Bài 2: Những cái tên thú vị trong truyện Kim Dung

Kinh Thi| 07/05/2023 09:00

Tác phẩm của Kim Dung khó lòng lôi cuốn độc giả nếu như nó chỉ bao gồm triết lý với mớ kiến thức “bách khoa tổng hợp” xen lẫn với chuỗi “đánh đấm” bất tận trong thế giới võ lâm. Bởi xen cạnh đó còn có nhiều điều thú vị, như việc đặt tên nhân vật chẳng hạn

Xem thêm: Bài 1: Những cái tên thú vị trong truyện Kim Dung

Trong Cô Gái Đồ Long, quận chúa Triệu Minh có một nhóm thủ hạ cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi, gọi là “thần tiễn bát hùng”. Đó là Triệu Nhất Thương, Tiền Nhị Bại, Tôn Tam Hủy, Lý Tứ Thôi, Chu Ngũ Thâu, Ngô Lục Phá, Trịnh Thất Diệt, Vương Bát Suy. Quá dễ nhớ? Vâng, họ lần lượt sử dụng 8 họ lớn nhất của người Hán (Triệu, Tiền, Tôn, Lý, Chu, Ngô, Trịnh, Vương, tức họ của muôn họ). Chữ lót thì theo thứ tự từ Nhất đến Bát, còn tên thì họ chọn toàn những chữ… rất xấu (thương, bại, phá, suy…). Họ là người Mông Cổ, đang cai trị Trung Hoa, dùng tên như thế hàm ý để cho dân Hán cứ… xui xẻo mãi, và nhà Nguyên của họ bền vững!

Hầu như truyện nào của Kim Dung cũng có những nhóm nhân vật – cả nhân vật chính lẫn nhân vật phụ, xếp thành từng bộ. Hắc Phong Song Sát, Thanh Hải Tam Kiếm, Giang Nam Tứ Hữu, Không Động Ngũ Lão, Đào Cốc Lục Tiên, Võ Đang Thất Hiệp, Hàm Cốc Bát Hữu, thôi thì… đủ hết các bộ.

Trong Đào Cốc Lục Tiên thì có người là “hoa” (Đào Hoa Tiên), có người là “cành” (Đào Chi Tiên), người là “lá” (Đào Diệp Tiên). Sáu anh em họ tuy khùng điên, ngốc nghếch, cãi vã suốt ngày, nhưng rất thương nhau “như cây liền cành”. Giang Nam Tứ Hữu thì mỗi người say mê một môn trong cầm, kỳ, thư, họa, thứ tự (từ đại ca Hoàng Chung Công trở xuống) cũng theo thứ tự của bốn môn ấy.

Đệ tử ưu tú trong phái Thanh Thành của Dư Thương Hải là nhóm “Thanh Thành tứ tú” Hầu Nhân Anh, Hồng Nhân Hùng, Vu Nhân Hào, La Nhật Kiệt. Tên quá đẹp (anh hùng hào kiệt), nhưng kỳ thực đấy chỉ là những gã vô lại, nhân phẩm thấp kém, bị Lệnh Hồ Xung gọi là “Thanh Thành tứ thú – cẩu, hùng, dã, trư”! Còn “Mạc Bắc song hùng”, cứ ngỡ là hai người anh hùng ở Mạc Bắc, thì thật ra họ tự xưng mình là hai con gấu (hùng nghĩa là gấu), một là Bạch Hùng, hai là Hắc Hùng!

lenhhoxung.png
Lệnh Hồ Xung trong phiên bản điện ảnh Tiếu Ngạo Giang Hồ (2001) do Lý Á Bằng - người đang vướng vào lùm xùm vỡ nợ hàng triệu USD

Trong “tứ đại ác nhân” thì chữ “ác” chuyển dần từ sau tới trước trong ngoại hiệu, theo đó thể hiện luôn “độ ác” và cả đẳng cấp võ công của từng nhân vật. Nghe tên “cùng hung cực ác” Vân Trung Hạc là đã sởn tóc gáy? Kỳ thực, gã này chỉ là em út, đại khái chuyên làm những chuyện như cướp, giết hiếp. Trên một bậc là “hung thần ác sát” Nam Hải Ngạc Thần, rất thích nghe tiếng lắc cắc phát ra từ đốt xương cổ, khi gã… vặn cổ người khác. Trên nữa là một phụ nữ: “vô ác bất tác” Diệp Nhị Nương. Quá đơn giản: việc gì không ác thì bà này không làm. Và trên hết là “ác quán mãn doanh” Đoàn Diên Khánh. “Ác quán mãn doanh” là một cụm từ cổ, nhưng ở đây xin được tạm dịch: tay này ác hơn chữ ác!

Có “bộ” nào chỉ gồm… một nhân vật? Đấy chính là Côn Luân Tam Thánh! Phái Thiếu Lâm nhốn nháo khi nhận được tin Côn Luân Tam Thánh khiêu chiến tận… sân đối phương (và Côn Luân Tam Thánh suýt thắng thật, ngay tại chùa Thiếu Lâm, nhưng đấy dĩ nhiên là câu chuyện khác). Chi tiết thú vị ở đây: “Tam Thánh” thật ra chỉ là một người. Nhân vật này sống ở dãy núi Côn Luân, rất giỏi ba môn đàn, cờ, kiếm nên được xưng tụng là “tam thánh” (thánh của ba môn). Đấy là người ta gọi như thế. Vì khiêm tốn, anh ta lại thêm cụm từ Hà Túc Đạo (không đáng nói), thành ra cái tên dài thườn thượt: Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo (gọi tắt là Hà Túc Đạo).

hatucdao.jpeg
Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo là một trong những nhân vật có tên thú vị, bất ngờ của tác giả Kim Dung

Ngược lại, cứ ngỡ Hoàng Hà Lão Tổ là một người, hay một ông lão, hóa ra đấy lại là hai người thân thiết với nhau, sống ở ven sông Hoàng Hà. Một người họ Lão, một người họ Tổ. Người họ Lão tên là Lão Đầu Tử, có đứa con gái mắc bệnh nan y từ bé, suốt đời chỉ lo kiếm thuốc chữa bệnh cho con. Sợ con gái mất, ông ta đặt luôn cái tên Lão Bất Tử cho con gái, để “lấy hên”. Con bé non choẹt, nhưng khi Lệnh Hồ Xung nói chuyện với nó thì lại gọi là “Lão cô nương”, thật hài hước.

“Lung á lão nhân” trong Thiên Long Bát Bộ (á là câm, ông này câm điếc) hóa ra là “Thông biện tiên sinh” ngày trước. Nhân vật tên là Tô Tinh Hà này văn võ song toàn, môn gì cũng giỏi, nói ra câu nào là hoàn hảo câu ấy (thông biện).

Vì một lý do đặc biệt, ông ta phải giả vờ câm điếc, coi như ẩn dật. Tiếu Ngạo Giang Hồ có nhân vật Bình Nhất Chỉ cũng rất đặc sắc. Ông ta cứu người (chữa bệnh) hay giết người, đều chỉ cần dùng một ngón tay, nên gọi là “nhất chỉ”. Bình đại phu cho rằng cứu sống một người đáng lẽ phải chết là có lỗi với… Diêm Vương, làm thay đổi tự nhiên. Vậy nên ông cứu ai thì bắt người đó phải đi giết một người khác để… cân bằng vạn vật. Ngoại hiệu của Bình Nhất Chỉ là “sát nhân danh y”!

Từng cái tên một đôi khi đã là cả một câu chuyện riêng thú vị, trong cái thế giới võ hiệp kỳ tình đặc sắc của Kim Dung, lại được tác giả sắp xếp hợp lý, rành mạch. Dân “ghiền Kim Dung” có thể nhớ rõ hàng trăm nhân vật trong thế giới võ hiệp kỳ tình của ông là vì vậy.

Xem thêm: Lý Á Bằng lao đao vì nợ nần, thừa nhận giai đoạn đen tối cuộc đời

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những cái tên thú vị trong truyện Kim Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO