Bán lẻ cạnh tranh bán hàng từ offline đến cả sàn thương mại điện tử

Định Phạm (tổng hợp)| 20/06/2024 20:50

Ngoài không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng, bán lẻ lẫn hãng đã và đang từng ngày mở rộng kênh kinh doanh offline, website đến cả sàn thương mại điện tử, mang đến nhiều tiện lợi cho người mua trong thời đại số.

Bán lẻ cạnh tranh bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Theo bà Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Marketing của Di Động Việt, hệ thống đã bắt đầu chuyển mình và bán hàng qua các kênh online từ khoảng 2 - 3 năm trước và đã nhận được những thành quả rõ rệt.

"Bên cạnh sự hợp tác qua các kênh KOLs như livestream, clip reviews sản phẩm, bán hàng trên TikTok Shop…, Di Động Việt cũng sẽ mở rộng thêm với hình thức tiếp thị liên kết đa nền tảng (hệ thống affiliate) để có thể đến gần hơn với tất cả khách hàng trên tất cả các kênh của KOLs, KOC", bà Vân cho biết thêm.

Với F.Studio by FPT, sau khi được Apple cấp quyền mở bán trên TikTok Shop, hệ thống này ngay lập tức tung ưu đãi đến 8% cho khách hàng khi mua sắm. Theo ông Phan Trần Thành - Phó Giám đốc Ngành hàng Apple, hình thức này được xem như phát triển mô hình ‘mua sắm giải trí’ tại Việt Nam với đối tượng tiếp cận là người dùng trẻ, yêu thích trải nghiệm mua sắm nhanh chóng, tiện lợi.

ban-le-canh-tranh-ban-hang-tu-offline-den-ca-san-thuong-mai-dien-tu.jpg
Từ 20/6, FPT Retail bán sản phẩm Apple trên TikTok Shop. Ảnh: Phương Phạm.

Trước đó, nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ đến từ xu hướng ‘mua sắm giải trí’ trên TikTok, FPT Retail (chủ quản hệ thống FPT Shop và F.Studio by FPT) đã tiên phong áp dụng mô hình bán hàng tại nền tảng này và có nhiền thuận lợi bước đầu.

Không nằm ngoài xu hướng, hãng laptop MSI cho biết cũng đã và đang mở rộng kênh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Hiện một số sản phẩm laptop gaming MSI đã được đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử thông qua hoạt động hợp tác của MSI với các đại lý của hãng vào mỗi quý. Điển hình như 25/6 tới, MSI cũng phối hợp cùng Phong Vũ mở bán thiết bị giải trí cầm tay Claw trên TikTok Shop.

Tương tự MSI, nhãn hàng Xiaomi Việt Nam cũng cho biết, việc mở rộng mô hình bán hàng thương mại điện tử chỉ mới khởi động chứ chưa thật sự chú trọng khi mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao so với kênh truyền thống hiện nay.

Mở rộng mô hình bán hàng qua sàn thương mại điện tử là luôn cần thiết

Dù là hình thức mới, tuy nhiên, mỗi hệ thống hay nhãn hàng đều có một mối tương quan cho việc lấy khách hàng tiềm năng trên nhiều nền tảng, vốn phục vụ cho nhu cầu trải nghiệm mua sắm đa dạng của người dùng.

Theo bà Vân, Di Động Việt hiện vẫn chú trọng đến kênh bán hàng qua website vì đây là nền tảng đóng góp 22% doanh thu trên tổng tất cả các kênh bán hàng. Ngoài ra, từ năm 2021, hệ thống cũng đã bán hàng, chăm sóc khách hàng qua app Di Động Việt để mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi nhất cho khách hàng.

ban-le-canh-tranh-ban-hang-tu-offline-den-ca-san-thuong-mai-dien-tu-3.jpg
Di Động Việt hiện duy trì khoảng hơn 1 ngàn phiên livestream mỗi tuần sau 2 năm phát triển kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Loan Trần.

Trong khi đó, thống kê từ FPT Retail cho thấy, trong tháng 5/2024, hệ thống ghi nhận 1.922 điện thoại iPhone bán ra từ gian hàng của FPT Shop và F.Studio by FPT, tăng doanh thu 240% so với tháng trước. Con số này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghệ cao cấp của Apple.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI nhận định, người tiêu dùng Việt Nam có sự tin tưởng ngày càng lớn đối với thương mại điện tử và đã sẵn sàng mua sắm các mặt hàng giá trị cao thông qua kênh này, trong đó có sự thúc đẩy của Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).

Dù tiềm năng của sàn thương mại điện tử là luôn có, việc kinh doanh trên môi trường số luôn yêu cầu những điều kiện để thuận mua vừa bán, không chỉ giúp tăng doanh số đáng kể cho cả bán lẻ mà còn cả nhãn hàng.

Trong đó, thông tin về hàng hóa, dịch vụ (giá cả, điều kiện giao dịch, vận chuyển, phương thức thanh toán...) cần được rõ ràng và đảm bảo để người dùng tự tin hơn việc trải nghiệm mua sắm của mình. Đây cũng là điểm cần được chú trọng để bán lẻ và nhãn hàng khai thác tốt hơn "mỏ vàng số" tiềm năng hiện nay.

Bài liên quan
  • Nhiều sản phẩm có chất độc hại bán trên sàn thương mại điện tử
    Ngày 14-6, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) thông báo, phát hiện một số sản phẩm mỹ phẩm và đồ chơi của trẻ em bán trên 3 nền tảng thương mại điện tử nước ngoài gồm AliExpress (của tập đoàn Alibaba-Trung Quốc), Temu (của PDD Holdings -Trung Quốc) và Qoo10 (của Singapore) có chứa chất độc hại vượt mức tiêu chuẩn an toàn lên đến hàng trăm lần.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bán lẻ cạnh tranh bán hàng từ offline đến cả sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO