Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM có ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở khu vực bờ phải kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.
Kết quả khảo sát gần đây nhất cho thấy, cao độ mặt kè sụt lún gần 1,3m, tuyến đỉnh kè hiện trạng tại khu vực sụt lún dịch chuyển theo phương ngang ra phía kênh tại điểm xa nhất khoảng 1,7m.
Trong khoảng 10m phía sau đỉnh kè trong khu vực nhà dân đang sinh sống xuất hiện vết nứt tại vị trí lớn nhất rộng 10,6cm. Phần nền nhà dân trong khu vực sụt lún xuất hiện hàm ếch, đọng nhiều nước. Hiện tại, vẫn còn tiếp diễn.
Cơ quan chức năng đã tổng hợp các nguyên nhân và yếu tố bất lợi xuất hiện đồng thời dẫn đến tuyến kè bị sụt lún, không đảm bảo an toàn.
Tuyến kè được đưa vào sử dụng vào năm 2008 đã khai thác gần được 15 năm. Công trình hiện hữu đã có thời gian khai thác dài, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài (sóng, dòng chảy, chế độ triều, gia tăng tải trọng do xây dựng…).
Thời điểm xảy ra sụt lún trong mùa mưa, mưa lớn nhiều ngày trong khi không có hệ thống thoát nước tại khu dân cư sau kè, ngập úng làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi triều kiệt, làm gia tăng áp lực ngang lên kè; kết hợp địa chất nền đất yếu làm khối đất sau kè bị lún sụt, mất cân bằng.
Bên cạnh đó, tuyến Kênh Thanh Đa là đoạn nối tắt của sông Sài Gòn nên lượng phương tiện thủy qua tuyến rất lớn. Phương tiện di chuyển tạo sóng gây nhiều áp lực ảnh hưởng đến độ ổn định công trình kè.
Hiện tại khu vực này vẫn còn nhà dân cùng các công trình xây gần đỉnh kè (cách 3,5m thay vì 10m theo quy định) làm tăng tải trọng, lâu ngày dẫn đến sụt lún, sạt lở.
Năm 2005 khu vực này từng bị sạt lở nghiêm trọng, công trình kè bảo vệ được triển khai cấp bách nên phạm vi giải tỏa từ đỉnh kè vào trong bờ chỉ được 3,5m.
Sau khi các đơn vị tư vấn khảo sát địa hình và tính toán phương án khắc phục, Sở GTVT đã chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa đoạn 1.1 bị ảnh hưởng nói trên với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm xây dựng kè kiên cố dài gần 500m, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) thay thế công trình kè mềm hiện hữu. Phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ.
Ngoài đoạn kè 1.1 được đề xuất gia cố, hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2, 1.3, 1.4 (có kết cấu như đoạn 1.1) vẫn được khai thác ổn định, do phạm vi nhà dân nằm cách đỉnh kè 10m trở lên.
Công trình kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.1 được UBND TPHCM phê duyệt, thi công và hoàn thành từ năm 2007 đến năm 2008. Chiều dài tuyến kè 478m, bề rộng mặt kè 3,5m (từ hạ lưu cầu Kinh đến doanh trại quân đội).
Khoảng giữa tháng 6, một đoạn thuộc công trình này bị sạt lở, sụt lún làm , nghiêng về phía kênh. Thành phố phải di dời khẩn cấp 15 hộ dân để đảm bảo an toàn.
Thống kê trên địa bàn TPHCM hiện có 32 vị trí nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch (TP Thủ Đức có 8 điểm, quận Bình Thạnh có 4 điểm, các huyện Nhà Bè có 7, Bình Chánh có 4, Cần Giờ có 7, Hóc Môn và Củ Chi mỗi địa phương có một vị trí).
Trong đó, 8 điểm đặc biệt nguy hiểm gồm 3 điểm huyện Nhà Bè, 2 điểm huyện Bình Chánh, 2 điểm TP Thủ Đức và một điểm ở huyện Cần Giờ.
Các vị trí sạt lở hầu hết nằm ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Phước Kiểng, sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm - Bến Lức... gây ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân.