Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết rạng sáng 26/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 7-8.
Tại trạm đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), cơ quan khí tượng đã quan trắc được gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 7. Vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có gió giật mạnh cấp 6.
Trong sáng nay (26/9), áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15km/h và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực nam Lào.
Ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ngày 26-27/9, thời tiết Trung Trung Bộ tiếp diễn tình trạng mưa lớn với lượng phổ biến 50-150mm. Riêng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có nơi mưa trên 150mm/đợt.
Đồng thời, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể ghi nhận lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 120mm trong hai ngày tới.
Đáng lưu ý, trọng tâm mưa dịch chuyển lên khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Chỉ trong vòng các ngày 26-28/9, tổng lượng mưa tại đây có thể lên đến 200-400mm, một số nơi ở Hà Tĩnh và Nghệ An có thể mưa trên 450mm/đợt.
Mưa lớn sẽ tập trung liên tục từ 1h sáng 26/9 đến 1h sáng 28/9, sau đó giảm dần.
Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mưa dông cũng được dự báo xuất hiện trong hai ngày (26-27/9). Tổng lượng mưa tương đối lớn, dao động 50-150mm, có nơi trên 200mm/đợt.
Trước diễn biến mưa lớn dồn dập, cơ quan khí tượng cho biết mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc nhiều địa phương Trung Bộ và bắc Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 95%) hoặc bão hòa.
Sáng nay, người dân các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện miền núi. Đồng thời, lượng mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn có thể gây ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Trên biển, vùng biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) và Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-3m, biển động.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-4m, biển động.
Đồng thời, vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6.