Trong bối cảnh cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra mạnh mẽ, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu công nghệ này sẽ trở thành vị cứu tinh hay kẻ thù của môi trường?
Câu trả lời phụ thuộc vào hai khía cạnh chính của vấn đề này: mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của AI và tiềm năng ứng dụng AI trong việc giải quyết các thách thức khí hậu.
Về mặt tiêu thụ năng lượng, các trung tâm dữ liệu AI đang ngày càng trở thành những "con quái vật" điện năng.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Điện lực Mỹ (EPRI), đến cuối thập kỷ này, các trung tâm dữ liệu có thể tiêu thụ tới 9% tổng sản lượng điện của Mỹ, tăng gấp đôi so với hiện tại.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành năng lượng trong việc đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
Các gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, Amazon đang chạy đua đầu tư vào năng lượng sạch để cấp điện cho các trung tâm dữ liệu của họ.
Microsoft đã ký thỏa thuận mua 835 megawatt điện hạt nhân, trong khi Amazon đang xây dựng trang trại năng lượng mặt trời công suất 150 megawatt ở California.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu. Hậu quả là nhiều nơi vẫn phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, để đáp ứng nhu cầu điện ngắn hạn.
Điều này dẫn đến tình trạng phát thải khí nhà kính tăng mạnh, ngay cả ở những công ty công nghệ vốn có cam kết môi trường tham vọng.
Báo cáo bền vững gần đây của Microsoft và Google đều cho thấy mức phát thải tăng đột biến trong năm 2023, chủ yếu do sự phát triển của AI.
Mặt khác, AI đang được ứng dụng rộng rãi để giải quyết các vấn đề khí hậu. Các nhà nghiên cứu đang sử dụng công nghệ này trong nhiều lĩnh vực như tối ưu hóa lưới điện, dự báo thiên tai, phát triển vật liệu sạch.
Ông Amen Ra Mashariki, Giám đốc Chiến lược AI và dữ liệu tại Quỹ Trái đất Bezos, cho biết quỹ này đang tài trợ 100 triệu USD cho các dự án ứng dụng AI trong bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển protein bền vững và tối ưu hóa lưới điện.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cảnh báo rằng AI cũng đang được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí để đẩy nhanh quá trình thăm dò và khai thác.
Ngoài ra, AI còn là động lực chính đằng sau quảng cáo mục tiêu, có thể thúc đẩy tiêu dùng quá mức.
Để giải quyết những thách thức này, các chuyên gia kêu gọi cần có sự minh bạch hơn về mức tiêu thụ năng lượng của AI. Một số nhà nghiên cứu đang phát triển hệ thống đánh giá dấu vết carbon (carbon footprint) cho các mô hình AI, tương tự như nhãn Energy Star cho các thiết bị điện tử.
Thượng nghị sỹ Mỹ Ed Markey cũng đã đề xuất Đạo luật Tác động môi trường AI, yêu cầu các công ty công bố thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của các hệ thống AI.
Như vậy, việc AI sẽ trở thành "anh hùng" hay "kẻ phản diện" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào cách con người phát triển và quản lý công nghệ này.
Ông Amen Ra Mashariki nhận định AI đang trên "hành trình của người hùng" - có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, nhưng cuối cùng có tiềm năng trở thành một yếu tố tích cực cho môi trường.
Để đạt được điều đó, cần có sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng./.