Thông thường, những gì chúng ta biết về mình đều xuất phát từ ý kiến của người khác. Họ nói: “Bạn tốt bụng!”, bạn nghĩ rằng mình tốt bụng. Họ nói: “Bạn xinh đẹp!”, bạn sẽ nghĩ rằng mình xinh đẹp. Họ nói: “Mày thật tồi tệ!” hay “Mày thật xấu xa!”…. Bạn “thu thập” bất cứ điều gì họ nói và chúng trở thành những đặc điểm để chúng ta tự nhận biết mình. Đó là suy nghĩ hết sức sai lầm bởi không ai có thể biết rõ về bạn - không ai khác, ngoài chính bạn. Họ chỉ biết được một số khía cạnh, mà những khía cạnh này chỉ mang tính bề mặt. Họ chỉ biết được những tâm trạng nhất thời chứ không thể thâm nhập vào bên trong. Ngay cả những người thân yêu của bạn cũng không thể thâm nhập vào thế giới bên trong của bạn. Bạn hoàn toàn đơn độc trong thế giới đó, và chỉ có ở đó bạn mới biết được mình là ai.
Con người sống cả đời bằng niềm tin vào những điều người khác nói, phụ thuộc vào người khác. Đó là lý do vì sao mọi người rất e ngại ý kiến của người khác. Nếu mọi người cho rằng bạn xấu xa, nhất định bạn là người xấu xa. Nếu họ buộc tội bạn, bạn bắt đầu buộc tội chính mình. Nếu họ nói bạn có tội, bạn bắt đầu cảm thấy mình là kẻ tội đồ. Vì phụ thuộc vào ý kiến của mọi người nên bạn không ngừng “ngả nghiêng” theo họ; nếu bạn không làm thế, họ sẽ thay đổi ý kiến đó. Đây là một kiểu nô lệ trá hình. Nếu muốn được mọi người xem là tốt bụng, xinh đẹp, thông minh, bạn phải luôn nhượng bộ, thỏa hiệp với những người mà bạn phụ thuộc.
Và rồi nảy sinh một vấn đề khác. Bởi vì có quá nhiều người nên bạn sẽ liên tục bị nhồi nhét vào đầu nhiều kiểu ý kiến khác nhau - cả những ý kiến trái ngược. Ý kiến này mâu thuẫn với ý kiến kia, từ đó bên trong bạn sẽ hình thành một trạng thái mơ hồ cùng cực. Người này nói bạn rất thông minh, còn người kia thì bảo bạn ngu ngốc. Nên tin ai bây giờ? Thế nên bạn bị chia tách. Bạn trở nên hoài nghi về chính mình, về bản chất con người mình... một kiểu dao động. Và tình trạng này càng trở nên phức tạp bởi có hàng ngàn người xung quanh bạn.
Bạn tiếp xúc với quá nhiều người và mọi người nhồi nhét vào đầu bạn ý kiến của họ. Không ai hiểu bạn – thậm chí bạn còn không biết chính mình - vì thế tất cả những ý kiến này sẽ bị đẩy vào bên trong. Đây là một tình huống điên đầu. Bạn có nhiều tiếng nói bên trong. Bất cứ khi nào bạn tự hỏi mình là ai thì nhiều câu trả lời sẽ xuất hiện cùng lúc. Một số là của mẹ bạn, số khác là của cha bạn, số nữa là của giáo viên, và cứ thế tiếp diễn. Và bạn không thể biết đâu là câu trả lời chính xác. Làm sao đây? Tiêu chí nào để xác định điều này? Đây chính là nơi con người bị mất phương hướng, nơi con người trở nên hoàn toàn mù tịt về chính mình.
Nhưng vì phụ thuộc vào người khác nên bạn e ngại đi vào trạng thái cô độc - bởi vì ngay khoảnh khắc đi vào trạng thái cô độc, bạn bắt đầu lo sợ đánh mất mình. Bạn không có cái tôi của mình, nhưng bất kỳ cái tôi nào được tạo ra từ quan điểm, ý kiến của người khác đều phải để lại sau lưng. Do đó, bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi. Càng đi sâu vào bên trong, bạn càng ít nhận biết về mình. Trên thực tế, khi hướng đến quá trình tự nhận biết bản thân, trước khi đạt được điều đó, bạn sẽ phải từ bỏ hết mọi ý kiến về cái tôi cá nhân. Sẽ có một khoảng cách; sẽ có một trạng thái hư vô. Bạn sẽ trở thành con số không. Bạn sẽ hoàn toàn mất phương hướng bởi tất cả những gì bạn biết đều không còn liên quan nữa, và điều gì là có liên quan thì bạn vẫn chưa biết được.
Thân mật l Osho