Bị cáo vụ chuyến bay giải cứu khai được gợi ý 'để giải quyết nhanh thì nên làm theo cơ chế cảm ơn'

20/07/2023 17:10

Theo bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife, văn bản xin cấp phép bị từ chối khi sát ngày bay và bị cáo Xa được gợi ý 'nên làm theo cơ chế cảm ơn'.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa tự bào chữa.

Chiều 20/7, tiếp tục phiên toà xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife, bày tỏ mong muốn nói ra để HĐXX hiểu được hoàn cảnh mà bị cáo phải trải qua dẫn đến những sai lầm.

Bà Mai Xa cho biết, lần đầu tiên công ty của bị cáo xin cấp phép tổ chức chuyến bay vào tháng 6/2021. Khi đó, văn bản xin cấp phép của Công ty Masterlife được 3/4 Bộ đồng ý.

Bị cáo sau đó gọi cho Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được thông báo là "có một chút vướng mắc bên Bộ Công an hay em sang đó xem như thế nào", cụ thể ở đây là Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife.

"2 ngày trước khi bay vẫn chưa được chấp thuận, rơi vào hoàn cảnh "chim ngã gặp cành cong" nên bị cáo có lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và gặp anh Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh)", bị cáo Xa kể.

Theo Giám đốc Công ty Masterlife, tại cuộc gặp đó bị cáo được Cường thông báo: "Văn bản của công ty bị từ chối do sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả".

"Một cái lý do như vậy khiến bị cáo vô cùng ấm ức và bị cáo cảm thấy mình đang làm những điều rất tốt theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà tại sao mình lại bị từ chối bởi một lý dosếp không biết doanh nghiệp em là ai?", bị cao Mai Xa nói.

Sau đó, bị cáo được Cường gợi ý giải pháp "thôi để giải quyết nhanh thì em nên làm theo cái cơ chế cảm ơn đi, nếu như mà không kịp thì sẽ khó lắm".

Bị cáo cho biết mình phải đứng trước sự lựa chọn, rơi vào hoàn cảnh của người bị phụ thuộc. Doanh nghiệp của bị cáo đang phụ thuộc chính quyền, cơ quan ban ngành để xin cấp phép.

"Bị cáo phải đi xoay tiền mới được ý kiến đồng thuận cấp phép. Trong khi đó, bị cáo nghĩ rằng sự đồng thuận đó phải là trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành. Mà đáng lẽ ra Cục Lãnh sự phải đi giải quyết. 

Hôm nay đứng ở đây bị cáo rất giận, giận lắm, giận Cục Lãnh sự lắm. Là cơ quan chủ trì nhưng tại sao lại để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó. Và đến ngày hôm nay là nguyên nhân dẫn đến một loạt các vi phạm của bị cáo với hành vi đưa tiền cho các cán bộ", bị cáo Mai Xa xúc động nói.

Cũng theo bị cáo Mai Xa, việc đưa hối lộ được thực hiện trong "vô thức". Bị cáo không có ý thức về việc đưa tiền nhưng ngay lần đầu tiên xin cấp phép đã bị ép đưa.

"Lần đầu tiên đã bị ép phải đưa rồi, lần sau cứ phải đưa thôi. Bị cáo cảm nhận được điều đó", bị cáo lý giải.

Trình bày thêm, bà Mai Xa cho biết, trên những chuyến bay mà công ty của bị cáo tổ chức có trung bình 240 chỗ thì trong đó có khoảng 10 tro cốt được gửi về nước.

"Tôi hỏi anh Cường, anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn - cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) tại sao không được cấp phép? Thì họ bảo chưa cấp thiết. Vậy bị cáo hỏi rằng trong cái lúc dịch bệnh, khi cả thế giới đang hoảng loạn đấy, thế nào là cấp thiết? Bị cáo rất ấm ức. Mình đang làm những việc cho đồng bào nhưng lại bị gây khó khăn", bị cáo Mai Xa nói.

Kết thúc phần tự bào chữa, Giám đốc Công ty Masterlife bày tỏ mong muốn HĐXX đồng cảm với khối doanh nghiệp trong vụ án này và đưa ra bản án phù hợp nhất.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Công ty Masterlife hoạt động du lịch, lữ hành. Trong quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay, Trần Thị Mai Xa đã sử dụng Công ty Masterlife và các công ty: Mỹ Thuật Quang Trung, Thắng Lợi, Nam Á tổ chức được 18 chuyến bay.

Trước đó, trả lời thẩm vấn tại toà, bị cáo Mai Xa nêu rõ quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay, bị cáo đưa cho ông Cường 20.000 USD cho 2 chuyến bay đầu tiên.

Bị cáo cũng thừa nhận đã đưa tiền hối lộ cho các cá nhân khác. Cụ thể, đã đưa 6 lần, số tiền 20.000 USD và 2,1 tỷ cho ông Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh); đưa 5 lần, số tiền 5.000 USD và 1,6 tỷ đồng cho ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế); đưa 2 lần, số tiền 30.000 USD cho ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); đưa 3 lần, số tiền 55.000 USD cho bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)…

Trong bản luận tội, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Mai Xa 4-5 năm tù.

15h30, phiên toà xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" kết thúc phần bào chữa cho hành vi phạm tội của các bị cáo. Sáng 21/7, phiên toà bước vào phần đối đáp.

Anh Văn - Viên Minh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo vụ chuyến bay giải cứu khai được gợi ý 'để giải quyết nhanh thì nên làm theo cơ chế cảm ơn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO