Người theo dõi điện ảnh Việt Nam có lẽ sẽ biết đến Nguyễn Lâm Thảo Tâm qua bộ phim “Mắt biếc” - tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giới trẻ có thể biết đến cô gái qua thành tích học giỏi, sở hữu số điểm IELTS ấn tượng 8.5, hay truyền năng lượng tích cực, được yêu mến và theo dõi trên mạng xã hội, đặc biệt là Instagram.
Gần đây nhất, nữ diễn viên sinh năm 2000 lần đầu đảm nhiệm vai chính trong một phim Việt lấy chủ đề hiểm họa từ mạng xã hội có tên “Fanti.” Ở hai tư cách, vừa là một diễn viên mới vào nghề, vừa là một người trẻ luôn giữ thái độ khá cẩn trọng khi chia sẻ trên Internet, Thảo Tâm có nhiều chiêm nghiệm cá nhân mà người cùng thế hệ sẽ quan tâm.
Hãy cho mình thời gian để phát triển
- Trong "Fanti," Thảo Tâm vào vai một nữ diễn viên đầy tham vọng. Lần đầu nhận vai chính trong một phim điện ảnh, đóng mẹ con với Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, bạn gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Thuận lợi lớn nhất đó là êkip đã đổ rất nhiều tâm huyết, tình cảm cho bộ phim, trong khi đó tôi lại phải đối mặt với khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu kinh nghiệm.
Tôi là một diễn viên trẻ, chỉ mới đi diễn 3 năm, 2 năm trong đó là dịch bệnh hoành hành, nên va chạm của tôi với nghề chưa nhiều. Khi xem phim, tôi cũng thấy những thiếu sót của mình về mặt kỹ thuật, cách xử lý nhân vật.
Việc đảm nhiệm vai chính khiến tôi áp lực, nhưng cũng dẫn đến một lợi thế khác khi được tiếp xúc và làm việc gần, trong một thời gian dài với Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Lê Khanh. Sự kiên nhẫn, sự bảo ban, yêu thương của “mẹ” khiến tôi học được rất nhiều điều.
- NSND Lê Khanh có nhận xét Thảo Tâm là một trong những gương mặt sáng giá mới của điện ảnh Việt Nam. Bạn có suy nghĩ như thế nào về nhận xét ấy?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Tôi cảm thấy rất vui! Cảm giác giống như một người con được cha mẹ khó tính khen vậy.
“Mẹ” Lê Khanh thực chất là một người rất yêu thương và tích cực, hay động viên mọi người. Nhưng để có được lời khen của “mẹ” lại rất khó, bởi “mẹ” cũng là một người chuẩn xác trong lời nói, nếu không thấy hay sẽ không khen.
Nguyễn Lâm Thảo Tâm được Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh đánh giá là một trong những cái tên sáng giá nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Sau khi phim công chiếu, hai “mẹ con” đi ăn với cả đoàn. Tôi có hỏi “mẹ” về phần thể hiện của mình để rút kinh nghiệm. “Mẹ” cho tôi những chỉ dẫn rất cụ thể về kỹ năng nghề, về diễn xuất, rồi bảo: “Con phải cho bản thân thời gian để trở nên tốt hơn.”
Tôi tự nhìn nhận mình còn quá mới, quá trẻ để được nhìn nhận là một diễn viên toàn năng, nhưng được “mẹ” Lê Khanh ghi nhận là người có tiềm năng và động viên tiếp tục nỗ lực, đối với tôi là quá đủ.
- Làm việc với một nữ diễn viên kỳ cựu như vậy, bạn học hỏi được gì?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Điều mà tôi học được nhiều nhất từ NSND Lê Khanh là cách để kết nối với cảm xúc của nhân vật. Đây là một khái niệm khá trừu tượng, bởi vốn dĩ làm diễn viên là phải xen kẽ giữa hai yếu tố: Chuẩn xác và trừu tượng.
Ví dụ như có lúc, tôi vừa phải chuẩn xác về lời thoại, đến vị trí nào mới được “nhả” thoại, hay căn làm sao để có góc máy đẹp chẳng hạn… Đó là “cái tôi” của diễn viên mà bản thân mình cần phát triển và nắm được như những kỹ năng cứng. Còn lại, cái tôi của nhân vật thì giống như kỹ năng mềm, đòi hỏi rất nhiều chiều sâu.
Cô gái 'Gen Z' cá tính thích dành nhiều thời gian xây dựng tính cách, hồ sơ kỹ càng cho nhân vật mình thủ vai. (Ảnh: NVCC)
Khi xây dựng hồ sơ cho nhân vật, “mẹ” Lê Khanh có một bề dày cảm xúc và kinh nghiệm để kết nối đến cảm xúc nhân vật. Đây là điều mà tôi chưa thực sự làm trôi chảy được. Tôi nghĩ mình cũng là một người khó tính khi xây dựng hồ sơ nhân vật và tôi cũng đã làm rất tốt bản nghiên cứu nhân vật, về giao diện như cách đi đứng, cách giao tiếp với người khác.
Nhưng những cảm xúc đằng sau đó, thì “mẹ” Lê Khanh là người đầu tiên khiến tôi cảm nhận được và nhìn ra “đỉnh cao” mà mình có thể vươn tới cũng như muốn hướng tới là gì.
Cẩn thận với những “từ khóa nguy hiểm”
- Trong phim, nhân vật Ánh Dương có tới 80.000 người theo dõi, là một KOL hay người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ngoài đời, Thảo Tâm cũng khá nổi tiếng và trên thực tế đã có hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram. Ánh Dương với Thảo Tâm giống và khác nhau như thế nào?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Chúng tôi đều bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về mạng xã hội ở quanh độ tuổi 18. Chúng tôi đều là những cô gái mạnh mẽ, bướng bỉnh và quyết liệt theo đuổi thứ mà mình tin tưởng. Thế nhưng, cách tôi tiếp cận điều mình thích và tiến tới niềm tin cá nhân thì thẳng thắn hơn Ánh Dương nhiều. Tôi tự dặn mình làm gì thì làm, miễn sao không cảm thấy hổ thẹn với lòng.
Sau khi bước ra khỏi vai diễn, tôi luôn coi Ánh Dương như một đứa em của mình. Tôi cảm thấy Ánh Dương rất tương đồng với mình của ngày trước.
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Mỗi người có một khổ tâm riêng không thể chia sẻ, nhưng lại đều rất dễ đồng cảm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tôi rất đồng cảm với nỗi lo sợ của Ánh Dương. Cô ấy rất trẻ và phải đối mặt với nhiều điều. Trong phim, Ánh Dương phải quyết định giữa hai việc: Tiến thân vào sự nghiệp mà mình tin đó là ước mơ của mẹ bằng mọi giá, hay chấp nhận mình không có gì cả, vì đó là cuộc đời mà mẹ đã tạo ra cho cô ấy.
Tôi không có những mâu thuẫn gia đình sâu sắc như Ánh Dương, nhưng tôi hiểu nỗi khổ tâm của một người không có ai để chia sẻ. Nó giống như những nỗi đau ngày càng lớn dần. Người lớn ai cũng có một kiểu nỗi đau riêng như vậy mà không chia sẻ được cho ai. Theo tôi đó là một nỗi đau rất dễ đồng cảm.
- Theo quan sát của Thảo Tâm về những người cùng lứa tuổi, có nhiều hay không khả năng họ sẽ cư xử tiêu cực như Ánh Dương?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Tôi không thể đánh giá một cách khách quan được, bởi tôi không phải chuyên gia cũng như không có số liệu.
Nhưng với những người xung quanh tôi hay những người trẻ mà tôi biết, họ đều có chính kiến rất riêng. “Gen Z” có khả năng tiếp cận Internet cao hơn so với những thế hệ trước. Họ có cuộc sống hiện đại, chất lượng sống cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa họ tiếp cận được nhiều thông tin hơn và có thể dễ dàng xây dựng chính kiến của riêng mình.
Nữ diễn viên trẻ sánh vai với MC Khánh Vy tại buổi công chiếu phim ở Hà Nội. Cả hai đều là những gương mặt 'gen Z' nổi bật trong lĩnh vực của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo tôi, việc này hơi khác so với thế hệ trước. Thay vì làm những điều được bảo, thì một bạn trẻ “gen Z” phải tự thân xây dựng cuộc đời của mình. Đúng là sẽ có những quyết định để lại hệ lụy về sau, nhưng đó là một hậu quả tất yếu mà những người trẻ hoàn toàn sẵn sàng đón nhận.
- Là một người nổi tiếng trên mạng, có ý thức rất rõ về việc sử dụng mạng xã hội, đâu là “top 3” những quy tắc nên và không nên làm của bạn?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Thứ nhất là đừng bắt bản thân chia sẻ những cảm xúc mình không muốn chia sẻ.
Thứ hai là hãy chân thật với câu chuyện của mình. Tôi tin cảm xúc khi được chia sẻ một cách chân thành nhất là thứ có sức nặng nhất một người có thể làm, chứ không phải những từ ngữ hoa mỹ. Hãy cứ chân thực, giản dị và nên làm điều gì đúng với mình.
Thứ ba là nên cảm thấy vui vẻ từ việc mình làm. Nếu cảm nhận mình đang ở một vị trí quan trọng, xem mình là một cái gì đó hơn người, sống theo một tiêu chuẩn nào đó… ắt tôi sẽ thấy rất áp lực. Đó là việc tôi không muốn làm. Dù làm gì, tôi cũng muốn nó phải vui!
Còn về điều không nên, đầu tiên là không nên sử dụng “buzz word” bừa bãi. [Buzz word: tạm dịch là những từ khóa nguy hiểm, giàu giá trị nội hàm-PV], nếu sử dụng thì cần tìm hiểu kỹ.
Giới trẻ thời nào cũng có những từ khóa nổi bật, tạo nên những tác động tích cực hoặc không. Những từ như “trầm cảm” “nữ quyền”... đều là những từ ngữ khi nói ra cần được nhận thức rõ ràng. Ai đó không thể chỉ “quăng” một từ ra mà không suy nghĩ. Tôi cho rằng mỗi người nên nghiên cứu rõ những tác động, ý nghĩa đằng sau mỗi thông điệp mình đưa ra.
Thứ hai là không nên truyền tải cảm xúc tiêu cực. Có những nỗi đau không nên chia sẻ với người khác, hay nói cách khác, bắt người khác cùng gánh chịu.
Và cuối cùng là, giống như một thông điệp từ phim “Fanti,” không nên coi thường an ninh mạng.
Nguyễn Lâm Thảo Tâm có những quy tắc riêng khi sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: Facebook nhân vật)
- Với bạn, khi nào sẽ là chân thành, khi nào sẽ là quá nhiều thông tin, để lộ mình quá mức trước công chúng?
Nguyễn Lâm Thảo Tâm: Tiết lộ quá nhiều thông tin đôi khi cũng là sự chân thành. Nhưng một người nói ra chính xác những điều họ đang nghĩ có thể sẽ làm bản thân bị tổn thương.
Tôi nghĩ mình cũng từng có những khoảnh khắc như vậy khi sử dụng mạng xã hội. Để hiểu như thế nào là vừa đủ, thì tự mình cần trải qua cảm giác ấy. Nếu thấy mình đang gây tổn thương chính bản thân thì lần sau phải “phanh” lại, chứ không thể trông chờ vào ai dạy điều đó cho mình.
- Xin cảm ơn Thảo Tâm đã chia sẻ và chúc bạn gặt hái nhiều thành công!