28 vụ chống đối, làm 17 công an bị thương
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng người tham gia giao thông chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang thi hành công vụ. Trong đó, nhiều vụ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của cả người dân và cán bộ CSGT khi thực thi nhiệm vụ.
Đơn cử, vào chiều 21/4, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ô tô bán tải hiệu Ford Ranger biển kiểm soát 49C-296.01 (do đối tượng chở ma túy điều khiển), đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.
Cú tông khiến Thiếu tá Nguyễn Xuân Hào (40 tuổi), cán bộ Đội CSGT Công an huyện Đức Hòa và 2 người dân khác tử vong.
Trước đó 2 tháng, vào các ngày 5/2 và 6/2, tại Vĩnh Phúc và Lào Cai cũng xảy ra liên tiếp 2 vụ chống đối người thi hành công vụ, khiến 2 cán bộ CSGT bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, chiều 5/2, Tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại đường đê tả sông Hồng. Quá trình kiểm tra, cảnh sát phát hiện ô tô do ông Cao Văn Lý (SN 1958) điều khiển.
Khi đến gần tổ công tác, ông Lý bất ngờ quay đầu xe định bỏ chạy, một cán bộ của tổ công tác đứng ngay phía trước đầu ô tô của ông Lý, phải bám trên nắp capo xe.
Thấy vậy, ông Lý tiếp tục lái xe bỏ chạy. Quá trình chạy xe, ông Lý còn tông vào một người đi xe máy khác, tuy nhiên ông này vẫn không dừng lại. Khi bỏ chạy được một đoạn đường, cán bộ CSGT trên nắp capo xe ông Lý bị ngã ra đường gây thương tích.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 28 vụ chống người thi hành công vụ, làm 17 cán bộ công an, cảnh sát bị thương, cảnh sát cũng đã bắt giữ 27 đối tượng.
Sau đó một ngày, tại Lào Cai, tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai làm nhiệm vụ tại phường Nam Cường, TP Lào Cai, phát hiện Kiều Tiến Tâm chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra.
Tuy nhiên, Tâm không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát mà còn tăng ga đâm vào một cán bộ CSGT khiến người này bị đa chấn thương, nứt hộp sọ, phải nhập viện cấp cứu.
Ngăn chặn chống đối ra sao?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, những hành vi chống đối người thi hành công vụ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo vị đại diện, có những vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, những đối tượng có hành vi sử dụng chất kích thích như rượu, bia, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thì có những hành động bất chấp gây nguy hiểm.
Ngoài ra, còn các đối tượng tội phạm khác như ma túy, hình sự... có những kiểu chống đối rất nguy hiểm. Đơn cử như vụ đối tượng chở ma túy đâm cán bộ CSGT ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hy sinh.
Vị đại diện Cục CSGT nhìn nhận, đa số các vụ chống đối CSGT đều là những người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Bởi khi bị xử lý vi phạm, những người này rất dễ bị ảnh hưởng tới tâm lý, bởi việc xử lý sẽ "động chạm" tới lợi ích của người tham gia giao thông. Ví dụ như việc họ phải nộp phạt, bị tước giấy phép lái xe, bị tạm giữ phương tiện.
"Tuy nhiên, tất cả những hành vi vi phạm sẽ đều bị xử lý một cách nghiêm minh", vị đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục CSGT, để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi chống đối lại lực lượng thực thi nhiệm vụ, trước hết, lực lượng CSGT cần được trang bị về kiến thức, cách ứng xử và cả nghiệm vụ, võ thuật...
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, lực lượng CSGT cũng phải có sự phối hợp với các lực lượng chức năng khác như cảnh sát hình sự, công an cơ sở, để có một lực lượng đủ mạnh, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý với các hành vi vi phạm nêu trên.
Thứ 2, lực lượng chức năng cần có những khuyến cáo, tuyên truyền đối với người tham gia giao thông cần chấp hành, tuân thủ nghiêm những yêu cầu của lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, để đảm bảo hoạt động tuần tra kiểm soát giao thông được diễn ra một cách an toàn.
"Cộng đồng cần lên án những hành vi vi phạm. Ngoài ra, quá trình điều tra, truy tố, xét xử những đối tượng chống đối cần được rút gọn, công khai theo hướng "án điểm", nhằm tuyên truyền rộng rãi, mang tính răn đe", đại diện Cục CSGT chia sẻ thêm.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi tiếp xúc với người vi phạm, CSGT nên giải thích rõ, để người vi phạm hiểu lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Trường hợp CSGT đã kiên trì giải thích mà người vi phạm cố tình không hợp tác, chống đối thì phải xử lý nghiêm minh. Thậm chí, phải có những biện pháp trấn áp kịp thời nếu người vi phạm manh động.
Luật sư Tiền cũng lưu ý, người dân khi tham gia giao thông phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật, giữ bình tĩnh trong trường hợp bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra hoặc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Nếu có căn cứ chứng minh CSGT xử phạt sai, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình thì người vi phạm có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt đó. Tránh trường hợp mất bình tĩnh, nóng vội dẫn đến những hành động mất kiểm soát đối với người thi hành công vụ.