Bài 1: Những cái tên thú vị trong truyện Kim Dung

Kinh Thi| 06/05/2023 09:00

Tác phẩm của Kim Dung khó lòng lôi cuốn độc giả nếu như nó chỉ bao gồm triết lý với mớ kiến thức “bách khoa tổng hợp” xen lẫn với chuỗi “đánh đấm” bất tận trong thế giới võ lâm. Bởi xen cạnh đó còn có nhiều điều thú vị, như việc đặt tên nhân vật chẳng hạn

Đâu là chi tiết căn bản, cần nhớ nhất sau khi bạn khép lại một cuốn tiểu thuyết vừa đọc? Vâng, trong tuyệt đại đa số trường hợp, đấy hẳn nhiên là tên nhân vật. Có nhân vật chính, nhân vật phụ, có phụ chính hoặc chính phụ, nhưng quả khó hình dung một bộ tiểu thuyết mà trong đó lại không tồn tại nhân vật nào.

Dân “ghiền Kim Dung”, tùy sở thích riêng, trước tiên sẽ phải nhớ đến những Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Quách Tĩnh, Hoàng Dung... Nhưng, cái thế giới tuyệt vời bao la của “truyện chưởng Kim Dung” không thể chỉ giới hạn bởi diễn tiến xoay quanh các nhân vật chính. Người viết từng nghiền ngẫm: nên bắt đầu từ đâu nếu phải bàn về truyện Kim Dung một cách tường tận?

Vâng, người ta thường nói các tác phẩm Kim Dung có tính triết lý sâu sắc, cung cấp kiến thức đồ sộ về đủ mọi lĩnh vực trên đời. Có y, có đạo, có cả ẩm thực, lịch sử, địa lý, chứ không chỉ có võ thuật vốn là lĩnh vực chủ đạo trong cái thế giới võ hiệp kỳ tình ấy.

Nhưng có một điều chắc chắn: các tác phẩm của Kim Dung khó lòng lôi cuốn cơ man độc giả nếu như nó chỉ bao gồm triết lý với mớ kiến thức “bách khoa tổng hợp” xen lẫn với chuỗi “đánh đấm” bất tận trong thế giới võ lâm. Mấu chốt làm nên thành công cho các bộ “truyện chưởng Kim Dung” là tính giải trí rất cao.

kimdung3.jpg
Cố nhà văn Kim Dung

Trong nhiều trường hợp, người ta cứ phải đọc đi đọc lại những bộ tiêu biểu của Kim Dung. Đọc lần sau thích hơn lần trước, và đọc càng nhiều lần thì càng “tình cờ” phát hiện thêm các chi tiết thú vị, đặc sắc. Trong khía cạnh này, cách đặt tên nhân vật hết sức độc đáo của Kim Dung chính là điều đầu tiên rất đáng bàn.

(Do bài này chủ yếu nói về tên nhân vật trong các tác phẩm Kim Dung, xin được thống nhất hóa bằng cách dùng những cái tên xuất hiện trong các bản dịch đầu tiên khi chúng xuất hiện ở Việt Nam những năm trước 1975. Ví dụ: Triệu Minh, Dương Qua, Kiều Phong, Hân Thiên Chính… là tên trong những bản dịch cũ, đã được thay đổi trong những bản dịch mới gần đây. Kể cả tên truyện hoặc tên các môn võ công, cũng xin được dùng tên cũ, trong những bản dịch đầu tiên. “Cô Gái Đồ Long” hoặc “Giáng Long Thập Bát Chưởng”, chẳng hạn).

kimdung4.jpg

Truyện Cô Gái Đồ Long có đoạn lục đại môn phái tấn công Quang Minh Đỉnh hòng tru diệt Minh Giáo. Trương Vô Kỵ khi ấy đang là “tù binh” của phái Nga Mi nên cũng đi theo. Chàng bị ai đó sau lưng chụp bao bố bắt lén. Trong bao bố, Vô Kỵ hỏi đối phương là ai. Đối phương trả lời: Thuyết Bất Đắc! Và… cả một sự trào phúng lập tức sụp đổ (đây là một đoạn trong những bản dịch mới)!

Cũng đoạn này, trong bản dịch xưa của Tiền Phong Từ Khách Phụng, thì đối phương đáp trả sau khi Vô Kỵ hỏi tên: “nói không được”. Lại hỏi tại sao nói không được. Đáp: nói không được là nói không được, chứ sao? Về sau, Vô Kỵ (và độc giả) mới vỡ lẽ: hóa ra nhân vật ấy tên là Nói Không Được!

lylienkiet.jpeg
Trương Vô Kỵ do Lý Liên Kiệt thủ vai

Khi thể hiện cuộc đối đáp thì dùng chữ viết thường “nói không được” là hợp lý. Từ đó dẫn đến bất ngờ thú vị ở diễn tiến tiếp theo, rằng tên của nhận vật ấy là Nói Không Được – thế mới là cách dịch thú vị. Nhưng, xin trở lại chuyện chính: hòa thượng Nói Không Được là một trong ngũ tản nhân của Minh Giáo, võ công không tồi, tính tình kỳ lạ. Nhân vật ấy tên Nói Không Được nhưng thường nói “toạc móng heo” những điều mà người khác ngại không nói ra.

Tên, hoặc ngoại hiệu, của nhân vật và sự thật về họ, trong nhiều trường hợp, là hoàn toàn trái ngược với nhau. Nhạc Bất Quần (“bất quần” nghĩa là không tụ tập, “bầy đàn”) thật ra lại thích giao thiệp rộng rãi, quen biết nhiều. Lão này có ngoại hiệu “Quân Tử Kiếm”, nhưng lại là kẻ đệ nhất đạo đức giả, “ngụy quân tử” trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Nhậm Doanh Doanh từng nói thẳng vào mặt lão khi kề cận cái chết: “Tiểu nữ tuy còn nhỏ tuổi, kiến thức nông cạn, nhưng cũng biết các hạ nói ra mà lại thủ tín thì đâu phải là Quân Tử Kiếm”! “Kim Đao Vô Địch” Vương Nguyên Bá hóa ra lại là một tay võ công hạng bét, thấp kém đến nỗi khi thấy Lục Trúc Ông sử dụng võ công thì lại ngỡ rằng đấy là pháp thuật. Định Dật sư thái thì tính nóng như lửa. Định Tĩnh sư thái lại không hề bình tĩnh chút nào…

nhacbatquan.jpg
Nhân vật Nhạc Bất Quần trong phim

Truyện của Kim Dung luôn có rất nhiều nhân vật. Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiên Long Bất Bộ đều có trên 150 nhân vật. Hấp dẫn ở chỗ: hầu như không có nhân vật nào là thừa thãi, cũng chẳng ai giống ai.

Vì sao rất nhiều người “ghiền Kim Dung” nhớ không sót nhân vật nào trong hàng trăm nhân vật (chỉ tính sơ vài bộ hay thì đã lên đến cả ngàn nhân vật rồi)? Đấy là vì, xin nhắc lại: Kim Dung đặt tên nhân vật một cách tuyệt vời. Luôn có một lý do nào đấy để người ta nhớ đến từng nhân vật cụ thể, dù chỉ là vai phụ, thậm chí là phụ của phụ. Trong nhiều trường hợp, đấy là những cái tên hài hước, bất ngờ, độc đáo...

Còn nữa...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những cái tên thú vị trong truyện Kim Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO