Bác đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?

10/09/2023 12:26

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, từ chối đề xuất trợ giá 1.000 USD khi mua ô tô điện. Hiện nay, lập luận này đang gây nhiều ý kiến trái chiều. 

Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã hai lần gửi “Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh” tới Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện không phù hợp. Theo cơ quan quản lý này, dù một số quốc gia khác có hỗ trợ tiền mặt cho người tiêu thụ xe điện nhưng chính sách trên không phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Bác đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì? ảnh 1
Đề xuất trợ giá 1.000 USD cho mỗi khách hàng mua ô tô điện mới bị bác.

Cụ thể, theo Bộ Tài Chính, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên cho người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, người mua ô tô nói chung là người có thu nhập cao, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Việc hỗ trợ tiền cho người mua ô tô điện sẽ tạo áp lực lên chi tiêu ngân sách.

Sau khi Bộ Tài chính có câu trả lời chính thức, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Trợ giá cho người mua ô tô điện là điều tất yếu

Về mức hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Theo quan điểm của tôi, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ mạnh để kích thích người mua. Khi doanh số bán xe không đạt như mong muốn thì việc áp dụng trợ giá 1.000 USD có thể khó phù hợp với tình hình thu ngân sách trong bối cảnh hiện nay. Nhưng đây vẫn là mục tiêu dài hạn Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu kỹ hơn để có những biện pháp thúc đẩy sử dụng ô tô năng lượng sạch tại Việt Nam".

Phân tích về luận điểm các khoản trợ cấp chỉ nên dành cho người nghèo, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng điều này là chưa phù hợp.

Lý do là bởi việc khí thải gia tăng do sử dụng các loại phương tiện sẽ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của tất cả người dân. Do đó, trong mỗi chúng ta đều có nghĩa vụ bình đẳng để bảo vệ môi trường.

Dưới áp lực về cắt giảm ô tô sử dụng nhiên liệu phát thải khi Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 trong hội nghị COP 26, xe điện đang là một trong những giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, đây là sản phẩm công nghệ hiện đại nên đang có giá trị cao hơn so với ô tô truyền thống, mặc dù các hãng xe đã có những nỗ lực nhằm giảm chi phí sở hữu cho người tiêu dùng.

Và nếu chưa thể có giá phải chăng hơn, khách hàng mua ô tô vẫn sẽ sử dụng xe xăng để tiết kiệm chi phí. Do đó, những người có nhu cầu sở hữu ô tô trong thời gian tới là bộ phận có thể góp phần lớn trong việc giảm phát thải từ phương tiện nếu họ mua ô tô điện khí hóa. Nhóm người này nên nhận những chính sách khuyến khích phù hợp.

Anh T.L, một tài xế ô tô dịch vụ, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Hiện nay, tôi có mong muốn chuyển đổi sang xe điện để giảm bớt áp lực chi phí nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một mẫu xe đủ các tính năng, chất lượng hành nghề tài xế ở thị trường hiện nay khoảng 500 triệu đồng, vẫn cao hơn so với xe xăng. Do đó, nếu không có thêm nhiều các chính sách hỗ trợ từ hãng xe, nhà nước trong thời gian tới, tôi chỉ có thể sử dụng chiếc xe hạng A đã mua từ lâu".

Trên thực tế, khi các quốc gia kích thích người dân sử dụng xe điện, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Nhà nước có vai trò hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu, và khuyến khích cho người tiêu dùng.

Tại Thái Lan hiện nay, những người mua xe ô tô điện sẽ được giảm giá từ 70.000 bath (hơn 2.000 USD) đến 150.000 (hơn 4.300 USD) bath, tùy thuộc vào kích cỡ pin. Còn những người mua xe máy điện sẽ được hỗ trợ một khoản tiền lên tới 18.000 bath (hơn 500 USD).

Các chính sách này giúp Thái Lan trở thành thị trường xe điện lớn nhất khu vực ASEAN với 61.594 xe điện bán ra cho đến nay.

Trợ giá nhưng phải giải bài toán để chính sách phát huy hiệu quả

Về chính sách hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận, việc hỗ trợ cho người mua ô tô điện là điều tất yếu. Tuy nhiên, vị PGS cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để giải bài toán làm thế nào để các chính sách phát huy hiệu quả.

"Cho đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa có những dự báo khách quan về hiệu quả thực tiễn nếu áp dụng chính sách trợ giá 1.000 USD khi mua ô tô điện. Và những yếu tố nào cấu thành nên con số 1.000 USD. Chỉ khi các vấn đề được nhìn nhận thông suốt, chúng ta mới nhận định được mức trợ giá 1.000 USD có phù hợp hay không", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc bình luận.

Bác đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì? ảnh 2
Cần làm rõ hiệu quả khi trợ giá mua xe điện.

Cả PGS.TS Đàm Hoàng Phúc và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng đều nhận định, nếu giải được bài toán và có mức hỗ trợ phù hợp, hấp dẫn người tiêu dùng, việc gia tăng ô tô điện có thể tạo thêm một số nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước. Điển hình, khi lượng xe điện bán ra tốt, người dân cũng sẽ đóng góp nhiều hơn trong các khoản thuế, đăng ký xe mới.

Bác đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì? ảnh 3
Xe điện được nhận định là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Cùng với đó, nhu cầu thị trường mở rộng dẫn tới việc kích thích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Việt Nam, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, việc cắt giảm khí thải sẽ giúp Việt Nam suôn sẻ trong quá trình gia nhập thị trường tín chỉ carbon trên thế giới. Tuy đây là một thị trường còn mới mẻ nhưng hiệu quả kinh doanh đã được ghi nhận tích cực.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO