Bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi 'công ty ma là gì'

13/03/2024 07:01

Cáo trạng cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan đã tạo lập 1.000 công ty "ma" để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…

Trong ngày 12/3, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Trương Mỹ Lan đã xét hỏi bị cáo này, ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) cùng một số bị cáo trong vụ án.

Tại phiên tòa, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết con gái của bà đang ở nước ngoài và rao bán tòa nhà trị giá 1 tỷ USD tại Hà Nội để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo cũng mong muốn chuyển 1.000 tỷ đồng mà ông Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bà sang Ngân hàng SCB để giúp ngân hàng giải quyết vấn đề tài chính.

Thế chấp khách sạn 5 sao để vay 15.000 tỷ đồng cứu SCB?

Tại phần trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Lan khai bà chỉ là người đưa tài sản vào để cứu SCB, không nắm quyền điều hành hay chỉ đạo ở nhà băng này.

Bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi công ty ma là gì - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hoàng Hùng).

Bị cáo khai trước khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1/1/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng không ai dám vào. Bà được một số lãnh đạo NHNN động viên 3 việc: làm sao có số cổ phần trên 65% giúp cho SCB mà không ảnh hưởng các ngân hàng khác, không ảnh hưởng tình hình tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản; kêu đối tác nước ngoài vào đầu tư.

Lúc này, bà đã thế chấp tòa nhà khách sạn 5 sao Windsor (sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm tài sản đảm bảo, vay 15.000 tỷ đồng của NHNN thông qua BIDV của ông Trần Bắc Hà để đảm bảo tính thanh khoản khi hợp nhất.

Bị cáo Lan tự tin với tư duy về bất động sản của mình bà sẽ thành công. "Tôi cho mượn, nếu ngân hàng vực dậy không được tôi sẽ mất hết", bị cáo Lan nói đã xác định tinh thần "mạo hiểm" khi đưa tài sản cho SCB.

Bà nhắc lại lời khai tại tòa rằng số cổ phần của bà và con gái chiếm 15%, 30% là cổ đông nước ngoài và 30% là nhờ bạn bè đứng tên giùm. Bà cho rằng những người tại SCB chỉ biết bà đưa tài sản vào ngân hàng, xem tất cả là của bà chứ không biết nguồn gốc thật sự.

HĐXX hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về căn cứ và bằng chứng nào để chứng minh việc bị cáo cho SCB mượn tài sản, bởi lẽ các bị cáo làm việc ở SCB tại tòa không xác nhận việc mượn tài sản từ bà Lan.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Lan loanh quanh không đi vào trọng tâm. HĐXX nhắc nhở bị cáo và cho biết cơ quan sẽ đánh giá dựa trên các hợp đồng, hồ sơ.

"Lúc bị cáo bị bắt là có 3 tòa nhà", bị cáo Lan nói và cho rằng 3 tòa nhà này đã cho SCB mượn.

Cáo buộc tạo lập 1.000 công ty "ma"

Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi công ty ma là gì - 2

Các bị cáo tại tòa ngày 12/3 (Ảnh: Hoàng Hùng).

Nhóm các công ty được gọi công ty "ma" này được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài về 1.000 công ty "ma", bị cáo Lan đề nghị HĐXX xem xét kỹ cho bị cáo. Bà nói trong giai đoạn điều tra bà có hỏi công ty "ma" là gì thì được giải thích công ty không hoạt động.

"Tôi hỏi công ty "ma" là gì vì các công ty đều có tài sản đảm bảo và hoạt động", bị cáo lý giải.

Muốn liên lạc 8 cổ đông nước ngoài để chuyển cổ phần cho NHNN

Cũng trong ngày 12/3, bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ muốn đem cổ phần của bản thân, các con và bạn bè ủy quyền không hủy ngang cho NHNN để tiếp tục điều hành hoạt động tiền tệ.

Tại phiên tòa chiều cùng ngày, luật sư hỏi bà Lan có mong muốn được tạo điều kiện như thế nào để thực hiện việc chuyển cổ phần cho NHNN, bị cáo cho biết có 8 cổ đông là công ty nước ngoài, hiện tình cảnh bà không thể liên lạc được nên mong tòa hỗ trợ bà.

Bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi công ty ma là gì - 3

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa ngày 12/3 (Ảnh: Hoàng Hùng)

Theo cáo trạng, đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan sở hữu 91,5% vốn điều lệ của SCB do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp. Trong đó các pháp nhân mà cơ quan điều tra xác định là đứng tên giúp bị cáo có các công ty nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%), Glory Capital Investment Limited (4,6%), Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%), Day Glory Development Limited (4,6%), Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Công ty Việt Vĩnh Phú có các cổ đông sở hữu cổ phần gồm: bị cáo Trương Huệ Vân 50,5%; Công ty Prosperity Asia Capital Limited, quốc tịch British Virgin Islands 19,5%; Công ty Lionyear International Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15%; Công ty Magic Luck Group Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15% vốn điều lệ.

Theo cáo trạng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh, làm rõ vụ án.

Trong đó, Bộ Công an đề nghị Tổng Chưởng lý quần đảo Brishtish Vigin thuộc Vương quốc Anh, Tổng Chưởng lý quần đảo Cayman thuộc Vương quốc Anh và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, nước CHDCND Trung Hoa, phối hợp xác minh 8 công ty nước ngoài với các nội dung: thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật, quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú; xác định việc mua, sở hữu cổ phần tại SCB, Công ty Việt Vĩnh Phú và các nội dung có liên quan đến SCB.

Song, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa nhận được kết quả trả lời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Trương Mỹ Lan hỏi 'công ty ma là gì'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO