Victor là con trai đầu lòng của Bảo Thy và doanh nhân Phan Lĩnh. Cậu bé được nhận xét khôi ngô tuấn tú và có nước da trắng ngần giống mẹ. Bảo Thy tiết lộ cô không thuê bảo mẫu mà tự tay chăm sóc con trai, nữ ca sĩ thường xuyên cập nhật hình ảnh của bé Victor trên trang cá nhân, thể hiện mình là một người mẹ "cuồng con".
Mới đây, Bảo Thy chia sẻ hình ảnh cho con trai tới lớp cùng lời tâm sự: "Cái nắm tay hạnh phúc tột cùng của mẹ. Victor của mẹ trộm vía rất tự lập, đi học con tự xúc ăn, đến giờ tự lên nệm ngủ và đi học cũng tự bước đi chứ không đòi mẹ bế. 19 tháng đi học và luôn được cô khen là bạn học sinh năng lượng, hài hước nhất lớp".
Giọng ca "Công chúa bong bóng" cho con đi học từ sớm.
Có thể thấy, thay vì để con ở nhà tới khi bé được 2, 3 tuổi thì Bảo Thy quyết định cho con đi mẫu giáo từ rất sớm. Từ trước tới nay, vấn đề nên cho con tới lớp khi bé bao nhiêu tháng tuổi luôn nhận về sự tranh cãi của hội phụ huynh có con nhỏ. Có người cho rằng cho đi sớm khiến bé tự lập, vào nề nếp hơn, trong khi đó nhiều mẹ lại sợ con quá nhỏ, quá non nớt nên dễ ốm, dễ bị bắt nạt...
Cho bé đi học mẫu giáo từ sớm đem lại những ích lợi gì?
Theo nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), việc đi học mẫu giáo từ sớm giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và kỹ năng thực hành tốt hơn. Ngoài ra, trẻ được đi học mẫu giáo từ sớm còn nhận được một số lợi ích cụ thể như sau:
- Phát triển tính cách, khả năng giao tiếp: Trẻ ở độ tuổi từ 10 - 18 tháng là giai đoạn vàng để phát triển tính cách và khả năng giao tiếp. Khi đi học, con sẽ được làm quen, trải nghiệm môi trường học tập, có giáo viên, bạn bè cùng trang lứa. Điều này giúp con học cách chia sẻ, học hỏi để dần phát triển tính cách và khả năng giao tiếp.
- Tiếp thu nhanh, nhận thức nhiều hơn: Theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh, trẻ đi học mẫu giáo sớm có khả năng tiếp thu nhanh, nhận thức nhiều hơn, học đi, học nói sớm hơn so với các trẻ cùng độ tuổi.
- Phát triển trí não: Thông qua các trò chơi, tương tác ở lớp, trẻ đi học sớm có khả năng phát huy tính sáng tạo, trí tưởng tượng tốt hơn.
- Có khả năng quản lý cảm xúc tốt: Khi đi học, giáo viên ở trường sẽ dạy bé các kỹ năng xã hội và cách kiểm soát cảm xúc của bản thân như sự thất vọng, tức giận. Qua đó, bé sẽ biết cách đối phó với cảm xúc của mình và hạn chế tình trạng bướng bỉnh, gào khóc thường thấy khi bước vào thời kì khủng hoảng tuổi.
- Học cách chia sẻ: Môi trường mẫu giáo giúp trẻ học được cách kết bạn, trò chuyện và chia sẻ đồ chơi với nhau. Trẻ cũng được hình thành khả năng làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng với người khác.
- Hình thành khả năng tự lập: Đi học mẫu giáo, trẻ sẽ được giáo viên hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, tự vệ sinh, ăn uống, đi ngủ đúng giờ. Bé cũng sẽ biết cách quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ những người xung quanh.
Tuy nhiên, cho bé đi học mẫu giáo sớm cũng có hạn chế
- Đi học quá sớm khiến trẻ bị mất cảm giác an toàn, hình thành tâm lý bất an và mất đi sự cân bằng nội tâm, nhất là những trẻ có tính cách thụ động, nhút nhát. Điều này có thể khiến trẻ có xu hướng trở nên chống đối khi lớn.
- Các chuyên gia ở Anh tin rằng, sự nuôi dưỡng của bố mẹ có vai trò lớn nhất trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và tâm lý của trẻ. Vì vậy, bố mẹ không nên trao những trách nhiệm này cho giáo viên mầm non quá sớm.
- Trẻ đi học quá sớm có nguy cơ gặp phải căng thẳng, áp lực nhiều hơn. Điều này càng nghiêm trọng khi trường áp dụng chương trình học nặng nề, nhồi nhét kiến thức.
- Trẻ đi học sớm dễ ốm hơn vì đề kháng của con còn non nớt. Thêm vào đó, trẻ có nhiều nguy cơ bị bắt nạt hơn khi chưa thể tự nói hay biểu đạt ngôn ngữ tốt.
Vậy nên cho con đi học mẫu giáo lúc mấy tuổi?
Trên thực tế, câu hỏi này không có công thức chung và chưa có nghiên cứu nào cụ thể. Bằng chứng là ở mỗi gia đình lại quyết định cho con đi học theo các lứa tuổi khác nhau. Với các gia đình có ông bà trông nom, phụ huynh thường cho con đi học muộn một chút từ 3-3,5 tuổi. Tuy nhiên, một số khác bố mẹ phải đi làm sớm thì bé có thể đến trường ngay từ lúc vừa tròn 6 tháng hoặc chỉ vừa 1 tuổi.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ nhiều bậc phụ huynh, thời điểm thích hợp nhất để bé đi học chính là từ 18 tháng - 2 tuổi. Đây được coi là giai đoạn vàng để bé hình thành tính cách và khả năng giao tiếp xã hội. Thêm vào đó, con dễ hòa nhập hơn so với các bé đã nhận thức tốt.
Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có tính cách khác biệt nên bố mẹ cần quan sát, tìm hiểu, thậm chí là thử cho con đi học nếu cần để xem khả năng thích ứng của con mình như thế nào. Từ đó mới lựa chọn phương án cuối cùng.
2 điều giúp cha mẹ nên làm khi cho con đi học mầm non
- Phụ huynh không làm phiền quá mức: Sau khi cho con đi nhà trẻ, nhiều bà mẹ rất lo lắng nên hở một chút là lại nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm tình hình của con mình, họ hoàn toàn không quan tâm giáo viên có đang bận hay không.
Mặc dù giáo viên có thể hiểu được sự lo lắng này nhưng phụ huynh cũng cần phải hiểu cho sự vất vả của các giáo viên mầm non, khi một người phải chăm sóc cho cả một lớp học hơn 10 đứa trẻ. Đặc biệt là với những đứa trẻ mới đi học mẫu giáo, ở độ tuổi 3 - 4 tuổi có rất nhiều vấn đề xảy ra và giáo viên phải luôn túc trực xử lý, thật khó để họ cầm điện thoại trả lời tin nhắn.
- Dạy con biết cách diễn đạt vấn đề: Trước khi vào mẫu giáo, cha mẹ cần dạy con mình biết nói ra chính xác những mong muốn và nhu cầu của bản thân thay vì dùng tiếng khóc để biểu đạt sự khó chịu của mình. Nếu một đứa trẻ nói rõ vấn đề mình đang cần, chắc chắn giáo viên sẽ sẵn sàng giúp đỡ ngay. Cha mẹ dạy con cách thể hiện cảm xúc, điều chỉnh cảm xúc là điều rất quan trọng.
Theo Phụ nữ Việt Nam