Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, lộ diện kẻ trục lợi giấu mặt

24/07/2023 11:40

Qua những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, lời khai của các bị cáo cho thấy, còn có nhóm người môi giới lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Trở lại thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và lây lan nhanh trên toàn thế giới, sự việc chưa từng có trong lịch sử nhân loại, gây ra hậu quả nặng nề về kinh tế, đời sống, sức khỏe và cả tính mạng con người.

Trước tình hình dịch bệnh có thể kéo dài với những hậu quả phức tạp ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người Việt Nam ở nước ngoài, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, Chính phủ đã đồng ý cho tổ chức các chuyến bay mà công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo), giao 4 Bộ (Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó bổ sung thêm Bộ Công an cùng phối hợp thực hiện.

Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, lộ diện kẻ trục lợi giấu mặt - 1

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Kết quả, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã thực hiện các chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Điều đáng buồn, một số bị cáo đã lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...

Trong số những người đưa hối lộ, bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) bị xác định là người đã đưa hối lộ nhiều nhất.

Quá trình xin cấp phép 109 chuyến bay, cách ly y tế, từ tháng 11/2020- 12/2021, ông Sơn và cấp phó là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đồng phạm đưa hối lộ 63 lần, tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng cho 12 người và một số cá nhân khác có thẩm quyền.

Kẻ trục lợi giấu mặt

Trong lời nói sau cùng tại tòa, ông Sơn đặt vấn đề: Việc thực hiện các chuyến bay combo thì ai là người được hưởng lợi?

Bị cáo phân tích, nếu các chuyến bay combo cứ bán được 80% số chỗ ngồi thì đây là điểm hòa vốn. Nếu bán được 100% số chỗ trên máy bay thì lãi được 20%. Nhưng nếu không bán được 80% số chỗ ngồi thì doanh nghiệp vẫn lỗ.

Ở đây, doanh nghiệp đưa hối lộ là để xin được cấp phép chứ không khẳng định được cứ đưa hối lộ là doanh nghiệp có tiền lãi ngay được.

“Cái này tại sao dân mình ở bên kia kêu giá vé cao? Vì dân mình không biết đến các doanh nghiệp làm trực tiếp nên họ phải mua vé qua nhiều kênh vòng vo. Ví dụ giá vé mà bà con mua để đi từ Kuala Lumpur (thủ đô của Malaysia) về Việt Nam là 70 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp chỉ bán có 30 triệu…”, lời bị cáo Sơn.

Theo trình bày của bị cáo Sơn, rõ ràng đã có một đội ngũ chuyên môi giới bán vé máy bay. Họ đẩy giá vé lên cao, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Tại bản luận tội của đại diện VKS nêu: Thời điểm năm 2020, 2021, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Malaysia và trên toàn thế giới hết sức phức tạp.

Tháng 3/2020, Chính phủ Malaysia công bố đóng cửa biên giới, dẫn đến tình trạng nhiều du học sinh, công dân Việt Nam, người lao động bị mắc kẹt; hơn 2.000 người mãn hạn tù là công dân Việt Nam đang ở các trại chờ gây nên áp lực rất lớn đối với chính quyền Malaysia.

Chính quyền Malaysia gửi nhiều văn bản yêu cầu Chính phủ Việt Nam đưa người mãn hạn tù về nước bằng bất cứ hình thức nào.

Điều đáng lưu ý, tại các trại chờ, có tình trạng môi giới giả danh cán bộ đại sứ quán để thu tiền giá cao nhưng vẫn không đưa được công dân Việt Nam về nước.

Trước tình hình đó, mặc dù không có kinh phí, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã chủ động báo cáo Bộ Ngoại giao xin phép Chính phủ cho Đại sứ quán tổ chức bảo hộ công dân đưa người mãn hạn tù từ nhiều nơi trên khắp đất nước Malaysia về nước trên các chuyến bay bằng kinh phí tự nguyện của họ.

Từ tháng 5/2021 - 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức được 8 chuyến bay đưa 1.891 người mãn hạn tù ở 19 trại chờ của Malaysia về nước.

Quá trình tổ chức thực hiện 8 chuyến bay trên, với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định của pháp luật, thu tiền cao hơn chi phí thực tế, gây hậu quả thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Theo lời khai của ông Thái, thời điểm xảy ra dịch bệnh, ở Malaysia xuất hiện nhóm người môi giới bán vé máy bay cho công dân Việt Nam về nước với giá "trên trời". Mức phí mà Đại sứ quán thu là rất rẻ so với giá vé mà nhóm “cò mồi” bán ra.

Trao đổi với VietNamNet về hành vi của những người cò mồi, môi giới để bán vé máy bay cho đồng bào Việt Nam ở tại Malaysia nói riêng và các nước khác nói chung, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng:

Nếu hành vi của họ là đưa ra những thông tin không đúng sự thật, khiến cho người mua vé tưởng rằng giá vé đương nhiên cao như vậy và trả tiền mua vé, qua đó người môi giới hưởng chênh lệch thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù việc làm của họ xảy ra ở nước ngoài, nhưng theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, những người này vẫn có thể bị xử lý về tội danh tương ứng với hành vi của họ.

“Việc xử lý những người cò mồi, môi giới là rất cần thiết. Vừa để người dân hiểu được bản chất của việc giá vé bị đẩy lên cao xuất phát từ đâu, vừa để những người khác không bị mất tiền oan trong tương lai”, lời luật sư Thanh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, lộ diện kẻ trục lợi giấu mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO