Ông Huỳnh Văn Châu, xã An Hiệp, huyện Ba Tri cho biết, hơn 10 năm từ khi thành lập, bãi rác này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến ao nuôi tôm của gia đình. Gần một năm nay, lượng xe rác đổ về bãi rác An Hiệp ngày càng nhiều, mỗi ngày có hơn 100 xe đổ rác tại đây. Rác tập kết cao như núi, theo gió bay sang khu vực nuôi tôm của các hộ dân xung quanh.
Bên cạnh đó, bãi rác thường xuyên bốc khói bụi sang nhà dân, bay xuống ao làm tôm chết, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình ông Châu. Mặt khác, hiện nay nước rỉ rác thải trực tiếp ra sông làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới nguồn nước dùng cho sinh hoạt và nuôi thủy sản của người dân.
Bà Trương Thị Nhẹ, 70 tuổi, ấp 6, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, trước đây nước kênh có thể sử dụng cho sinh hoạt, nhưng khoảng 2 năm nay, nước kênh bị ô nhiễm đen kịt. Trong khi đó, nước sạch từ nhà máy không dẫn vào được vì quá xa, kinh phí kéo đường nước tốn khoảng 5-6 triệu đồng.
Thường xuyên hít thở không khí có mùi khó chịu từ bãi rác, sức khỏe của bà và người thân trong gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề. Bà Nhẹ mong muốn ngành chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Ngoài ra, cần có chính sách di dời các hộ dân sát bãi rác ra khỏi khu vực để người dân ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hải, xã An Đức, huyện Ba Tri cho biết, gia đình ông sống bằng nghề kéo lưới trên sông Hàm Luông, cạnh khu vực bãi rác. Hàng ngày, nước rỉ rác trực tiếp thải ra sông, ảnh hưởng đến phát triển của thủy sản quanh khu vực, làm cho sản lượng đánh bắt ngày càng giảm.
Ông Hải chia sẻ, người dân mong muốn chấm dứt tình trạng thải nước rỉ rác xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài, gây tác động rất lớn đến môi trường xung quanh.
Theo người dân xung quanh bãi rác, bà con có thu nhập kinh tế chủ yếu từ nuôi tôm. Trong những năm gần đây, việc nuôi tôm đều thua lỗ; nguyên nhân một phần do môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm. Người dân mong muốn tình trạng ô nhiễm từ bãi rác được xử lý dứt điểm, để người dân ổn định cuộc sống.
Theo ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre trước đây xử lý rác cho thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, quy mô xử lý khoảng 160 tấn rác/ngày. Do quá trình hoạt động không đảm bảo điều kiện, gây ô nhiễm rất cao nên UBND tỉnh Bến Tre quyết định đóng cửa nhà máy xử lý rác này để tái cơ cấu, kêu gọi đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Để giải quyết nguồn rác thải hàng ngày của 2 địa phương trên, nguồn rác này được tạm thời đổ tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri với hình thức chôn lấp để chờ có nhà máy xử lý rác. Thời gian gần đây, do điều kiện thời tiết bất thường, mưa nhiều, gió Tây Nam hoạt động mạnh nên mùi rác phát tán tương đối xa. Cùng với đó, lượng mưa lớn nên có hiện tượng rò rỉ nước rác ra bên ngoài.
Trước tình hình đó, đơn vị quản lý bãi rác đã tiến hành các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số bà con nhân dân hai xã An Hiệp, An Đức đã ngăn chặn không cho xe vận chuyển rác vào bãi rác.
Ông Bùi Minh Tuấn cho hay, giải pháp đưa rác về Ba Tri chỉ là tạm thời. Khi nhà máy xử lý rác trung tâm của tỉnh Bến Tre hoạt động trở lại, rác của thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành sẽ không đưa về bãi rác An Hiệp. Ngành chức năng đang tập trung một số giải pháp như: Xây dựng tường rào bao quanh khu vực bãi rác; phủ bạt che chắn các khu vực bãi rác nhằm làm giảm tình trạng mùi hôi, rác thải bay sang các khu vực xung quanh.
Bên cạnh đó, có giải pháp đắp ngăn chặn nước rỉ thoát ra ngoài, bơm nước rỉ hiện đang ứ đọng vào những vị trí thích hợp để xử lý, đảm bảo không cho nước rỉ khuếch tán ra khu vực tường rào của bãi rác…quá trình thực hiện khoảng 30 ngày, khi đó tình trạng ô nhiễm sẽ được kiểm soát.
Tỉnh cũng mở rộng quy mô bãi rác An Hiệp thêm 3 ha để có đủ diện tích xử lý rác. Ông Bùi Minh Tuấn mong muốn người dân chia sẻ khó khăn chung của tỉnh Bến Tre trong khi chờ nhà máy xử lý rác mới đi vào hoạt động theo công nghệ mới. Khi đó, tình trạng ô nhiễm từ nguồn rác thải hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ được chấm dứt.