Xưởng đồ da đặc biệt của những 'anh em đường phố' mong viết lại cuộc đời

Sơn Nguyễn| 07/09/2023 09:36

Từng là trẻ đường phố, khi trưởng thành, tích góp được chút vốn, đôi bạn Phúc và Chiến mở xưởng đồ da và đón những "anh em đường phố" về cùng làm với mình.

Xưởng đồ da đặc biệt của những

2 lần rời bản, 6 năm làm nô lệ, 6 tháng tìm lại mình

Từng là nạn nhân của nạn buôn người, khi đang mất niềm tin vào cuộc sống, chị Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, người dân tộc Khơ Mú, quê Nghệ An bỗng tìm thấy một cánh cửa mở ra với mình từ xưởng đồ da nhỏ của những người cùng chung cảnh ngộ.

"30 năm cuộc đời, lần đầu tiên tôi được đóng bảo hiểm xã hội", Hiền xúc động.

Ở xưởng, chị Hiền là nhân sự đặc biệt nhất, bởi trước đó, chị đã trải qua gần 10 năm không bao giờ muốn nhắc lại.

Sinh ra tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), năm 14 tuổi, chị lấy chồng và đẻ liền 2 cô con gái. Cuộc sống của người mẹ trẻ "chưa từng rời khỏi núi" ấy cứ thế trôi qua yên bình cho tới năm 2015. Năm đó, chị Hiền bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông nơi xứ người.

Trước khi bị bán, người phụ nữ chỉ biết làm ruộng và nuôi lợn, quanh quẩn chốn quê. Khi nhận ra cảnh nhà khó khăn đến mức không có tiền mua hoa quả cho con, chị quyết tâm ra ngoài kiếm việc, đi làm. Không ngờ, lần đầu rời bản, chị Hiền đã rơi ngay vào bẫy, bị bán sang Trung Quốc.

Tại xứ người, chị thành nô lệ, bị giam lỏng trong nhà 2 năm để chăm sóc người chồng hờ thiểu năng. 4 năm tiếp theo, chị mới được ra ngoài đi chợ, loanh quanh trong khu.

May mắn, sau 6 năm, chị Hiền được giải cứu và được đưa trở về quê hương. Gia đình, địa phương ai nấy đều mừng cho chị. Người phụ nữ cũng mừng cho chính mình. Chưa kịp tận hưởng niềm vui đoàn tụ, người mẹ tha hương nhiều năm đối mặt ngay thực tế, không biết phải làm gì để nuôi 2 con đang tuổi ăn học.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 1

Khu xưởng rộng chừng 100m2 là nơi giúp nhiều phận người éo le tìm lại chính mình (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Có lúc, con đòi mua một quả dừa mà tôi chẳng biết nói sao vì trong túi chỉ còn chút tiền để dành cho bữa tối của cả nhà", chị Hiền ngậm ngùi.

Cuộc sống khó khăn khiến người phụ nữ Khơ Mú khốn khổ lần thứ hai quyết định rời bản để kiếm tiền nuôi con. Vay mượn được chút tiền, chị bắt xe xuống Hà Nội bắt đầu thử thách mới khi trong tâm trí vẫn còn nguyên ký ức ám ảnh.

Tại Hà Nội, một người phụ nữ không quen biết mời chào chị vào làm ở xưởng may. Tại đây, chị liên tục bị người chủ ăn chặn, cắt bớt tiền lương.

"Mỗi ngày, tôi tới xưởng lúc 7h sáng, có hôm về tới phòng trọ đã 24h đêm. Tiền lương có khi chỉ đủ trang trải chi phí trụ lại ở thành phố, cũng có gửi được một khoản về nhà nhưng rất ít, không đáng kể", chị Hiền cho biết.

Gần 1 năm sau, chị Hiền được một tổ chức chuyên hỗ trợ người yếu thế, trẻ em và nạn nhân bị buôn bán giúp đỡ, giới thiệu tới học nghề có lương tại xưởng đồ da của anh Nguyễn Văn Phúc tại Thanh Trì, Hà Nội.

Hơn nửa năm gắn bó với tiệm đồ da, chị Hiền cho biết, đó chính là những ngày giúp chị vơi đi nỗi ám ảnh quá khứ, tìm lại chính con người mình.

"Sau 6 tháng làm tại xưởng đồ da, tôi được giới thiệu sang một xưởng may khác có thu nhập cao hơn. Ở nơi mới có chút khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng để sớm ra nghề, mở tiệm riêng, khi đó có thể đón các con ra Hà Nội", chị Hiền nói về dự định của mình.

Cuộc hội ngộ của những người "anh em đường phố"

Từng có nhiều năm lăn lộn nơi đường phố với nghề đánh giày mưu sinh, anh Nguyễn Viết Chiến (quê Thường Xuân, Thanh Hóa) là một trong những nhân sự đầu tiên tại xưởng đồ da.

Thử thách cuộc đời với Chiến bắt đầu năm 17 tuổi, khi bố anh đột nhiên đổ bệnh, bao nhiêu tiền của trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi.

"Năm 2015, bố tôi mắc chứng suy thận, trong nhà có gì gần như đều dồn hết để chữa bệnh cho ông. Nhà có hai chị em, khi đó, tôi đang học lớp 11, buộc phải lựa chọn nghỉ học để trở thành trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 2

Giờ đây anh Chiến là một trong số các thợ chính tại xưởng đồ da (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nếu lúc đó tôi không nghỉ học thì chị gái đang học đại học sẽ phải bỏ ngang", anh Chiến nhớ lại.

Để bắt đầu hành trình lên Hà Nội lăn lê khắp các hè đường, góc chợ, anh Chiến bán chiếc xe đạp để đi học hàng ngày được 300.000 đồng lấy tiền mua vé xe khách. Đặt chân tới Thủ đô, trong túi Chiến chỉ còn hơn 100.000 đồng. Bộ đồ nghề đánh giày đầu tiên, anh được các anh chị cùng quê mua giúp.

"Ngày ngày, tôi lang thang quanh khu Mỹ Đình để tìm khách. Số tiền kiếm được từ công việc đánh giày dù ít ỏi nhưng đủ để hai chị em trang trải cuộc sống và gửi một phần về phụ bố mẹ", anh kể.

Cũng giống anh Chiến, anh Nguyễn Văn Băng (quê Thanh Hóa) từng có quãng thời gian dài mưu sinh trên đường phố. Mất bố năm 17 tuổi, anh rời quê lên Hà Nội với vỏn vẹn 7.000 đồng trong túi. Công việc đầu tiên của anh khi đặt chân lên Thủ đô là làm phụ hồ.

"Từ xách vữa, bơm nước tôi đều cố gắng nhận làm, chỉ mong sớm kiếm được tiền. Lúc ấy, tôi mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào", anh Băng nhớ lại.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 3

Anh Băng rời quê lên Hà Nội năm 17 tuổi, trong túi chỉ vỏn vẹn 7.000 đồng (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Được 1 năm, anh có giấy triệu tập nhập ngũ. Xuất ngũ 2 năm sau đó, anh tiếp tục lao ra đường kiếm sống bằng đủ thứ nghề, có lúc sa chân vào một đường dây đa cấp.

"Thời điểm đó tôi gần như mất phương hướng, nay đây mai đó, có việc gì thì làm, không biết tương lai sẽ ra sao. Sau khi Chiến và anh Phúc mở xưởng làm đồ da, tôi được gọi về làm cùng vì trước đó anh em biết nhau thời còn đi đánh giày ở vỉa hè", anh Băng kể.

Là em út trong xưởng, hoàn cảnh của Trịnh Đình Thái (cũng quê Thường Xuân, Thanh Hóa) không khác nhiều so với các đàn anh đi trước. Thái nghỉ học từ năm lớp 11 vì số tiền đóng học phí trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình.

Không có nhiều lựa chọn, Thái quyết định lên Hà Nội tìm cách mưu sinh.

"Khi ra Hà Nội, tôi may mắn được các anh đồng hương gọi về đây làm. Mới đầu cũng chưa biết gì, đến giờ thì tôi đã làm được hết mọi việc, tiền công nhận được không thua kém các anh là bao. Số tiền kiếm được, tôi chỉ giữ lại một ít, còn lại gửi về cho mẹ ở quê", Thái cười.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 4

Thái là em út trong xưởng đồ da (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Xưởng không có ông chủ, chỉ có anh em"

Hồi tưởng lại những ngày gian khó nhất, 3 anh em Băng, Chiến và Thái đến giờ đều cười nhẹ bẫng. Với nền tảng gây dựng được, giờ đây, những người anh em đường phố từng mất phương hướng được dành một cơ hội tại xưởng đồ da của Nguyễn Văn Phúc.

Phúc là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 anh chị em tại Thanh Oai, Hà Nội. Năm 2001, sau khi bố mất vì bệnh trọng, Phúc bắt đầu gia nhập đội quân đánh giày của làng.

Nhớ lại ngày đầu vào nghề, anh Phúc cho biết, mỗi ngày đều dậy từ 3h sáng rồi theo chân đám trẻ trong làng ra bắt xe lên Hà Nội.

