Bài 1: Chuyến xe định mệnh bị đá đè dưới chân núi Cấm

Trần Chánh Nghĩa| 07/10/2022 08:15

Đường lên núi Cấm (xã An Hảo, H. Tịnh Biên, An Giang) phẳng phiu và thơ mộng. Đến khu vực gần Vồ Cứu Nạn, một quang cảnh hãi hùng hiện ra trước mắt chúng tôi. 3 tảng đá lớn chắn ngang đường và chung quanh hàng chục người đang tất bật tìm kiếm thi thể những người đã chết và những nạn nhân còn sống sót trong tai nạn đá rơi đè trúng một xe du lịch vào sáng ngày 5/5.

Trừ tài xế, các nạn nhân cùng dòng tộc

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận chiếc xe du lịch bị vỡ toang. Khối đá rơi trúng chiếc xe theo đà lăn xuống vách núi bên dưới. Chiếc xe du lịch biển số 67M 1065 thuộc Công ty cổ phần (CP) phát triển du lịch An Giang tan tành bên cạnh 3 tảng đá khổng lồ. Cả 4 khối đá đều có thể tích khá lớn và trọng lượng ước tính hàng trăm tấn.

nuicam-1.jpg
nuicam-2.jpg
Chiếc xe vỡ nát bên cạnh tảng đá.

Chung quanh hiện trường nhiều mảnh vỡ văng tung tóe khắp nơi. Xác một xe gắn máy của một người dân đi làm rẫy dựng gần đó bị đá đè cũng đã được tìm thấy.

Lần lượt thi thể 5 nạn nhân trong đó có tài xế chết tại chỗ đã được phát hiện. Tất cả đều trong tình trạng dập nát, có người không còn nguyên vẹn. Từng thi thể được đưa ra ngoài và gói chặt trong những bọc nylon để sau đó giao lại cho thân nhân chuyển về gia đình.

Trong lúc mọi người đang tất bật với công việc, nguồn tin từ bệnh viện đa khoa Châu Đốc cho biết một trong 3 người bị thương chuyển viện đã chết nâng con số tử vong lên 6 người.

Bà Trần Thị Thu (59 tuổi ngụ Tiền Giang) nói trong tiếng nấc nghẹn: “Những người bị nạn trong chuyến xe định mệnh này đều trong một dòng tộc. Chiều hôm trước cả nhóm gồm 10 người rời Tiền Giang để đi hành hương núi Sam viếng bà chúa Xứ. Sáng 5/5, 7 người trong nhóm thuê xe của Công ty CP phát triển du lịch An Giang để lên núi viếng chùa Phật Lớn và đã gặp nạn".

nuicam-3.jpg
Chuyển các thi thể nạn nhân đã được gói kỹ cho thân nhân.

Gương mặt bà Thu chùng xuống. Bà cho biết do bận chút việc cá nhân nên tôi và 2 con chưa kịp lên núi thì đã hay tin cả nhóm bị thương vong. Những giọt nước mắt lăn trên má, bà nấc nghẹn : “Trong số những người chết có thằng rể tôi. Không biết trong những ngày sắp tới, con gái và cháu ngoại tôi sống ra sao đây”.

Dường như những người có mặt tham gia công tác khắc phục hậu quả, ai cũng ngậm ngùi. Họ làm việc trong yên lặng. Mỗi động tác, mỗi lời nói, cử chỉ đều tỏ ra nhẹ nhàng, cẩn thận với mong muốn làm giảm đi nỗi đau đối với những người thân còn sống.

Nhiệt độ ngoài trời lên cao nhưng tiến độ làm việc của những người tham gia cứu hộ vẫn không chậm lại. Những thi thể lần lượt được gói kín để thành hàng trên mặt đất.

Tai họa do thiên tai?

Núi Cấm (còn gọi là núi ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn) là ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn núi của Thất Sơn. Nằm cách tỉnh lỵ Long Xuyên khoảng 90 km, núi Cấm có độ cao 705m. Đây là một trong những thắng cảnh đẹp đã được đưa vào khai thác. Công ty CP phát triển du lịch An Giang đã làm một con đường lên núi, trải bê tông nhựa quanh co theo triền núi…

nuicam-4.jpg
Công tác khắc phục hậu quả vẫn đang diễn ra khẩn trương.

Về hiện tượng sạt lở đất đá, theo bà con địa phương cho biết rất thường xuyên xảy ra nhưng lần này được ghi nhận thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay.

Theo nhiều người dân, khi chưa rơi xuống, bên dưới những tảng đá có mạch nước chảy qua tạo thành ngọn suối nhỏ róc rách. Bà con đi viếng chùa thường ghé lại vốc từng ngụm để uống hay rửa mặt. Rất có thể, do mạch nước chảy lâu ngày khiến chân đá yếu, đứng không vững gây ra sự cố trên.

Cũng có một nhận định khác cho rằng trong quá trình phá đá bằng mìn để làm đường đã làm gãy ngọn nhiều tảng đá. Sau đó xe cộ di chuyển nhiều tạo độ rung khiến những tảng đá này dịch chuyển ra ngoài cho đến lúc không còn chỗ tựa rơi xuống.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định tai nạn xảy ra nguyên nhân do thiên tai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, điều đáng nói là thảm họa xảy ra trong khu vực mình quản lý, công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang cũng phải có trách nhiệm trong sự cố này.

Được biết, để phát triển du lịch, công ty CP phát triển du lịch An Giang, đơn vị quản lý khu vực núi Cấm đã xây dựng nhiều mô hình phục vụ du lịch. Ngoài ra công ty còn tổ chức một đội xe lữ hành gồm 44 chiếc loại 7 chỗ để đưa khách lên núi. Vì thế khách hành hương khi đến núi Cấm đều phải dừng xe dưới chân núi và sau đó phải thuê xe của công ty để lên núi.

nuicam-5.jpg
Tảng đá gây tai họa hiện vẫn nằm ngáng giữa đường.

Hiện giao thông lên núi phải tạm dừng vì chưa thể dịch chuyển những tảng đá lớn chắn ngang đường. Rất đông du khách còn kẹt lại bên trên phải đi bộ vượt qua khu vực tai nạn đề xuống núi. Công tác khắc phục tái lập giao thông đang được khẩn trương thực hiện.

UBND huyện Tịnh Biên và Công ty CP phát triển du lịch An Giang đã hỗ trợ cho mỗi người tử vong 14 triệu và bị thương 7 triệu đồng. Đến chiều ngày 5/5 thi thể các nạn nhân xấu số đã được chuyển về địa phương an táng.

Riêng 2 người bị thương cũng được chuyển về bệnh viện đa khoa Tiền Giang tiếp tục điều trị theo nguyện vọng.

Xem thêm: Bài 2: Đại tang quê nghèo sau vụ lở núi Cấm

Xem thêm: Bài 3: Sau thảm họa núi Cấm: Oằn vai góa phụ

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 06/05/2012
https://vietnamnet.vn/chuyen-xe-dinh-menh-bi-da-de-duoi-chan-nui-cam-71049.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chuyến xe định mệnh bị đá đè dưới chân núi Cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO