Những ngày đầu năm mới, bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình Việt không chỉ có mâm ngũ quả mà còn có hai cây mía dựng hai bên. Các khu chợ bán sản vật dùng cho ngày Tết cũng thường bày hàng loạt cây mía có dáng vẻ đẹp nhất, được tỉa bớt lá, thậm chí được thắt nơ đỏ hay dải vải màu đỏ, dành cho những người mua mía về dâng cúng.
Ý nghĩa của hai cây mía đặt cạnh bàn thờ
Đối với người Việt, mỗi sản vật được chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên đều hàm chứa ý nghĩa sâu xa; việc đặt hai cây mía cạnh bàn thờ trong ngày Tết cổ truyền cũng vậy. Hai cây mía này phải có đầy đủ cả thân và ngọn. Dáng cây phải thẳng, thân không bị sâu đục, lá không bị quăn. Cây mía có thân màu đỏ tía, chiều dài các khúc đều đặn, có các mắt đang nhú mầm được xem là tốt nhất.
Theo lý giải của GS.TS Bùi Quang Thanh, chuyên gia văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trên VnExpress, cây mía có nhiều khúc, được kết nối với nhau qua các mắt, vì thế dân gian coi cây mía tượng trưng cho sự kết nối âm dương và giao hòa trời đất. Mía có vị ngọt, nên ý nghĩa của hai cây mía đặt cạnh bàn thờ còn là mong muốn có một năm mới ngọt ngào, êm ấm.
"Ngoài ra, mía còn được xem như chiếc đòn gánh, chở thành quả lao động của con cháu lao động trong một năm để gửi đến tổ tiên trong những ngày đầu năm mới", ông Thanh nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, trong quan niệm dân gian, mía còn được coi là thứ vũ khí tượng trưng để xua đuổi các loại tà ma, cô hồn trên chặng đường ông bà tổ tiên về đón Tết với con cháu.
Ngày nay, tuy không còn phổ biến như trước nhưng phong tục trên vẫn được gìn giữ trong khá nhiều gia đình Việt. Mỗi dịp Tết cổ truyền, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương - ngũ hành, họ thường chọn hai cây mía thật to, thật thẳng để dựng hai bên bàn thờ tổ tiên.
Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Gốc, rễ tượng trưng cho đất, nguồn cội. Những dóng mía như những nấc thang nối liền đất - trời, âm - dương, dẫn đón linh hồn tổ tiên đến cõi nhân gian sum vầy cùng con cháu trong những ngày đầu tiên đầy ý nghĩa của năm mới.
Khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, cha ông ta còn gửi vào đó những ước mong gắn liền với điểm đặc trưng của nó, như vị ngọt tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp, no đủ; sự rắn chắc, mạnh mẽ vươn cao của cây mía tượng trưng cho sức khoẻ và sự thành công...
Chính vì vậy, với người Việt, cây mía không đơn thuần là sản vật dâng cúng gia tiên mà thực sự đã trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Tùy tập tục của từng địa phương mà cây mía sẽ được hạ xuống khỏi khu vực bàn thờ gia tiên ngày mồng 3 tháng 1 Âm lịch hoặc sau ngày khai hạ (ngày mồng 7 tháng 1 Âm lịch).