Xung đột tại Tập đoàn Hòa Bình: Công bố biên bản cuộc họp HĐQT hơn 10 tiếng

07/01/2023 18:37

Biên bản cuộc họp HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kéo dài từ 13h30 đến 23h40 ngày 31/12/2022 ghi nhận ông Nguyễn Công Phú tham dự, có ý kiến trên nhóm chat. Tuy nhiên, ông Phú bác bỏ điều này.

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) ngày 6/1 công bố nội dung giải trình của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) về việc triệu tập cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 để ban hành Nghị quyết 53. Nghị quyết này hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Viết Hải và là lý do khiến ban lãnh đạo tập đoàn xây dựng có quy mô lớn hàng đầu thị trường "nội chiến".

Tập đoàn Hòa Bình: 5 trên 8 thành viên HĐQT tham dự

Trong công văn gửi HoSE, Tập đoàn Hòa Bình cho biết ông Lê Viết Hải đã triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 31/12/2022 theo đề nghị bằng văn bản của ít nhất 2 thành viên HĐQT. Thông báo mời họp đã được gửi đến tất cả thành viên HĐQT trước ngày họp theo quy định, phản hồi của tất cả thành viên HĐQT đều có nội dung đề cập việc đã nhận được thông báo mời họp. Nội dung họp về việc xem xét hoãn thi hành 5 nội dung của các nghị quyết số 50, 51 đã được thông tin vào ngày 27/12/2022.

Theo biên bản được Tập đoàn Hòa Bình công bố, cuộc họp HĐQT lần 1 được tổ chức trực tuyến lúc 9h ngày 31/12/2022 chỉ có 4 thành viên tham dự gồm ông Lê Viết Hải (Chủ tịch), ông Lê Viết Hiếu (Phó chủ tịch), ông David Martin Ruiz (Thành viên), ông Nguyễn Tường Bảo (Thành viên độc lập). Với tỷ lệ 50% thành viên dự họp, cuộc họp này không đủ điều kiện để tiến hành.

4 thành viên này đều bỏ phiếu tán thành việc tổ chức lại cuộc họp với cùng nội dung vào lúc 13h30 cùng ngày. Cuộc họp bắt đầu lúc 9h kết thúc lúc 10h30.

13h30 ngày 31/12/2022, HĐQT Tập đoàn Hòa Bình tiến hành cuộc họp lần 2 để thảo luận các nội dung đã nêu trong cuộc họp buổi sáng. Theo biên bản họp HĐQT lần 2, có 5 thành viên tham gia cuộc họp này. Ngoài 4 thành viên tham dự cuộc họp lúc 9h sáng cùng ngày, ông Nguyễn Công Phú được ghi nhận có ý kiến qua nhóm HĐQT trên ứng dụng Viber. Do có 5/8 thành viên HĐQT tham dự, cuộc họp đủ điều kiện tiến hành theo điều lệ doanh nghiệp.

Xung đột tại Tập đoàn Hòa Bình: Công bố biên bản cuộc họp HĐQT hơn 10 tiếng - 1

Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú (thứ 3, thứ 4 từ trái sang) cùng một số thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Bình (Ảnh: HBCG).

Với cả 5 nội dung gồm hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, hoãn thi hành đơn từ nhiệm rút khỏi tư cách Thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải, hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập, hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu, hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT, các ông Lê Viết Hải, Lê Viết Hiếu, David Martin Ruiz bỏ phiếu tán thành, ông Nguyễn Tường Bảo không có ý kiến, ông Nguyễn Công Phú không tán thành.

Biên bản cuộc họp này ghi nhận 5 nội dung đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết tán thành 3/5, tương đương 60%. Biên bản cuộc họp và Nghị quyết HĐQT được thư ký ghi nhận và đọc lại cho tất cả Thành viên HĐQT thông qua 100% nội dung. Cuộc họp kết thúc lúc 23h40 phút ngày 31/12/2022.

Ông Nguyễn Công Phú: Tôi không họp ngày 31/12/2022

Trao đổi với báo chí ngày 5/1, ông Nguyễn Công Phú cho biết ông Lê Viết Hải nhắn tin riêng cho ông Phú vào ngày 31/12/2022. Ông Phú cho biết "đã viết rất rõ là không tham dự" nhưng nội dung này sau đó được đưa vào nhóm HĐQT trên Viber, ông Phú xem như đã tham gia họp và không tán thành các nội dung của cuộc họp này.

Ông Phú nói rõ ông không hề tham dự cuộc họp lúc 13h30 ngày 31/12/2022. Do đó, cuộc họp này chỉ có 4/8 thành viên HĐQT tham dự chứ không phải 5/8 người như phía Tập đoàn Hòa Bình đưa ra. Do đó, Nghị quyết 53 được ban hành sau cuộc họp này là không có hiệu lực vì cuộc họp không hợp lệ.

Ông Dương Văn Hùng - một thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Hòa Bình không tham dự họp ngày 31/12/2022 cho biết đã lập vi bằng về tất cả nội dung trao đổi trên Viber làm bằng chứng. Ông Phú để ngỏ khả năng khởi kiện ông Lê Viết Hải ra tòa án. Tuy nhiên, ông Phú và ông Hùng cũng cho biết sẽ đợi kết quả làm việc của cuộc họp HĐQT Tập đoàn Hòa Bình dự kiến diễn ra ngày 10/1 tới.

Mới đây, một cổ đông tên Huỳnh Bảo Ngọc vừa gửi đơn khởi kiện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, yêu cầu tuyên bố hủy bỏ các Nghị quyết số 50, 51 do HĐQT ban hành ngày 14/12/2022 và Nghị quyết số 53 ban hành ngày 31/12/2022 đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Trong văn bản trả lời ông Ngọc, VIAC cho biết sẽ tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.

Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958, là nhà sáng lập và giữ chức vụ điều hành, quản lý cao nhất của Tập đoàn Hòa Bình suốt 35 năm qua từ một văn phòng xây dựng nhỏ được thành lập năm 1987 đến vị thế một nhà thầu hàng đầu trong nước ngày nay. Ông Lê Viết Hải cùng gia đình hiện là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này với khoảng 20% cổ phần.

Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, là thành viên độc lập được bầu vào HĐQT Tập đoàn Hòa Bình năm 2021. Ông Phú từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao trong Tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực xây dựng Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Phú không nắm giữ cổ phiếu nào của Tập đoàn Hòa Bình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xung đột tại Tập đoàn Hòa Bình: Công bố biên bản cuộc họp HĐQT hơn 10 tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO