100 năm đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam

Lệ Hà| 02/11/2023 14:04

Từ một cơ sở y tế nghiên cứu và ứng dụng nguồn phóng xạ radium và tia xạ X trong điều trị ung thư với nhân lực ít ỏi chưa đến 10 người, qua 100 năm, Bệnh viện K đã có 3 cơ sở khang trang, với 1.800 cán bộ nhân viên y tế, chẩn đoán, điều trị khỏi ung thư tại đây ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.

100 năm đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà

Ngày 2.11, Bệnh viện K tổ chức Lễ kỉ niệm 100 năm thành lập Viện Curie. Tham dự chương trình có đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp...

PHó
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie – Cộng hòa Pháp. Ảnh: Trần Minh

Ngày 19.10.1923, một viện nghiên cứu và ứng dụng nguồn phóng xạ radium và tia xạ X trong điều trị ung thư ra đời với tên gọi Viện Cuire Đông Dương. Từ ngày 6.7.1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương và xây dựng toà nhà chính tồn tại cho đến ngày nay với sự đóng góp của những nhà hảo tâm, là các nhà tư sản và một số quan chức người Pháp. Ngoài công tác điều trị, Viện Radium còn là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương vào thời điểm đó.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu ngày càng cao của người dân, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 17.7.1969, Bộ Y tế đã ra quyết định số 711/BYT-QĐ về việc thành lập Bệnh viện K. Từ đây, ngành ung thư Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

100 năm đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam, Bệnh viện K luôn giữ vai trò là cơ sở chuyên khoa đầu ngành cả nước trong phòng chống và điều trị ung thư, đảm bảo công tác chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư không ngừng được cải thiện và nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, Bệnh viện K còn góp phần cùng với các đồng nghiệp xây dựng hình thành mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 11 bệnh viện chuyên ngành, 72 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân...

Là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện K đã khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm. Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới...

Đánh giá cao những thành quả, nỗ lực của Bệnh viện K, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị: “Bệnh viện K cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, có khát vọng, chiến lược, phấn đấu sớm trở thành một trung tâm ung bướu hàng đầu trong khu vực, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. Đặc biệt là một số nội dung sau:

Một là, Bệnh viện cần tiếp tục cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh ung thư. Tuyên truyền cho người dân biết những yếu tố nguy cơ để người dân phòng bệnh.

Hai là, tuyên truyền và tổ chức cho người dân, các cơ quan, doanh nghiệp đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư bằng các phương pháp từ đơn giản có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở, đến các phương pháp hiện đại ở các bệnh viện chuyên khoa sâu về ung thư.

Ba là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh.

Bốn là, tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị ung thư.

Năm là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cả về quy mô, chất lượng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới để ứng dụng trong phòng chống ung thư tại Việt Nam; Có chiến lược đào tạo cán bộ tại các nước tiên tiến, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, các bác sĩ giỏi ở trong nước và nước ngoài (cả người Việt Nam và chuyên gia quốc tế) về làm việc tại bệnh viện; quan tâm hơn nữa đến đời sống của cán bộ viên chức, người lao động của bệnh viện. Và đặc biệt, mỗi người thầy thuốc cần là điểm tựa tinh thần động viên người bệnh và người nhà người bệnh.

Sáu là, phát huy tính chủ động sáng tạo trong việc huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng thêm các khu điều trị kỹ thuật cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện.

Bảy là, Bệnh viện cần tiếp tục chú trọng việc bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; đồng thời quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, vận động các nguồn lực để hỗ trợ các bệnh nhân, bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.Cũng tại lễ kỉ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie – Cộng hòa Pháp; Kỉ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân cho 4 chuyên gia quốc tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
100 năm đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO