Nuôi dạy con trẻ không phải vấn đề dễ với các bậc cha mẹ. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy mệt mỏi, bất lực khi lỡ làm tổn thương con. Đối với chúng, những câu nói dưới đây y như “thuốc độc”, khi nghe thấy sẽ rất tổn thương.
Tiến sĩ Tovah Klein - một nhà tâm lý học trẻ em kiêm giám đốc Trung tâm Phát triển Trẻ mới biết đi của Đại học Barnard (Mỹ) - đã đưa ra kết luận về các câu nói có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Trong đó, có nhiều câu nói các phụ huynh đã lỡ nói ra với con mình.
“Con luôn cư xử tồi tệ”
Dù có cáu gắt hay bực bội tới đâu, bạn cũng đừng nói với con mình rằng chúng cư xử quá tồi tệ. Cho dù chúng có phạm phải sai lầm thế nào, bạn hãy ngồi lại bên con và phân tích từ từ cho con hiểu. Nếu như cứ dạy dỗ con bằng những lời trách móc và phán xét, trẻ sẽ có cảm giác tự ti về bản thân mình.
Nhiều cha mẹ chỉ có ý muốn răn đe con cái nhưng lại “phóng đại” ngôn từ, hạ thấp con mình khiến chúng bị ảnh hưởng tâm lý. Nên nhớ trẻ rất nhạy cảm nên từng ngôn từ bạn nói ra đều có thể là “lưỡi dao” sắc nhọn với chúng.
“Tại sao con cứ khó chịu như vậy”
Thay vì đặt các câu hỏi tại sao và ép con trả lời, bạn hãy nói cho con biết lỗi sai của con ở đâu. Tránh to tiếng với con nhỏ và dọa nạt chúng còn hiệu quả hơn “đao to búa lớn”, các phụ huynh nên nắm rõ điều này.
Theo Tiến sĩ Tovah Klein, hầu hết cha mẹ đều không có ý làm con trẻ tổn thương nhưng họ không làm chủ được lời nói và không biết sức ảnh hưởng của ngôn từ lớn đến thế nào. Nếu như bạn vô tình làm tổn thương con, chúng sẽ nhớ mãi lời bạn nói, ánh mắt, hành động, vẻ giận dữ của bạn và khó mở lòng hơn.
“Con lại làm thế đúng không”
Khi con tái phạm lỗi lầm, các cha mẹ thường có câu nói “con lại tiếp tục làm vậy đúng không”. Câu nói này cũng dễ khiến trẻ có thái độ chống đối nhiều hơn. Một số trẻ sẽ có suy nghĩ không sợ sệt, không đánh giá cao lời nói của bố mẹ và tiếp tục phạm phải lỗi lầm.
“Con nói thật vô lý”
Nếu muốn làm bạn với con trẻ, các bậc phụ huynh hãy học cách lắng nghe điều con nói. Khi đó, bạn cũng cần giữ thái độ tôn trọng con chứ không phải chỉ chăm chăm phản bác ý kiến của chúng.
Dù con có nói sai, bạn cũng nên nhẹ nhàng khuyên bảo con và chỉ ra cho chúng đâu mới là suy nghĩ đúng đắn. Tuyệt đối không nên đánh giá trẻ nói vô lý, nông cạn, thiếu hiểu biết… vì sẽ khiến chúng tự ti.
“Con làm quá lên thế”
Khi con giãi bày suy nghĩ, cha mẹ không nên nói rằng chúng đang làm quá mọi chuyện lên. Thay vào đó, hãy nói nhẹ nhàng rằng “con nên nghĩ mọi chuyện theo hướng này mới đúng” để con thấu hiểu.
Thay vì cứ lên giọng với con, Tiến sĩ Tovah Klein khuyên chúng ta nên cân nhắc mọi câu nói khi trò chuyện với con trẻ. Hơn nữa, nói nhẹ nhàng với con bằng những câu: “Bố mẹ biết việc này rất khó, nhưng không sao cả vì có bố mẹ cùng làm với con”, “Bố mẹ biết con không muốn làm điều này ngay bây giờ nhưng chúng ta không thể để người khác chờ đợi được phải không”... sẽ dễ làm chúng nghe lời hơn.
Theo Phụ nữ Việt Nam