Ám ảnh chuyện sinh tử sau những vụ sạt lở ở Đà Lạt

17/08/2023 09:33

Hơn một tháng sau vụ sạt lở khiến 2 người chết, nhiều người bị thương ở Đà Lạt, cảnh tượng những căn nhà đổ sập, ngổn ngang đất đá vẫn còn đó. Người dân ngày đêm nơm nớp lo lắng, ám ảnh chuyện sinh tử trong chính mái ấm của mình.

"Nhà ấy sập một phần sau mấy ngày mưa to. Chị chủ nhà bị chấn thương vùng đầu, phải nhập viện cấp cứu đó chú. Chị ấy vẫn thường về căn nhà sập, thương lắm", bà Trần Thị Tâm (65 tuổi) vừa nói, vừa chỉ tay về hướng con hẻm cụt của đường An Binh, phường 3, TP Đà Lạt. Con hẻm này dài khoảng 500m, cuối hẻm là căn nhà siêu vẹo của bà Đinh Thị Tỵ (63 tuổi).

Trong căn nhà tối om đã hư hỏng một phần, chỗ còn lại xiêu vẹo, bà Tỵ nén cơn đau từ vết thương ở chân cố nhặt nhạnh những thứ chưa bị vùi lấp sau vụ sạt lở. Đó là cái chăn, ít chén bát và một bình nước giữ nhiệt. Bà than, do đau chân nên không dỡ được cánh cửa lớn đã đổ sập, nghiêng ngả, chắn gần hết lối đi trong nhà.

Bà Tỵ trở về căn nhà của mình sau biến cố sạt lở.

Những vật dụng mang về sẽ được bà cất giữ tại một nhà trọ, cách ngôi nhà hư hỏng khoảng 2 km. Phương án thuê nhà trọ là tình thế bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bà Tỵ trong bối cảnh sạt lở còn diễn biến khó lường.

Dù đã thuê trọ, bà Tỵ vẫn thường xuyên trở về nơi cư ngụ của mình để thu gom đồ đạc, vật dụng. Thậm chí, đây cũng là nơi ngủ nghỉ thường xuyên của bà và người cháu họ. Cả hai quây quần sinh hoạt trong ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà hư hỏng này trước kia được xây đơn giản, mái lợp tôn, là tài sản lớn nhất của bà Tỵ, cũng là tổ ấm của bà sau những ngày quần quật đi làm thuê. Người phụ nữ này không chồng, không con, thỉnh thoảng có một vài người cháu họ đến sống cùng.

"Đêm 28/6, trời mưa rất lớn, nằm trong nhà, tôi nghe tiếng gió, tiếng mái tôn mà giật điếng người. Gần rạng sáng ngày hôm sau, trời tạnh, tôi nghe tiếng động ầm vang rồi ngất đi lúc nào không rõ", bà Tỵ kể lại sự việc.

Theo nhiều nhân chứng, họ phát hiện bà Tỵ ngất xỉu trong ngôi nhà hư hỏng nặng vì sạt lở. Đất đá từ bờ taluy cao khoảng 5m đổ sập xuống khiến một phần vách tường nứt toác, đổ nghiêng. Bà được đưa đi cấp cứu với các vết xây xát ở vùng đầu. Sau những ngày điều trị, bà Tỵ trở về mái ấm của mình trong mớ cảm xúc hỗn độn.

Bà Tỵ quê quán Hà Tĩnh, di cư vào Đà Lạt và trở thành người của thành phố này từ năm 1995. Gần 30 năm sống ở vùng đất ngàn hoa, bà nói chưa bao giờ lâm cảnh khốn khó như hiện tại khi bản thân là nạn nhân trực tiếp của vụ sạt lở.

Hiện bà thuê phòng trọ giá 1,8 triệu đồng/tháng và được chủ nhà cho thiếu trong 4 tháng đầu tiên. "Đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ tôi làm gì có đủ tiền để sống trong nhà trọ mãi. Tôi phải trở về căn nhà của mình", bà Tỵ chia sẻ.

Căn nhà của bà Tỵ bị hư hỏng nặng do bờ taluy sạt lở.

Khu nhà bà Tỵ sống là một trong 10 điểm có nguy cơ sạt lở cao của TP Đà Lạt. Tổ ấm của người phụ nữ gốc Hà Tĩnh hiện tại đã là nơi không thể về.

Hơn 1 tháng qua, thành phố này xảy ra 13 vụ sạt lở làm 2 người chết, nhiều người bị thương. Trong đó, vụ sạt lở nguy hiểm nhất xảy ra tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10) vẫn luôn ám ảnh trong tâm thức của người dân địa phương.

Đến nay, bà Đỗ Thị Kim Dung, 63 tuổi, ngụ hẻm 36 Hoàng Hoa Thám vẫn xúc động mạnh khi nhắc đến thời khắc thập tử nhất sinh của bà và người thân. Đêm 28/6, vụ sạt lở nghiêm trọng bờ taluy trong hẻm khiến căn biệt thự trị giá hơn 15 tỷ đồng của gia đình bị đổ nghiêng, hư hỏng nặng.

Bà Dung xúc động kể lại những giây phút thập tử nhất sinh trong vụ sạt lở đêm 28/6. Lúc đó vợ chồng bà và 2 con vẫn ở trong căn nhà. Ít giờ sau, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường, thực hiện cứu nạn. Những người bị kẹt trong căn biệt thự đã thoát chết chỉ trong gang tấc.

Chập tối trong căn nhà thuê cuối hẻm đường Lữ Gia, phường 9 (TP Đà Lạt), các con, cháu của bà Dung quây quần dùng bữa cơm tối. Đây là nơi ở tạm của gia đình bà Dung sau biến cố. Ông Bùi Thế Phiệt (chồng bà Dung) thỉnh thoảng nhắc lại nơi ở cũ với những tiếng thở dài.

Ông Phiệt xúc động khi nhắc đến nghịch cảnh của gia đình.

Hiểu tâm sự của cha, các con ông cũng lặng lẽ, thi thoảng vỗ về cha. Ông Phiệt nói rằng cơ thể vẫn đau nhức vì bị bê tông đè lên người trong vụ sạt lở. Sức khỏe giảm sút khiến ông nhiều lần thở dốc dù chỉ đi ra, đi vào căn nhà thuê mấy chục mét vuông.

Theo chỉ dẫn của một người dân địa phương, P.V VietNamNet tìm đến căn biệt thự của gia đình bà Dung. Hiện trạng nơi này là một khối bê tông khổng lồ đổ nghiêng, phía sau là vách đất đá từ bờ taluy cao hơn chục mét. Nơi đây xảy ra vụ sạt lở đêm 28/6 khiến nhiều căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Hiện trạng biệt thự của gia đình bà Dung sau sạt lở.

Kể từ đó, gia đình bà Dung chưa thể trở về nhà, nhiều tài sản cũng bị vùi lấp. “Người còn là may mắn lắm rồi chú ạ. Bước ra từ cõi chết, tôi nhận thấy cuộc sống quá vô thường. Sắp tới, tôi mong ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ, hoặc có phương án để giúp gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống”, bà Dung tâm sự.

Cách căn biệt thự hư hỏng của gia đình bà Dung vài chục mét là căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Tình (36 tuổi). Nhà anh Tình không bị hư hỏng trong vụ sạt lở đêm 28/6, nhưng vì mái ấm này chỉ cách bờ taluy dựng đứng chỉ vài chục bước chân, anh luôn cảm thấy bất an.

“Tôi ám ảnh vì vụ sạt lở cướp đi 2 sinh mạng. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho những người dân sống quanh đây. Những đêm mưa lớn, tôi hầu như không thể ngủ được vì lo sợ”, anh Tình nói.

Có thời điểm, anh Tình cùng vợ và hai con nhỏ phải tìm nhà trọ thuê để ở tạm. Theo anh, đó là minh chứng cho nỗi ám ảnh tột cùng, cứ đè nặng lên các thành viên trong gia đình anh suốt những ngày qua.

Sự cố sạt lở bờ taluy ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám là một trong nhiều vụ sạt lở bờ taluy ở TP Đà Lạt trong những tháng gần đây. Có thể kể như vụ taluy khu Tự Tạo, Tây Hồ và Tây Hồ 1 (phường 11), taluy trên đường Thi Sách (phường 6), taluy đường Đặng Thái Thân (phường 3) sạt lở gây sập hoặc uy hiếp nhà dân.

Sạt lở bờ taluy là một cụm từ chắc chỉ dành riêng cho TP Đà Lạt, nơi nhà cửa được xây dựng cheo leo trên sườn đồi, triền dốc, với những bờ taluy dựng đứng. Mưa lớn và một số nguyên nhân khác, các bờ taluy thường xuyên bị sạt lở, gây hư hại nhiều nhà cửa của người dân ở phía dưới hoặc lân cận bờ.

Chỉ tính riêng địa bàn phường 10 (nơi xảy ra vụ sạt lở bờ taluy hẻm 36 Hoàng Hoa Thám rạng sáng 29/6 vùi lấp nhiều nhà cửa, khiến 2 người chết và 5 người bị thương), đã có đến 11 điểm sạt lở và 9 khu vực có nguy cơ. Xét ở góc độ toàn tỉnh Lâm Đồng thì TP Đà Lạt là địa phương có nguy cơ sạt lở cao nhất với 60 điểm, trong tổng số 163 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở trong toàn tỉnh.

Ngoài TP Đà Lạt, sạt lở với tần suất liên tiếp cũng diễn ra ở huyện Đạ Huoai với 22 vị trí sạt lở đất, bờ sông. Tại địa phương này, hôm 30/7, khối lượng đất đá trên đồi trồng sầu riêng sạt xuống, vùi lấp chốt đèo Bảo Lộc khiến 3 CSGT hy sinh, một người dân, nhà cửa cùng ô tô, xe máy bị vùi dưới đống đổ nát.

Dẫn phóng viên ra khu vực vừa sạt lở cách đây ít lâu, ông Bùi Duy Xoa (71 tuổi), ngụ hẻm số 2 đường Đặng Thái Thân (phường 3) liên tục thể hiện sự bất an khi khu nhà ông sinh sống ngày càng bị uy hiếp. Nhìn những ngọn đồi, bờ taluy sát khu dân cư nham nhở đất đá, người đàn ông tuổi xế chiều chỉ biết lặng lẽ thở dài.

Nhà ông Xoa và hàng chục hộ dân địa phương nằm gần với dự án khu nhà ở Thung lũng hoa Đà Lạt, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Sài Gòn làm chủ đầu tư, diện tích hơn 1,5ha. Công trình này được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 1/2012 và đang trong giai đoạn triển khai dự án. Hàng ngày, lượng xe cơ giới di chuyển vào dự án khá đông đúc. Việc đào đất, làm đường nội bộ, xây kè, đào taluy… khiến nơi này trở thành 'điểm nóng' được ngành chức năng TP Đà Lạt liệt kê vào diện có nguy cơ sạt lở cao của thành phố.

Ông Xoa trầm ngâm kể lại thời điểm chưa có dự án, lúc đó khu nhà ông ở là vùng đèo núi yên bình, nơi có cảnh quan tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi ông Xoa cảm nhận được cái hồn trữ tình nhất của xứ sở Đà Lạt hiền hòa, thơ mộng.

Rồi sự đổi thay kéo đến như một sự tất yếu. Rừng bị mất đi, đất đèo bị đào bới để xây đường, đắp bờ. Nhiều người dân địa phương cho biết, họ chưa cảm nhận được giá trị thiết thực từ dự án khu nhà ở Thung lũng hoa Đà Lạt mang lại, nhưng sự phiền lòng, nuối tiếc thì đã hiển hiện.

Hiện trạng địa chất khu vực gần nhà ông Bùi Duy Xoa, tại hẻm số 2 đường Đặng Thái Thân, phường 3 (TP Đà Lạt). 

Với 163 điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở, Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương có nguy cơ sạt lở cao đứng đầu trong cả nước.

Theo lời ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong 7 tháng đầu năm, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương thường xảy ra mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy khiến 9 người tử vong, 235 căn nhà hư hỏng, 283 ha cây trồng, 210m đường giao thông bị hư hại, thiệt hại ước tính hơn 23 tỷ đồng.

Lâm Đồng nói chung, TP Đà Lạt nói riêng có địa hình đồi núi, độ cao trung bình 200-1.500 m so với mực nước biển với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa… có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%). Mùa mưa ở địa phương diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình ghi nhận là 1.750-3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Đà Lạt, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, TP Đà Lạt có nhiều khu vực nền đất bazan khá yếu, độ dốc lớn, mật độ xây dựng dày đặc, nhất ở các triền đồi trong khi taluy xây dựng chưa đúng chuẩn. Mưa lớn kéo dài, nước dồn nhanh tạo thành dòng lũ chảy mạnh, dễ gây sạt lở. Tình trạng này diễn biến phức tạp khi tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng.

Tây Nguyên nói chung, bình quân mỗi năm mất đi từ 5.000 đến 7.000 ha rừng và ngày càng thu hẹp diện tích. GS.TS Bảo Huy, Tư vấn độc lập, Tư vấn về Quản lý tài nguyên và môi trường rừng (FREM) lý giải, nguyên nhân sạt lở, mưa ngập thời gian qua ở Lâm Đồng một phần do sự tác động của con người khi rừng tự nhiên bị suy giảm, kéo theo thảm phủ rừng tự nhiên bị mất, làm giảm chức năng sinh thái phòng hộ môi trường, dẫn tới hệ lụy như hiện nay là mưa lớn dễ gây ra tình trạng sạt trượt.

Việc cần làm của TP Đà Lạt - theo các chuyên gia là đánh giá đúng thực trạng để tìm hướng xử lý từng khu vực sạt lở cụ thể, sau đó sẽ tìm ra quy luật chung để cách giải quyết căn cơ sự cố. Địa phương cần rà soát lại quy hoạch, không xây dựng những công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tăng cường bảo vệ rừng, không làm thay đổi dòng chảy của hệ thống sông, suối tự nhiên. Đẩy mạnh phòng tránh sạt lở, chứ không phải chờ khi có sự cố mới tiến hành khắc phục...

Trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, TP Đà Lạt phải sớm khai thác có hiệu quả 2 cống thoát lũ hiện có. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cần phải xử lý các vấn đề dự phòng tốt hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị địa phương tổ chức hội thảo, tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, xây dựng để được tham vấn quy hoạch, xây dựng theo hướng ứng phó với tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp. Từ đó có thêm giải pháp để xử lý, dự phòng những tình huống cực đoan của biến đổi khí hậu.

Về phía tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã mời chuyên gia Nhật Bản khảo sát thực tế để có giải pháp xử lý, phòng tránh sạt lở. Ngoài ra, lên phương án thiết lập bản đồ cảnh báo khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, TP Đà Lạt được chọn là nơi thực hiện trước việc lắp các thiết bị theo dõi, cảnh báo sát lở. Tỉnh cũng chỉ đạo không được tác động, hoặc xây dựng những công trình có nguy cơ gây sạt lở, hoặc chỉ cho phép xây dựng ở mức độ, quy mô hợp lý, đảm bảo an toàn.

Riêng TP Đà Lạt có tờ trình kiến nghị triển khai 10 dự án náo vét, sửa chữa các hồ, suối và xây kè chống sạt lở với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Chính quyền TP Đà Lạt đã đình chỉ và dừng cấp phép xây dựng nhiều công trình đã cấp phép có độ dốc lớn, độ chênh taluy âm/dương lớn; công trình xây dựng có nguy cơ sạt trượt để rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Lãnh đạo TP cho biết, sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát thực trạng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, sẽ di dời người dân đến nơi ở an toàn.

Hoàng Giám - Xuân Ngọc

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh chuyện sinh tử sau những vụ sạt lở ở Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO