (tối thiểu 400-500g) mỗi ngày sẽ giúp cho việc hấp thu đường vào trong máu ổn định hơn và hạn chế gây tăng đường huyết.
Các thành phần chứa nhiều chất đạm và chất béo như thịt, cá, trứng, dầu thực vật rất ít ảnh hưởng đến đường huyết, cần được sử dụng đầy đủ và đa dạng nhằm tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt mỡ, da và nội tạng động vật có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch ở người bệnh đái tháo đường type 1 nên cần hạn chế.
Các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối có thể dẫn đến suy thận và tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường type 1 cũng được khuyến cáo nên tăng cường hoạt động thể chất, lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày mỗi tuần nhằm kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như có vai trò trong dự phòng các biến chứng của đái tháo đường.
Làm gì để phòng ngừa đái tháo đường type 1
Khác với đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, đái tháo đường type 1 gần như không thể ngăn ngừa được.
Bác sĩ Linh khuyến cáo, đối với bệnh đái tháo đường type 1, quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng của tăng đường huyết như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, đặc biệt là trẻ em. Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường type 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ đái tháo đường type 1.
Để tầm soát bệnh đái tháo đường type 1, người dân có thể tới bệnh viện thực hiện làm xét nghiệm sàng lọc nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác đái tháo đường type 1 hay type 2, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do bệnh gây ra.
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) type 1 là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Bệnh do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào Beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.