Nỗi đau xé lòng nơi làng biển
Trong số 10 ngư dân Quảng Bình mất tích do chìm tàu trên biển, Nguyễn Trung Bảo, trú thôn Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, là người nhỏ tuổi nhất (18 tuổi).
Bảo là thuyền viên tàu cá QB 92699-TS, do ông Nguyễn Đức Trung, trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) làm chủ. Khi tàu gặp giông lốc, bị chìm, Bảo là 1 trong 10 thuyền viên đang mất tích.
Mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Mận (mẹ Bảo) cứ ngồi ôm tấm ảnh con trai, liên tục gào khóc, trách móc biển cả cướp đi người con của bà. Nhiều ngày mất ăn mất ngủ ngóng tin con, bà Mận phờ phạc.
Dù chưa thể khẳng định Bảo đã tử nạn trong vụ chìm tàu cá, nhưng nhiều ngày đã trôi qua, gia đình gần như không còn hy vọng về sự sống của ngư dân này.
Bên bờ biển thôn Tân Mỹ, bàn thờ vọng cậu con trai út cũng đã được bố Bảo là ông Nguyễn Văn Lương dựng lên. Bàn thờ nghi ngút khói hương, ông Lương vừa khóc vừa hướng về phía biển gọi tên con.
"Gia đình tôi ngóng chờ tin con chục ngày rồi mà chưa có kết quả gì. Gặp nạn giữa biển cả mênh mông, khó mà qua được. Mới đây, tôi đã lập bàn thờ vọng cho con. Gia đình tôi vẫn luôn mong con bình an trở về. Nếu con tôi xấu số, mong sớm thấy thi thể", ông Lương thẫn thờ nói.
Tâm trạng của ông Lương cũng là nỗi buồn chung của gia đình có các ngư dân đang mất tích. Từ khi nhóm tàu cá Quảng Bình bị chìm đến nay, thân nhân các ngư dân gặp nạn vẫn ngóng trông, chờ mong một phép màu.
Nhiều ngư dân mất tích là người dân làng biển Tân Mỹ, phường Quảng Phúc. Hơn 10 ngày qua, dân làng vẫn ngóng tin dù biết lành ít dữ nhiều, bên bờ biển, những tiếng khóc tang thương, nỗi buồn bao trùm.
"Bố tôi gắn bó với nghề biển đến nay đã mấy chục năm, chưa bao giờ gặp sự cố gì, nào ngờ chuyến đi lần này lại gặp giông lốc. Hôm trước có một thuyền viên trên tàu của bố được cứu sống, niềm hy vọng đã lóe lên với gia đình tôi. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa có tin tức gì của bố", chị Nguyễn Hồng Loan, con gái ngư dân mất tích buồn bã nói.
Lằn ranh sinh tử
Ngư dân Hoàng Đăng Dung (28 tuổi), trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, là người duy nhất trên tàu QB 92699-TS đã về bờ an toàn, 6 ngư dân còn lại trên tàu đang mất tích.
Kể lại giây phút đối diện với lằn ranh sinh tử, anh Dung cho hay, thời điểm giông tố nổi lên, anh cùng một ngư dân khác đã leo lên mũi tàu để thả neo cố định, tuy nhiên cơn cuồng phong quá mạnh đã hất tung 2 người về 2 phía.
Anh Dung may mắn được một tàu cá khác phát hiện và cứu sống. Thoát chết thần kỳ, nhưng nhiều ngày qua, nỗi ám ảnh về vụ việc đau lòng cứ đè nặng tâm trí anh Dung.
"Tàu chìm, bạn thuyền không biết tình hình ra sao, nghĩ đến vụ việc tôi chẳng thể nào chợp mắt được. Thời điểm gặp giông lốc, tôi bị gió quăng quật rơi xuống biển, tàu chìm, vật lộn với sóng lớn, tôi cũng không biết tình trạng của các ngư dân khác như thế nào", anh Dung kể lại.
Cũng theo những người dân vùng biển, với những lần ra khơi gặp nạn, sự dạn dày của nhiều năm đi biển cũng không thể giúp được gì nhiều, họ nói, sống được là nhờ may mắn.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đến trưa 14/5, ngư dân cuối cùng trong số 13 người may mắn được cứu sống trong vụ 4 tàu cá chìm trên biển đã trở về bờ.
Đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng trên biển và tàu cá của ngư dân tổ chức tìm kiếm 10 ngư dân mất tích.
Một số tàu cá sau thời gian tìm kiếm không có kết quả đã thông báo di chuyển vào bờ để tiếp thêm nhiên liệu, thực phẩm, các tàu khác đang tiếp tục tìm kiếm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh thông tin cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc, đề nghị cử lực lượng, phương tiện tìm kiếm các ngư dân đang mất tích.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã điều các phương tiện phối hợp với Việt Nam hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm trên biển.
Như Dân trí đã thông tin, trong ngày 2/5 và 3/5, do gặp lốc xoáy, 4 tàu cá Quảng Bình bị chìm trên biển. Trên 4 tàu cá gặp nạn có tất cả 24 ngư dân. Trong đó 1 người tử vong, 13 người được các tàu cá đánh bắt trên biển cứu sống, 10 người đang mất tích.