Ngày đại tang
Cả 5 người cùng đi trên một chuyến xe hành hương núi Cấm. Trên đường hạ sơn, ngang qua một khúc quanh bỗng dưng nhiều tảng đá to từ trên đỉnh núi lăn xuống đè bẹp chiếc xe.
Hai người được cứu sống, 6 người trong đó có tài xế là người địa phương tử vong tại chỗ. Trong 5 người chết, ấp Hòa A có đến 3 người. Một người ở ấp Long Trị và người còn lại ở ấp Mỹ Long...
Bà con cho biết xã Bàn Long là quê hương của vú sữa Lò Rèn, một thương hiệu trái cây nổi tiếng. Người dân ở đây làm việc cật lực, không một ngày ngơi nghỉ. Bởi thế, một người trong số họ là anh Trần Văn Lèo đã bỏ ra một số tiền thuê xe hợp đồng cùng một người khác bao ăn uống tổ chức chuyến đi nhằm giúp những người thân thuộc có được phút thư giãn, quên đi những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh.
Thế nhưng, điều không may đã đến với họ…
Gần trưa ngày 7/5, chúng tôi đến viếng anh Võ Văn Nhẹ (31 tuổi) vừa kịp lúc những người phục vụ mai táng kê đòn lên vai đưa anh về nơi an nghỉ. Anh được an táng ngay trong đất vườn của cha mẹ.
Rất đông bà con có mặt đưa tiễn anh. Chiếc quan tài vừa hạ huyệt. Trước ngôi mộ chưa lấp, vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc lịm đi trong nỗi đau cùng cực. Đứa con trai lớn mới 8 tuổi ôm di ảnh cha ngơ ngác nhìn mọi người.
Ở cái tuổi còn quá nhỏ này, cháu bé chưa thấu hiểu nỗi đau mất cha. Ở một góc khuất, một bé gái 4 tuổi đang nô đùa và một bé được một phụ nữ bế trên tay, nở nụ cười lộ ra hai chiếc răng mới mọc. Cả 3 bé đều có vành tang trắng trên đầu, chúng là con anh Nhẹ.
Theo nhiều người dân nơi đây, anh Nhẹ có hoàn cảnh thương tâm hơn hết. Nhà rất nghèo. Cả hai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định. Hàng ngày anh làm đủ thứ công việc, miễn là có người thuê mướn và kiếm ra tiền.
Chị ở nhà trông bầy con dại. Huê lợi trông vào một công đất với những cây vú sữa già nua cằn cỗi không còn sinh lực cho trái.
Ngôi nhà anh bé nhỏ, tuềnh toàng không một vật dụng nào đáng giá. Mái lợp lá đã cũ. Từ dưới nhìn lên vài chỗ có ánh sáng chui vào. Nhà trống trước, hở sau.
Một chiếc giường ọp ẹp, xiêu vẹo. Chiếc võng mắc ở một góc nhà, nơi chị Trúc đong đưa dỗ giấc ngủ cho con cũng đã sờn rách. Anh Nhẹ mất đi, căn nhà không có chỗ để bàn thờ nên phải để nhờ nhà mẹ. Chúng tôi thầm nghĩ, một căn nhà như thế này mà cả 5 người sinh sống thì quả là bản năng sinh tồn rất lớn.
Chị Trúc đưa chúng tôi ra bên chái nhà. Một đàn gà mới lớn đang nhảy nhót tìm mồi. Chị Trúc nói trong tiếng nấc: “Ảnh nuôi bầy gà này để dành vài tháng nữa làm thôi nôi cho bé út. Thế mà chưa kịp mừng tuổi con cha đã ra đi. Bây giờ mấy bốn mẹ con không biết làm gì để sinh sống ?”.
“Phải khổ ! Sướng một chút là trời bắt chết”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị dở dang bởi tiếng trống liên hồi từ nhà anh Võ Hoài Phương vọng lại. Sắp đến giờ động quan.
Lúc này tại nhà anh Phương, mọi thủ tục đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Quan tài anh được khiêng ra phía sau vườn cách nhà vài chục mét, nơi huyện đã đào sẵn.
Nhìn lại những người tiễn đưa anh. Không ai xa lạ, cũng chừng con người ấy mà chúng tôi đã gặp nơi đám tang anh Nhẹ. “Đám thứ 4 rồi đấy. Xong đám này rồi còn đám thằng Lèo vài giờ nữa mới chôn” – một phụ nữ ngoài 40 tuổi nói.
Rồi chị kể tiếp: “Sáng nay, tôi qua Mỹ Long để đưa ông Ngà rồi đến Long Trị tiễn thằng Linh. Ông Ngà đã 60 tuổi rồi. Con cháu đứa ngất đứa xỉu. Tội lắm. Nhưng tội nhất là đám tang thằng Linh. Con vợ nó chết đi sống lại nhiều lần. Vợ chồng nó còn trẻ, cùng làm việc ở ngân hàng Á Châu ở TP.HCM, mới cưới nhau được 5 ngày. Đang nghỉ phép cưới, được lời mời, thằng Linh đi cùng với anh em thì gặp nạn. Có nỗi đau nào bằng vừa mới cưới chưa trọn niềm vui giờ phải tiễn chồng ra đi vĩnh viễn. Nhìn vợ nó ai cũng thắt ruột, quặn lòng...”.
Quan tài của anh Phương vừa hạ huyệt. Đứa con gái duy nhất lững thững ôm di ảnh cha vào nhà. Đi theo sau người vợ thất thần không lê nổi đôi chân được nhiều người dìu bước tới.
Đi bên cạnh chúng tôi, nhà giáo Trần Trọng Hưng, hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Kim (có họ hàng với anh Phương) chia sẻ: “Nói đến Bàn Long thi ít người biết nhưng nhắc đến Vĩnh Kim, Lò Rèn, Sầm Giang, Rạch Gầm là những địa danh lẫy lừng cả nước. Lẫy lừng về kinh tế nhờ cây vú sữa vốn là thương hiệu có sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.
Lẫy lừng về lịch sử bởi những trận đánh đi vào sử sách. Thế nhưng đa số người dân ở đây nghèo lắm. Phương mồ côi cha từ nhỏ. Có vợ và một đứa con gái năm nay học lớp 11. Đất vườn của Phương chỉ vỏn vẹn đủ dựng lên một ngôi nhà.
Hàng ngày, Phương đi làm công bữa đói bữa no. Vợ Phương làm công nhân đan lát thu nhập mỗi tháng chỉ từ 500 đến 800.000đ. Khó khăn lắm, chật vật lắm mới đủ nuôi con ăn học...”.
Tiễn đưa những người xấu số, ai cũng bùi ngùi, xót xa. Trong một ngày, 5 người không cùng sinh nhưng đã cùng đi vào lòng đất lạnh chỉ khác nhau vài giờ.
Người dân nông thôn ở xã Bàn Long vẫn còn quá khổ. Sau những năm tháng miệt mài lao động, đến lúc được hưởng những ngày vui chơi ngắn ngủi thì bị tảng đá oan nghiêt cướp đi mạng sống.
Trên đường về, còn văng vẳng bên tai chúng tôi câu nói của một cụ già: “Phải khổ. Sướng một chút là trời bắt chết...”.
Xem thêm: Bài 1: Chuyến xe định mệnh bị đá đè dưới chân núi Cấm
Xem thêm: Bài 3: Sau thảm họa núi Cấm: Oằn vai góa phụ
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 08/05/2012
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-tang-que-ngheo-sau-vu-lo-nui-cam-71327.html