"Ngày đấy, vé xe có giá 2.000 đồng, với tôi đó là một số tiền rất lớn. Để không mất tiền vé, tôi đánh giày cho lái xe, khi thì đóng vai phụ xe", anh kể lại.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 5

Anh Nguyễn Văn Phúc, người đồng sáng lập xưởng đồ da, cũng có xuất phát điểm là một lao động yếu thế (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Ban đầu chưa quen việc, anh Phúc phải nhờ anh em "team đánh giày" kèm cặp và truyền nghề. Sau một thời gian, anh tích được vài trăm nghìn đồng từ công việc làm thêm của mình.

"Khi ấy, mẹ tôi không biết việc con đi đánh giày. Cứ sáng sớm, tôi mang đồ nghề đi, trưa lại bắt xe về ăn vội bát cơm sau đó lên lớp. Công việc này được duy trì tới khi tôi lên đại học", anh Phúc bộc bạch.

Bước ngoặt đến với Phúc từ năm 2015, khi qua những lần đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với lượng đồ hiệu khá nhiều.

"Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu và nghiên cứu một số quy trình và sản phẩm bảo dưỡng đồ da. Sau một thời gian, tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, tôi quyết định kinh doanh theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước. Ý định này được ấp ủ từ năm 2015, mãi cho tới năm 2018 tôi mới có cơ hội bắt tay vào làm", anh nhớ lại.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 6

Giờ đây, thay vì đi đánh giày đường phố, Băng tìm được công việc ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Nhưng con đường khởi nghiệp của anh đã thất bại chóng vánh chỉ sau 8 tháng. Không bỏ cuộc, tháng 1/2019, anh Phúc rủ Chiến - "đồng nghiệp đường phố" - chung tay mở xưởng với số vốn ít ỏi 100 triệu đồng.

Nơi khởi nghiệp ban đầu của hai anh em là một căn phòng nhỏ tại Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Ban ngày, hai anh em loay hoay sửa chữa đồ da cho khách. Tối đến, mỗi người một nơi, làm xe ôm, đánh giày để trang trải cuộc sống.

Sau một thời gian lăn lộn, xưởng đồ da dần có khách hàng ổn định. Khi xưởng phát triển hơn, anh Phúc và Chiến quyết định đón những "anh em đường phố" về cùng làm với mình. Lần lượt Băng, Thái và gần đây nhất là Hiền tới gia nhập xưởng đồ da đặc biệt này.

"Hầu hết các nhân sự đang làm việc tại xưởng đều xuất phát từ đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Ban đầu, anh em gần như không có kỹ năng gì nhưng qua vài lần hướng dẫn đều bắt nhịp rất nhanh với công việc", anh Phúc khái quát.

Xưởng đồ da đặc biệt của những anh em đường phố mong viết lại cuộc đời - 7

Hầu hết các nhân sự đang làm việc tại xưởng đều có hoàn cảnh đặc biệt (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Có lẽ vì cũng từng nhiều năm lăn lộn với đường phố, hơn ai hết, Phúc thấu hiểu những khó khăn mà Hiền, Băng, Chiến và Thái từng đối mặt. Bởi vậy, dù là người sáng lập nên xưởng đồ da nhưng Phúc không bao giờ coi mình là ông chủ.

"Khi quyết định mời anh em về đây làm việc, tôi luôn coi mình như một người anh chứ không phải người chủ. Tất cả anh em làm ở đây đều bước ra từ đau thương, bản thân tôi cũng vậy. Do đó tôi xem mình như một người anh đi trước giúp đỡ các em.

Hàng ngày, tôi cùng làm việc, cùng ăn uống với các em. Ở đây, ai làm việc thế nào sẽ được hưởng đúng công sức tương ứng, không phân biệt chủ - tớ", anh Phúc chia sẻ.

Phúc nói anh hiểu những nỗi cơ cực ở những khu trọ ổ chuột giá chỉ 5.000 đồng/đêm, cũng thấm bao tủi hận khi bị trấn lột tiền, bị ăn chặn công sức. Thách thức lớn nhất với những lao động yếu thế là dễ rơi vào cám dỗ, vào các tệ nạn xã hội. 

Từ chính những trải nghiệm của mình, Phúc mở cửa xưởng chào đón để những "người anh em đường phố" thay vì phải lang thang đánh giày, lao động cưỡng bức có thể học được một nghề, có việc làm có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. 

Bài liên quan
  • Đoàn lân sư rồng nghĩa tình của những đứa trẻ đường phố
    Tiếng trống dồn dập. Những con rồng nhỏ bay lượn trên không trung nhịp nhàng theo điệu trống. Đầu rồng uốn khúc vòng quanh, đuôi rồng uyển chuyển ăn khớp với đầu rồng... Những đứa trẻ đã luyện tập hàng đêm như thế trên bãi đất trống dưới chân cầu Chà Và (phường 13, quận 8, TP.HCM).
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xưởng đồ da đặc biệt của những 'anh em đường phố' mong viết lại cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO