Đặc biệt khi đứa trẻ ở trong những giai đoạn nhạy cảm hay nổi loạn, làm thế nào để chúng ngoan ngoãn, nghe lời và phát triển lành mạnh luôn là điều mỗi người bố người mẹ đau đầu trăn trở. Cũng chính vì vậy mà hiện đã có rất nhiều những nghiên cứu về tâm lý trẻ em, những đúc kết được rút ra từ hiện thực cuộc sống được chia sẻ rộng rãi nhằm hỗ trợ các phụ huynh trên con đường chắp cánh tương lai cho con yêu của mình.
Dưới đây là một số bí quyết nuôi dạy con ngoan căn bản và hiệu quả, Tintuconline mời độc giả cùng tham khảo:
1. Hãy giải thích thay vì la mắng
Khi xảy ra những tình huống không vừa hoặc khi con cái mắc lỗi lầm, nhiều bố mẹ lập tức nóng giận la mắng bé khiến bé sợ hãi, thu mình lại và ngày càng xa cách bố mẹ. Chưa kể, khi cha mẹ la mắng, thô tục hoặc gọi tên trẻ, đứa trẻ sẽ học cách làm tương tự khi chúng khó chịu với người khác. Ngược lại, dù bạn đang nóng giận mà vẫn cư xử tử tế với trẻ sẽ học cách xử sự với người khác bằng sự bình tĩnh và tôn trọng.
Vì vậy, bạn nên bình tĩnh và nhẹ nhàng để giải thích với trẻ đó không phải là những gì chúng nên làm thay vì sồn sồn mắng mỏ, la hét hay sử dụng một giọng điệu ác ý và nghiêm khắc. Bạn không cần phải nổi nóng mà sự bình tĩnh cũng có thể giải quyết vấn đề một cách sâu sắc. Hãy đặt ra các giới hạn và thực thi đúng với giới hạn đó để con bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi có các hành vi sai trái và cần phải làm gì trong tương lai.
2. Học cách thấu hiểu
Bạn phải hiểu rằng khi bọn trẻ nóng giận thì chúng không thể học được gì. Thay vì giảng giải, hãy đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng bình tĩnh lại. Đó không phải là một hình phạt mà là một cơ hội để bạn hiểu con hơn. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi và hoảng sợ, đừng cố giải thích về lỗi lầm của con. Thay vào đó, bạn hãy tạo cho trẻ một cảm giác an toàn và được yêu thương. Sau đó, khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể gần gũi con và nói cho con hiểu vấn đề.
3. Giúp đỡ con
Trẻ em có rất nhiều điều chưa biết, chưa hiểu và giúp đỡ, dạy bảo con là trách nhiệm, quyền lợi của các bậc cha mẹ. Chẳng hạn như việc xúc cơm ăn, ban đầu bé sẽ rất lúng túng không làm được hoặc làm sai cách khiến mọi thứ văng vãi lung tung, vì vậy phụ huynh phải giúp con ở những lần đầu, hướng dẫn con dần dần.
Nhưng khi con đã làm nhiều lần, chúng sẽ tự tin hơn và có thể tự làm. Điều này cũng tương tự như khi bạn dạy con nói lời Cảm ơn, Đợi đến lượt, Không làm quên đồ, Làm bài tập về nhà và nhiều điều khác nữa. Giúp đỡ trẻ tạo thói quen là một điều rất quan trọng để trẻ có những khung hướng dẫn xây dựng những kỹ năng cơ bản, giúp hình thành tính cách. Bạn có thể nổi điên với việc trẻ liên tục quên áo khoác nhưng việc la mắng không giúp trẻ ghi nhớ.
4. Kết nối trước khi đưa yêu cầu
Trước khi bạn đưa ra những hướng dẫn hay những yêu cầu đối với con, hãy cho trẻ thời gian để làm quen với bạn, đánh thức ham muốn học hỏi từ trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ cư xử sai khi chúng cảm thấy tiêu cực về bản thân và không có sự kết nối với người xung quanh.
Ví dụ:
- Cúi xuống và nhìn ngang tầm mắt con: “Con đang cư xử không tốt đâu… Hãy nói cho mẹ điều con muốn.... và không được cắn”
- Ôm con: “Con ước rằng mình có thể chơi lâu hơn…nhưng đến giờ đi ngủ rồi”
- Ánh mắt âu yếm: “Trông con có vẻ đang rất buồn”
5. Đưa ra những quy tắc với sự đồng cảm
Để con ngoan và phát triển lành mạnh, bố mẹ có thể nhấn mạnh vào một vài quy tắc bắt buộc trẻ phải thực hiện, tuy nhiên bạn cũng cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Khi trẻ cảm thấy được hiểu, chúng sẽ chấp nhận những nguyên tắc dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, bạn cho phép bé được tự do hoạt động, tự do làm điều bé muốn nhưng phải tuân thử một số nguyên tắc cụ thể như phải tôn trọng gia đình, lễ phép với ông bà cha mẹ. Không được tập cho bé thói quen ỷ lại vào tình thương của bố mẹ, ông bà mà trở nên ương bướng. Đặc biệt, trong những lời giao tiếp với các thành viên trong gia đình phải có sự dạy dỗ nghiêm ngặt, không được để bé uống những câu nói không lễ phép với người lớn hơn.
Con trẻ luôn năng động và tò mò khám phá, nên bạn hãy để cho bé được vui chơi một cách thoải mái trong tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, trong suốt hoạt động vui chơi, việc đồ chơi vương vãi khắp nơi là khó tránh khỏi. Cách nuôi dạy con đúng cách là bố mẹ không nên quát mắng bé, mà hãy chấp nhận điều đó và nhẹ nhàng chỉ bảo bé học cách sắp xếp gọn gàng và dọn dẹp nhà cửa.
6. Hướng dẫn trẻ cách sửa sai
Trẻ từ 3 tuổi được xem là đủ lớn để suy luận, mọi hành vi sai trái của chúng đều có thể trở thành một bài học vô giá trong việc giải quyết vấn đề sau này. Hãy hướng dẫn trẻ bài học này thật sớm để bạn có thể truyền tải những thông điệp của bản thân một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như việc bạn dùng khăn giấy lau sạch sữa đổ của con, không phàn nàn và không xấu hổ. Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ bình tĩnh khi xử lý những cơn cáu giận với các em. Tấm gương về sửa lỗi và xin lỗi sẽ giúp con học một cách nhanh nhất.
Hãy nhớ rằng tất cả các hành vi sai trái cũng là một cách ứng xử theo một nhu cầu chính đáng nào đó (mặc dù sai). Khi con hành động sai, chúng cũng có những lí do riêng. Lúc đó, bạn nên quan sát xem có phải trẻ đang cáu vì thiếu ngủ hay vì một lí do nào đó không. Hãy trò chuyện với con hoặc cho trẻ thời gian riêng để khóc và giải phóng cảm xúc xáo trộn bị kìm nén. Sau khi trẻ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trên, chúng sẽ hiểu và dừng những hành vi sai trái.
7. Gia tăng kết nối với con hàng ngày
Hãy tắt điện thoại, máy tính và trò chuyện với con để nghe con thủ thỉ những điều thầm kín nhất. Khi bạn trở thành một người bạn của trẻ, chúng sẽ dễ hợp tác hơn. Hãy gần gũi lắng nghe con nói và tôn trọng ý kiến của bé thay vì chỉ bắt bé mãi làm theo ý của riêng mình. Bởi việc làm này sẽ khiến bé không có sự sáng tạo, không tự vận động suy nghĩ, làm cho bé ngày càng trở nên thụ động vì mọi việc chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.
Trong cuộc sống hàng ngày bố mẹ đừng quên việc giao tiếp với con, hãy dành thời gian cùng con trò chuyện để thấu hiểu những mong muốn của bé. Nếu ý kiến của bé hợp lý và không ảnh hưởng xấu đến con, hãy chấp nhận và cho bé tự thử thách bản thân mình. Hãy là một người ba người mẹ tâm lý để con có nhiều cơ hội phát triển hơn.
8. Khen trẻ đúng lúc đúng việc
Hãy khen bé khi bé làm được một việc làm tốt để bé có động lực phát huy và duy trì tinh thần đó. Lời khen tuy đơn giản nhưng lại chính là món quà khen thưởng ý nghĩa nhất để con có những cư xử tốt. Bạn không nên dùng vật chất để khen thưởng bé vì như thế sẽ tạo thói quen không tốt cho con.
9. Tạo động lực và luôn khuyến khích để trẻ cố gắng
Cách tạo động lực cho con, khuyến khích trẻ cố gắng luôn là vấn đề mà bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào cũng nên biết và hiểu rõ. Bởi lẽ, khi được tiếp thêm động lực, con cái sẽ dễ dàng có sức mạnh cũng như sự dũng cảm để vượt qua khó khăn, thử thách trong học tập và cuộc sống.
Tuy nhiên để làm được điều đó, trước tiên cha mẹ hãy tìm cách giảm áp lực cho trẻ, quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Tiếp đến để tạo động lực và khuyến khích trẻ cố gắng, cha mẹ có thể cho con quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình , đồng thời phải biết trân trọng sự cố gắng và nỗ lực của con … Ngoài ra, hãy bớt chút thời gian để tham gia các hoạt động cùng con để kịp thời hướng dẫn, động viên trẻ để trẻ có động lực và cố gắng hơn.
10. Hãy làm gương cho trẻ
Để nuôi dạy con đúng cách nên người, trước hết các bậc làm cha mẹ phải là tấm gương sáng để con cái nhìn và noi theo. Điều này đồng nghĩa với việc, ba mẹ tốt mới có thể dạy con tốt lên được và cũng sẽ khiến bé nể phục, nghe lời hơn. Nhiều trường hợp ba mẹ luôn dạy bé phải thế này thế kia nhưng chính bản thân họ không làm được thì khó mà ép trẻ nghe lời được.
Chẳng hạn, bố mẹ luôn mắng mỏ không cho con chơi điện thoại, máy tính nhiều trong khi bản thân luôn kè kè bên cạnh chiếc điện thoại để lướt mạng, xem phim… thì trẻ sẽ khó phục, càng không thể vui vẻ nghe lời được.
Theo V.K - Vietnamnet