NHNN cho biết đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân so với cuối năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đây là thông tin mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trong ngày 6/3. Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết thời gian qua, cơ quan này đã theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022. Đến nay, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Cũng từ ngày hôm nay (6/3), các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính.
“Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên”, NHNN nhấn mạnh.
Thực tế, đến đầu giờ chiều 6/3, đã có 3/4 ngân hàng quốc doanh công bố biểu lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân mới với mức giảm 0,2 điểm % ở một số kỳ hạn (bao gồm Vietcombank, VietinBank và Agribank). Trong khi đó, BIDV là ngân hàng duy nhất nhóm này chưa công bố biểu lãi suất mới.
Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tại quầy của nhóm ngân hàng này phổ biến ở mức 4,9-5,4%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 5,8%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 7,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm với các kỳ hạn dài hơn.
Tuy nhiên, trên kênh online, mức lãi suất tối đa VietinBank và BIDV đưa ra vẫn đang là 8,2%/năm, áp dụng với các khoản gửi kỳ hạn 12-13 tháng.
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một loạt nhà băng như Sacombank, VPBank, LienVietPostBank, BacABank, Saigonbank, Vietcapital Bank… đều đã công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ hôm nay (6/3) với mức giảm phổ biến 0,3-0,5 điểm %. Cá biệt có VPBank đã giảm tới 2 điểm % lãi suất của các khoản tiền gửi 13 tháng trở lên, áp dụng trên cả kênh quầy và online.
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường với doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm
SSI Research
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu cuối tháng 2, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng đã có xu hướng điều chỉnh nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.
Ở chiều huy động, lãi suất niêm yết cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 9,5%/năm, giảm 0,5-1 điểm % so với cao điểm cuối năm 2022 và 7,4%/năm tại 4 ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, lãi suất niêm yết dành cho khối khách hàng tổ chức chưa có nhiều thay đổi, dao động trong khoảng 6,5-8,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều cho vay, một số chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm từ các ngân hàng thương mại đã được công bố (Agribank, BIDV, MBBank…). Tuy nhiên, theo SSI, điều này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số nhóm ngành cụ thể.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường với doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.