Xuất thân trong gia đình nghèo ở Giang Tô (Trung Quốc), Lưu Hán Thanh (SN 1964) được nhiều người ngưỡng mộ vì trí thông minh hơn người, trình độ học vấn vượt xa các bạn đồng trang lứa.
Thiên tài được cả làng kỳ vọng
Vốn có năng khiếu với các con số, cộng thêm sự chăm chỉ, suốt thời gian đi học Lưu Hán Thanh luôn đứng đầu về khả năng Toán học.
Năm 11 tuổi, anh khiến thầy cô và bạn bè bất ngờ khi có thể giải toán cao cấp tương đương trình độ đại học. Lưu Hán Thanh được nhiều người ưu ái gọi là thiên tài.
Những năm sau đó, Lưu Hán Thanh luôn đạt điểm cao, đứng đầu lớp. Không chỉ giỏi Toán, các môn tự nhiên khác như Lý, Hoá kết quả học cũng rất xuất sắc.
Lên 16 tuổi, anh thi đại học và đỗ thủ khoa Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, ngôi trường hàng đầu về công nghệ ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Không chỉ là sự kỳ vọng của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả làng nơi Lưu Hán Thanh sinh sống. Ai cũng mong anh học thành tài và quay trở về xây dựng quê hương, giúp đỡ bà con nghèo khó.
Việc đỗ thủ khoa trước tuổi khiến Lưu Hán Thanh được nhiều người biết đến, dành lời khen ngợi. Tuy nhiên không lâu sau đó, thiên tài toán học lại khiến mọi người bất ngờ khi quyết định chọn ngành khác với năng khiếu bản thân.
Thay vì học ngành Toán học, chàng trai quê Giang Tô lại chọn ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng. Theo quan điểm của Lưu Hán Thanh, nếu theo Toán học cần tạo ra dấu ấn riêng bằng một nghiên cứu nào đó và việc này với anh là điều khó thực hiện. Anh sợ bản thân không đủ năng lực tạo ra những thành tích nổi trội như sự kỳ vọng của mọi người.
Dù vậy, đam mê Toán học lúc nào cũng thường trực bên trong chàng trai trẻ. Học ngành Nhiệt luyện Vật liệu và Xây dựng nhưng anh vẫn tự học thêm các kiến thức liên quan đến Toán và tham gia nhiều cuộc thi về Toán học.
Lưu Hán Thanh mải mê chạy theo Toán học mà quên mất ngành học chính. Hậu quả, anh bị trượt nhiều môn, nhưng do là thủ khoa và có tiềm năng học thuật nên Lưu Hán Thanh được trường ưu ái cho phép học lại và gia hạn thời gian tốt nghiệp.
Anh vốn được các giảng viên và bạn bè đánh giá cao, nếu chăm chỉ học đúng chuyên ngành chắc chắn sẽ trở thành sinh viên tài năng và tốt nghiệp loại giỏi. Thế nhưng những ưu ái từ nhà trường và thầy cô cũng không khiến anh tập trung hơn vào chuyên ngành mình đăng ký. Trượt môn vượt quá số lượng quy định khiến anh bị đuổi khỏi trường đại học.
Cuộc đời bi kịch thiên tài
Thông tin thiên tài bị đuổi học nhanh chóng được truyền về quê, dân làng trước kia ủng hộ Lưu Hán Thành đều quay lưng bàn tán, chỉ trích.
Họ không quan tâm lý do vì sao bị đuổi học, cũng không biết anh đã làm được gì. Lưu Hán Thành trở thành kẻ thất bại trong mắt những người xung quanh bởi trong mắt họ bị đuổi học là điều đáng trách.
Trở về quê, anh chỉ đóng cửa ở trong nhà, không đi làm cũng không giao tiếp với ai. Phía sau cánh cửa phòng, Lưu Hán Thanh chìm đắm trong vũ trụ Toán học của riêng mình. Với anh khi đó, nghiên cứu sẽ mang đến thành công.
Năm 1989, nghiên cứu “Sự phân bố của các số nguyên tố trong dãy số tự nhiên” của Lưu Hán Thanh được đăng trên báo mạng. Nhưng ngay sau đó, thành quả của anh bị một nhà Toán học nổi tiếng ở Na-Uy bác bỏ. Ông nói nghiên cứu của Lưu Hán Thanh có nhiều điểm không đúng.
Quan điểm của nhà bác học Na-Uy được một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đồng tình. Tuy nhiên Lưu Hán Thanh vẫn tích cực đưa ra các dẫn chứng, lập luận để chứng minh nghiên cứu của mình.
Do sự bảo thủ, nên nghiên cứu của anh dần đi vào ngõ cụt, không thể hoàn thiện, chỉ dừng lại ở mức lý thuyết, không thể vận dụng thực tiễn sau hơn 20 năm theo đuổi nghiên cứu.
Nhiều người tiếc nuối cho anh vì bản chất của nghiên cứu được đánh giá hay. Nếu anh biết lắng nghe và kiên trì hơn thì giờ đây, cái tên Lưu Hán Thanh đã có chỗ đứng trong lĩnh vực Toán học của đất nước tỷ dân.
Đằng đẵng sau hàng chục năm không làm công việc gì ngoài nghiên cứu, Lưu Hán Thanh có cuộc sống khó khăn chật vật, phải lo ăn từng bữa. Hiện nay anh sống nhờ tiền trợ cấp của Chính phủ khoảng 400 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương 1,3 triệu đồng.
Ở tuổi 60, Lưu Hán Thanh sống một mình, không kết hôn, không sinh con. Anh dành tất cả thời gian của mình cho nghiên cứu Toán học.